Bí quyết chuyển mình thành công của 4 "con hổ châu Á" trong thời của thương mại điện tử và xe tự hành
Xây dựng chiến lược quốc gia cho trí tuệ nhân tạo hay máy tính lượng tử là bước đi thông minh. Nhưng bằng cách nào khi không có công nghệ để sao chép vì chúng còn quá mới mẻ?
Tháng trước, Jack và 49 người khác bước lên một chiếc máy bay vận tải và sau đó nhảy dù xuống một hòn đảo. Nhiệm vụ của họ khá đơn giản: giết người khác hoặc sẽ bị giết. Jack chọn lựu đạn và đi đến một nhà máy bị bỏ hoang với hi vọng sẽ không bị ai phát hiện và sống sót an toàn. Nhưng anh đã lầm. Kết quả là anh không thể qua được bàn 1.
Chào mừng đến với Free Fire, một trong những trò chơi đối kháng trên điện thoại được tải xuống nhiều nhất năm 2019. Đây là trò chơi được phát triển bởi Sea Group, tập đoàn internet mới chỉ được thành lập ở Singapore cách đây 1 thập kỷ nhưng giờ đã có giá trị 17 tỷ USD. Ngoài trò chơi gây sốt này, Sea còn có Shoppee - ứng dụng thương mại điện tử được người dân Đông Nam Á ưa chuộng hơn rất nhiều so với Amazon.
Thành công của Sea phản ánh sự chuyển mình quan trọng trong 4 nền kinh tế được mệnh danh là những "con hổ châu Á": Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.
Bài toàn mới thời công nghệ số
Trong thời kỳ bùng nổ, phần lớn trong số các công ty lớn nhất của họ có được thành công là nhờ chính sách hậu thuẫn của chính phủ. Ở Hàn Quốc, các chaebol được hưởng nguồn tín dụng giá rẻ và miễn thuế. Các công ty sản xuất chip của Đài Loan có cùng xuất thân từ viện nghiên cứu. Những ông trùm ở Hồng Kông có mối quan hệ thân thiết với các quan chức và được hưởng lợi từ chính sách đất đai. Còn ở Singapore, những công ty lớn nhất cũng thuộc sở hữu của chính phủ.
Sea đại diện cho điều hoàn toàn khác. Thành công của nó ít liên quan đến chính sách của chính phủ. Các nhà kỹ trị của Singapore, các tác giả của nhiều kế hoạch phát triển kinh tế tỉ mỉ đã tạo nên thành công của đảo quốc này - có lẽ chưa từng bao giờ nghĩ ao ước 1 trò chơi mà trong đó nữ hoàng sắc đẹp lại trở thành kẻ buôn vũ khí. Lý Quang Diệu có lẽ sẽ không hề hào hứng với ý tưởng này.
Nhưng các nhà lãnh đạo ngày nay phải nghĩ khác. Chính sách công nghiệp từng là yếu tố góp phần quan trọng giúp 4 "con hổ châu Á" cất cánh. IMF cũng mới công bố 1 nghiên cứu dài viết về thành công của mô hình nhà nước dẫn dắt nền kinh tế. Nhưng bí quyết của 1 quốc gia đang phát triển sẽ không thể giúp ích nhiều cho nền kinh tế đã đạt được thành tựu nhất định. Trong những năm 1970, những "con hổ" có thể học theo nước khác. Ví dụ, Hàn Quốc đã học theo Nhật Bản khi tập trung vào công nghiệp nặng hay thu hút nhân tài từ các nơi khác.
Tuy nhiên, thách thức ở thời điểm hiện tại hoàn toàn khác. Khi các quan chức và người chủ doanh nghiệp nhìn về phía trước, họ chỉ thấy tương lai mịt mù. Xây dựng chiến lược quốc gia cho trí tuệ nhân tạo hay máy tính lượng tử là bước đi thông minh. Nhưng bằng cách nào khi không có công nghệ để sao chép vì chúng còn quá mới mẻ? Do đó câu chuyện ở đây là phải tạo ra điều kiện thuận lợi để khuyến khích các công ty tiến lên phía trước và tóm lấy cơ hội đột phá khi cơ hội đến.
Xét theo góc cạnh nào đó, chiến lược của 4 "con hổ" ngày nay cũng có nét tương đồng so với chính sách phát triển các ngành công nghiệp cũ kỹ hơn. Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã công bố "kế hoạch sáng tạo ngành nghề 5+2" hướng đến những ngành như năng lượng sạch và máy móc thông minh. Singapore vạch ra 23 ngành sẽ được chú trọng phát triển, từ chế biến thực phẩm đến hàng không vũ trụ. Hàn Quốc hướng đến mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đầu tư hơn 25 tỷ USD vào 8 ngành mới nổi, trong đó có AI và xe tự hành.
Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, điểm khác biệt sẽ hiện ra rất rõ. Đó không phải là những kế hoạch được chỉ thị từ trên xuống mà là các sáng kiến đã được rút ra sau khi tham khảo kỹ càng ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia. Và mục tiêu không phải là trợ cấp cho ngành này ngành kia mà là xây những "viên gạch" cần thiết. Một số yếu tố đã quá quen thuộc: cơ sở hạ tầng tốt (từ cảng biển đến internet), sự cởi mở về thương mại, lực lượng lao động tay nghề cao và đầu tư mạnh tay cho công tác nghiên cứu và phát triển. Nhưng 4 "con hổ" còn có những cách sáng tạo hơn để thúc đẩy sáng tạo.
Đài Loan có một trong những khung pháp lý tiên tiến nhất trên thế giới để khuyến khích giải ngân cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa – nhóm các công ty có nhiều ý tưởng hay ho nhưng lại ít nguồn lực. Đó là sự kết hợp giữa 1 hệ thống chia sẻ thông tin tập trung về hiệu suất của doanh nghiệp với 1 danh sách các lựa chọn bảo lãnh tín dụng, giúp các ngân hàng tự tin hơn. "Khi tôi giải thích hệ thống này với các ngân hàng ở các nước, họ đều rất thèm thuồng", Lee Chang-Ken, chủ tịch của tập đoàn tài chính Cathay chia sẻ. Các khoản vay dành cho nhóm SME chiếm 64% tổng số vốn vay mà các ngân hàng Đài Loan dành cho doanh nghiệp tư nhân, tăng mạnh so với con số 41% của năm 2005.
Singapore đã xây dựng 1 nhà máy mô phỏng khổng lồ cho phép các SME có thể tiếp cận với công nghệ in 3D tân tiến nhất cũng như các thiết bị robot. Ở Hồng Kông cũng có những cơ sở tương tự. Nếu 1 doanh nhân nảy ra ý tưởng hay, họ không cần phải có nguồn vốn khổng lồ mới có thể triển khai ý tưởng. Nhưng những nhà lãnh đạo cũng tự nhận thức được những giới hạn của bản thân. Ngày nay các quyết định lớn thường được đưa ra trong phòng họp hội đồng quản trị, và các nhà kỹ trị bị bỏ lại phía sau.
Các "con hổ châu Á" cũng đang bắt đầu tập trung vào những mảng khác của nền kinh tế ngoài thế mạnh hiện tại, ví dụ như ngành dịch vụ hiện đang có năng suất thấp hơn nhiều so với Mỹ. Một phần nguyên nhân là thị trường tiêu dùng quá nhỏ, nhưng còn do họ đã quá khắt khe với bản thân. Hàn Quốc hiện đang áp dụng những rào cản pháp lý quá cao đối với ngành dịch vụ, cao hơn tất cả các nước OECD nào khác trừ Bỉ.
Singapore đang nỗ lực hiện đại hóa ngành dịch vụ, với quan điểm càng nhiều người được đào tạo để làm những công việc công nghệ cao thì họ sẽ càng dễ triển khai các công cụ kỹ thuật số để phục vụ dân chúng một cách hiệu quả hơn.
Chìa khóa không phải mạng 5G
Ở Hwaseong, nơi cách thủ đô Seoul 35 km về phía Nam, 1 ngôi làng mới xây dựng đang được tận hưởng mạng 5G có tốc độ khiến bất kỳ thành phố nào cũng phải ghen tị. Khách đến thăm cũng có thể tìm thấy những tiện ích quan trọng khác như trường học hay nhà hàng ăn uống. Nhưng hãy cẩn trọng: tất cả các tòa nhà đều là giả. Thị trấn mô phỏng được Viện nghiên cứu và thử nghiệm ô tô Hàn Quốc dựng lên để thử nghiệm các loại xe tự hành.
Hàn Quốc là một trong những nơi có cơ sở hạ tầng cho xe tự hành tất nhất trên thế giới, với các nhà sản xuất chip và công ty ô tô tầm cỡ thế giới cộng với mạng 5G đang ngày càng mở rộng. Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Vậy thì tại sao nước này chỉ xếp thứ 13 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế chuẩn bị tốt nhất cho xe tự hành của KPMG? Một phần nguyên nhân là do Hàn Quốc cũng thích nghi quá tốt với các công nghệ khác, ví dụ như các ứng dụng chia sẻ xe.
Sự sáng tạo, mặc dù được thôi thúc bởi các doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách, sẽ không thể làm tăng năng suất của 1 nền kinh tế nếu không được áp dụng rộng rãi. Giống như giáo sư Paul David của ĐH Stanford đã chỉ ra, phải đến những năm 1920, tức 4 thập kỷ sau khi Thomas Edison phát minh ra trạm phát điện đầu tiên thì các nhà sản xuất mới bắt đầu sử dụng rộng rãi.
Việc người Hàn Quốc ưa chuộng các ứng dụng đi chung xe và khiến những lái xe taxi truyền thống thất nghiệp, dẫn đến biểu tình phản đối nhấn mạnh thứ mà hầu hết các "con hổ châu Á" đều thiếu: hệ thống an sinh xã hội. Chìa khóa để phát triển công nghệ mới không phải là mạng 5G tốt hơn mà là 1 hệ thống lương hưu tốt hơn. Nếu không có chế độ cho những người bị công nghệ bỏ lại phía sau, rất khó để nhận được sự ủng hộ ngay từ những bước đầu tiên.