Tương lai nào cho 4 "con hổ châu Á": Dẫm vào vết xe đổ của Nhật Bản hay sẽ tiếp tục tạo ra kỳ tích?

18/12/2019 20:42 PM | Kinh tế vĩ mô

Một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế Nhật trì trệ là do già hóa dân số: người Nhật hiện già hơn mọi quốc gia khác trừ Monaco bé nhỏ. Nhưng trong 3 thập kỷ tới những "con hổ châu Á" được dự báo là sẽ già đi nhanh hơn cả người Nhật.

Kể cả khi ở thời hoàng kim, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông – 4 nền kinh tế được mệnh danh là những " con hổ châu Á " vẫn phải nhận những lời dèm pha. 25 năm trước, nhà kinh tế đạt giải Nobel Paul Krugman viết 1 bài báo trên tờ Foreign Affairs với tựa đề "Những nhầm lẫn về phép màu châu Á". Ông lập luận rằng nếu nhìn kỹ thì đáng ngạc nhiên là có rất ít dấu hiệu cho thấy những nền kinh tế có vẻ thành công của châu Á đang cải thiện năng suất. Thay vào đó tăng trưởng của họ đến từ việc gia tăng nhanh chóng các yếu tố đầu vào như lao động và vốn.

Theo ông, đó là phép màu dựa trên "mồ hôi công sức" chứ không phải hiện tượng có thể truyền cảm hứng.Mô hình này đối mặt với một số giới hạn. Tỷ lệ việc làm không thể tăng lên mãi mãi. Và quá trình tích lũy vốn cuối cùng chỉ có thể đem về lợi nhuận rất nhỏ. Do đó điều tất yếu là tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống.

Dự đoán của Krugman đã trở thành hiện thực. Thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng trung bình của 4 nền kinh tế là 3%, giảm so với con số 8% của thời kỳ đầu những năm 1990. Nhưng họ đã thích nghi tốt hơn so với nỗi lo sợ của ông. Từ năm 2000 đến 2017, tốc độ tăng trưởng vẫn cao hơn ít nhất là gấp đôi so với những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Mỹ.

Điều mà các "con hổ châu Á" lo sợ nhất là sẽ rơi vào kịch bản giảm phát kéo dài như Nhật Bản. Đối với nhiều người thì cuộc sống ở Nhật khá dễ chịu và dư dả. Nhưng nền kinh tế này đã bị tụt lại phía sau so với các nền kinh tế phát triển khác. Tính theo ngang giá sức mua, GDP bình quân đầu người của Nhật bằng 85% so với Mỹ, nhưng ngày nay chỉ bằng gần 70%.

Một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế Nhật trì trệ là do già hóa dân số: người Nhật hiện già hơn mọi quốc gia khác trừ Monaco bé nhỏ. Nhưng trong 3 thập kỷ tới những "con hổ châu Á" được dự báo là sẽ già đi nhanh hơn cả người Nhật. 4 nền kinh tế cũng có nhiều điểm tương đồng so với mô hình kinh tế Nhật Bản. Hàn Quốc và Đài Loan có thế mạnh về sản xuất nhiều hơn đáng kể so với dịch vụ, và cả 4 đều dựa vào xuất khẩu để tạo ra tăng trưởng lực cầu. Vậy thì liệu có phải họ sẽ đi vào vết xe đổ của Nhật Bản hay không?

So với Nhật Bản trong những năm mà nền kinh tế đang có bong bóng thì 4 nền kinh tế sẽ được những người theo chủ nghĩa bảo thủ về tài chính đánh giá rất cao. Kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98, họ vẫn luôn đảm bảo hệ thống ngân hàng phải có nguồn vốn đủ lớn để chống đỡ với bất cứ cú sốc nào, đồng thời đặt ra những quy tắc rất nghiêm ngặt về vay nợ. Thêm vào đó họ hội nhập sâu vào hệ thống thương mại toàn cầu, có được mức xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh của World Economic Forum hay World Bank.

Vì thế, nếu những "con hổ châu Á" trượt dốc thì đó là vì những lý do của riêng họ chứ không phải vì lặp lại những sau lầm của Nhật Bản. Đài Loan muốn nới lỏng mối quan hệ với kinh tế Trung Quốc, nhưng điều đó là rất khó vì Trung Quốc hiện là trung tâm của kinh tế châu Á. Trong khi đó mặc dù sự giận dữ trước việc quyền lực nằm trong tay một số tập đoàn lớn khiến người Hàn Quốc đòi hỏi 1 hệ thống công bằng hơn, nhiều phản ứng của chính phủ đã tỏ ra không hiệu quả.

Hệ thống chính trị được giám sát một cách cẩn thận của Singapore đang ngày càng phải chịu nhiều áp lực, và làn sóng phản đối người nhập cư cho thấy quốc đảo này không miễn nhiễm trước chủ nghĩa dân túy đang lây lan trên toàn cầu. Và Hồng Kông cũng đang mắc kẹt trong các cuộc biểu tình.

Nhưng không thể phủ nhận 4 nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm mạnh và họ hoàn toàn có thể tiến về phía trước. Hàn Quốc đang nổi lên là 1 nơi mạnh về nghiên cứu, cùng lúc đó đã xây dựng được những thương hiệu mạnh tầm cỡ toàn cầu, từ smartphone đến các thần tượng nhạc pop. Đài Loan tự biến mình thành 1 người chơi quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tạo ra được hệ sinh thái các doanh nghiệp nhỏ khá vững mạnh. Còn Hồng Kông vẫn là cánh cổng kết nối thị trường tài chính Trung Quốc với thế giới. Singapore có nền kinh tế đa dạng và gần đây đã có những giải pháp thiết thực để giảm bớt tình trạng chênh lệch giàu nghèo.

Những con hổ châu Á có thể tìm thấy lối thoát hay sẽ sa lầy là câu hỏi có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới. Những gì họ đã làm được trong những năm bùng nổ vẫn là tấm gương cho các nền kinh tế đang phát triển khác, cho thấy các nước có thể leo từ mức thu nhập trung bình lên các nấc thang cao hơn như thế nào.

Với những công ty đầy sáng tạo, họ cũng là người dẫn đầu các công nghệ mới. Và xã hội của họ cũng đang đối mặt với những phiên bản khác nhau của các câu hỏi hóc búa mà nhiều nước giàu đang gặp phải: làm sao để đối mặt với dân số già, làm thế nào để bảo vệ người lao động trước những tác động của tự động hóa, làm thế nào để tăng năng suất, nên ứng xử như thế nào khi bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, và làm cách nào để tăng lương và ngăn chặn làn sóng tăng giá nhà đất.

Trong mấy chục năm trước khi được mệnh danh là những "con hổ", các nền kinh tế châu Á thường được ví với một con vật khác: những "chú chim nhạn" bay theo đàn mà trong đó Nhật Bản chính là con đầu đàn. Trong tự nhiên cũng như trong kinh tế, những chú chim nhạn bay phía sau sẽ tận dụng luồng khí từ con đầu đàn để đỡ mất sức hơn. Nhưng có 1 điểm khác biệt ở đây: những chú chim sẽ liên tục thay đổi vị trí đầu đàn. Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc đã có nhiều thập kỷ "bay" sau các nền kinh tế phát triển. Giờ thì dường như không còn ai để họ "bay" theo.

Tham khảo The Economist

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM