Tỷ phú Ấn Độ quyết đấu với Amazon và Walmart

05/11/2019 13:42 PM | Kinh doanh

Tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani vừa tiết lộ kế hoạch thành lập một công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật số trị giá 24 tỷ USD để trở thành phương tiện chính trong tham vọng thống trị không gian mua sắm trên internet ở nước này của ông.

Hội đồng quản trị tại công ty Reliance Industries Limited (RIL) của Ambani đã chấp thuận đề xuất rót 1,08 ngàn tỷ rupee (15 tỷ USD) vào công ty con này, rồi nơi đây sẽ đầu tư số tiền đó vào Reliance Jio Infocomm, liên doanh viễn thông của tập đoàn này. Một loạt giao dịch chuyển vốn sẽ khiến Jio, nơi đã có số vốn 650 tỷ rupee (9,2 tỷ USD), gần như không bị mắc nợ vào tháng 3/2020, công ty mẹ cho biết vào ngày 25/10.

Động thái của người giàu nhất châu Á là dấu hiệu mới nhất trong hành động "xoay trục" của tập đoàn này, nhằm hướng tới các dịch vụ dữ liệu và kỹ thuật số để có được sự tăng trưởng trong tương lai, khi họ xây dựng một nền tảng trực tuyến để "đấu" với các dịch vụ trực tuyến Flipkart của Walmart và Amazon ở Ấn Độ. Hồi tháng 8, Ambani đã nói với các cổ đông rằng những doanh nghiệp mới, bao gồm cả bán lẻ, có khả năng đóng góp một nửa thu nhập của Reliance trong vài năm tới, so với khoảng 32% hiện nay.

Với công ty cổ phần mới này, Ambani cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho các doanh nghiệp cho một đợt chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO), điều mà ông đã cam kết sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm. Kể từ khi mạng 4G của Jio ra mắt vào năm 2016, nhà mạng này đã vươn lên dẫn đầu tại Ấn Độ với hơn 350 triệu người dùng. Ambani cũng đã kết nối một mạng lưới các đối tác thông qua những thương vụ thôn tính và mua cổ phần để xây dựng một chiếc "xương sống" cho các kế hoạch thương mại điện tử của mình.

"Với sự tiếp cận và quy mô của hệ sinh thái kỹ thuật số của chúng tôi, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các đối tác chiến lược tiềm năng. Chúng tôi sẽ giới thiệu các đối tác phù hợp trong công ty nền tảng của mình, tạo ra và khám phá giá trị có ý nghĩa cho các cổ đông của RIL", Ambani cho biết.

Reliance Industries sẽ đầu tư tiền vào công ty cổ phần này - có khả năng là tương tự như cách của Alibaba và Alphabet - thông qua các cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi tùy chọn. Theo Reliance Industries cho biết, đơn vị này sẽ mua lại khoản đầu tư vốn cổ phần trị giá 650 tỷ rupee của công ty mẹ vào Jio.

Sau khi bơm vốn, Reliance Jio sẽ chuyển các khoản nợ trị giá 1,08 ngàn tỷ rupee cho một công ty con khác của công ty mẹ, biến Jio gần như không còn bị nợ.

Tinh giản cấu trúc

Trong khi cựu giáo viên tiếng Anh Jack Ma bắt đầu Alibaba vào năm 1999 từ con số không, thì Ambani đang sử dụng sức mạnh của đế chế mình để xây dựng một cái gì đó tương tự cho Ấn Độ bằng cách kết nối các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Alibaba đã báo cáo khoản lãi 13 tỷ USD tính đến tháng 3 năm nay, trên doanh thu 56 tỷ USD. Việc mở rộng của gã khổng lồ Trung Quốc bao gồm các cửa hàng nhỏ và độc lập, một phân khúc quan trọng mà Ambani cũng đang tìm cách khai thác.

Cổ phiếu của Reliance Industries đã tăng 28% trong năm nay, so với mức tăng 8,8% trong chỉ số S&P BSE Sensex chuẩn. Cổ phiếu này hiện ở gần mức cao nhất mọi thời đại, và sẽ tiếp tục giao dịch khi thị trường Ấn Độ trở lại sau kỳ nghỉ.

Hồi tháng 8, Ambani cho biết Reliance Industries đã chi gần 50 tỷ USD cho Jio, và việc họ có các cuộc gọi miễn phí và dữ liệu giá rẻ đã đẩy một số đối thủ ra khỏi cuộc chơi hoặc sáp nhập với công ty khác, làm rung chuyển cả ngành công nghiệp này.

Khoản nợ của Jio đứng ở mức khoảng 840 tỷ rupee vào ngày 30/9, Giám đốc tài chính (CFO) V. Srikanth cho biết hồi đầu tháng này. Tính đến hết tháng 9, họ có lợi nhuận độc lập 9,9 tỷ rupee, với doanh thu 123,54 tỷ rupee.

Theo Bloomberg Billionaires Index, nhà tài phiệt này có giá trị tài sản ròng khoảng 56 tỷ USD. Ông cũng đã tiết lộ kế hoạch bán 20% doanh nghiệp dầu và hóa chất của Reliance cho công ty Saudi Arabian Oil với giá 75 tỷ USD. Sau nhiều năm chi hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp mới, Ambani đang làm sạch bảng cân đối kế toán của công ty mẹ, với mục tiêu làm cho nó thoát khỏi nợ ròng trong vòng chưa đầy hai năm.

Theo Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM