Tương lai của thị trường cho thuê văn phòng sau Covid-19: Ưu tiên không gian làm việc linh hoạt và nhiều cơ hội hơn cho mảng co-working
Sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp có thể chuyển sang phương thức làm việc linh hoạt, cho phép nhân viên hoàn thành các công việc đơn lẻ từ xa và văn phòng sẽ là nơi làm việc nhóm hoặc gặp gỡ khách hàng. Nếu nhìn trên thị trường, mảng co-working đang đáp ứng tốt nhất nhu cầu mới này.
Đa số người lao động vẫn muốn trở lại văn phòng
Người lao động tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gần như đã thích nghi với việc làm việc tại nhà, tuy nhiên, phần lớn họ đều muốn quay trở lại văn phòng. Theo khảo sát của JLL, có 68% nhân viên làm việc tại nhà trong thời gian Covid-19, trong đó có đến 61% trong số họ muốn quay lại văn phòng và ủng hộ mô hình lai kết hợp cả văn phòng truyền thống và làm việc từ xa.
Báo cáo mới nhất của JLL cho thấy, bối cảnh làm việc từ xa khiến con người giảm sự tương tác và những chia sẻ công việc trực tiếp với đồng nghiệp mà môi trường văn phòng chuyên nghiệp mang lại.
Thế hệ millennials (8x và 9x) là nhóm tuổi mong muốn trở lại văn phòng nhiều hơn bất cứ nhóm tuổi nào khác; khi họ đề cao những lợi ích của trải nghiệm văn phòng: tương tác của con người, môi trường chuyên nghiệp và là nơi dành cho những công việc đòi hỏi sự tập trung, theo khảo sát của JLL. 81% người trong nhóm millennials cũng đồng ý rằng sự phát triển của công nghệ hiện này đã có thể giúp các doanh nghiệp thực hiện mô hình văn phòng kết hợp.
"Làm việc từ xa trước đây phổ biến trong giới lao động tự do hoặc công nghệ thông tin. Song dịch bệnh đã cho phép doanh nghiệp trong tất cả các ngành thực sự thử nghiệm mô hình làm việc từ xa - một khái niệm đã được thảo luận rất nhiều trước đây nhưng chưa được thực hiện hóa trên diện rộng", bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường Việt Nam của JLL, trình bày.
bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường Việt Nam của JLL
Nhiều công ty nhận ra rằng mô hình làm việc tại nhà là khả thi và mang lại cho nhân viên sự linh hoạt cũng như cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, văn phòng vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc tạo không gian cho nhân viên tương tác cũng như nâng cao tinh thần và tính cộng đồng giữa người lao động.
Theo quan sát của JLL, vừa qua, có một vài doanh nghiệp tại TP HCM đã bắt đầu thay đổi về mặt thiết kế cho văn phòng, đưa ra nhiều lựa chọn hơn trong loại không gian mà nhân viên có thể chọn để đạt năng suất cao nhất. Những công việc đơn lẻ có thể được hoàn thành từ xa, trong khi văn phòng truyền thống sẽ là nơi làm việc nhóm hoặc gặp gỡ khách hàng. Một số công ty chọn chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ văn phòng hiện có thành không gian linh hoạt, hoặc hợp tác với bên cung cấp thứ ba khi cần mở rộng quy mô văn phòng trong ngắn hoặc trung hạn.
Trước đây, tại TP HCM và Hà Nội, một hợp đồng thuê văn phòng trung bình kéo dài ba năm. Hiện tại, những doanh nghiệp có kỳ hạn kết thúc hợp đồng trong thời gian qua cũng đang có xu hướng gia hạn với thời hạn ngắn hơn, do các doanh nghiệp rất thận trọng và tránh đưa ra những quyết định dài hạn trong thời đại Covid-19.
Không gian văn phòng linh hoạt có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn vì thỏa mãn các yêu cầu trong kế hoạch mở rộng văn phòng ngắn và trung hạn cho những doanh nghiệp đang tìm kiếm không gian bổ sung.
Một sự kết hợp giữa không gian truyền thống và linh hoạt đang trở nên quan trọng hơn nữa đối với những người thuê văn phòng muốn tận dụng tối đa danh mục đầu tư bất động sản thương mại của họ.
Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến mô hình co-working
Với các doanh nghiệp đề cao tính linh hoạt trong kinh doanh, thu hút và giữ chân nhân tài nhằm tăng cường sự hợp tác của nhân viên, thì các không gian làm việc chia sẻ đã phát huy được thế mạnh của mình là trung tâm sáng tạo và nền tảng kết nối doanh nghiệp. Tức là ngày nay, không chỉ các startup hay SMEs quan tâm đến co-working mà các tập đoàn lớn cũng thế.
Nhiều công ty cho rằng việc phát triển không gian làm việc chia sẻ ở Việt Nam là điều tất yếu, trong đó có Amanotes.
"Sự phát triển của không gian làm việc chia sẻ tại Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với sự bùng nổ thế hệ doanh nhân trẻ, các nhà khởi nghiệp, và các cộng đồng đổi mới trong nước. Tuy nhiên giai đoạn phục hồi sau Covid-19 đã chứng kiến nhiều tập đoàn lớn thay đổi cách vận hành doanh nghiệp linh hoạt hơn và lựa chọn không gian làm việc chia sẻ nhằm tận dụng lợi ích về tính linh hoạt, tiết kiệm chi phí và phát triển nguồn nhân lực", bà Nga Nguyễn, Trưởng phòng nhân sự của Amanotes tại Việt Nam, chia sẻ.
Các công ty tăng trưởng cao như nhà bán lẻ trực tuyến Lazada, dù chưa áp dụng không gian làm việc chia sẻ nhưng cũng nhận định co-working sẽ là xu hướng trong tương lai.
Một góc của văn phòng Lazada Việt Nam.
"Lazada Việt Nam hiện chưa sử dụng không gian làm việc chia sẻ. Tuy nhiên, là một công ty công nghệ và nền tảng thương mại điện tử kết nối hàng ngàn thương hiệu, người bán hàng và nhà cung cấp với người tiêu dùng, việc áp dụng các giải pháp mới là một sự cân nhắc đúng đắn. Nên tôi nghĩ, việc chúng tôi chuyển vào làm việc ở một thương hiệu co-working nào đó chỉ là vấn đề thời gian.
Cá nhân tôi thích không gian làm việc chia sẻ vì tính linh hoạt và sáng tạo cao hơn so với không gian văn phòng truyền thống. Đối với một nền tảng thương mại điện tử, văn hóa hợp tác là rất quan trọng để thúc đẩy tính linh hoạt và kịp thời trong công việc đồng thời khuyến khích sự hợp tác và mở rộng mạng lưới của chúng tôi, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới nổi trong nước", bà Trương Oanh - Giám đốc Giải pháp tiếp thị tại Tập đoàn Lazada Việt Nam, cho biết.
Ngoài ra, theo CBRE, hai nhóm ngành không gian làm việc linh hoạt và công nghệ thông tin đã và đang dẫn dắt nguồn cầu thị trường văn phòng trong những năm qua. Năm 2019, hai ngành này chiếm đến 35% và 45% trên tổng số giao dịch ghi nhận lần lượt tại TP. HCM và Hà Nội.
"Không gian làm việc linh hoạt co-working vẫn đang mở rộng nhanh chóng nhờ vào nhu cầu của các khách thuê doanh nghiệp mong muốn cắt giảm chi phí thuê văn phòng cố định nhằm tăng cường khả năng thích ứng với các biến động kinh tế có thể xảy ra.
Năm 2020 sẽ là một năm đánh dấu sự tập trung nhiều hơn đến tính năng linh hoạt trong thị trường văn phòng khi các khách thuê bắt đầu có những định hướng mới để đối phó với các ảnh hưởng từ việc biến động kinh tế và ảnh hưởng của COVID-19", đại diện CBRE nhận định.
Mảng co-working có nhiều cơ hội hơn sau Covid-19
Theo Coworking Resources, các không gian làm việc chia sẻ tại Việt Nam chứng kiến quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ khi cứ 47,5 ngày là có 1 địa điểm mới mở.
Là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực, nhu cầu về co-working từ các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng tăng. Với sự gia tăng các doanh nghiệp cả trong nước lẫn nước ngoài tại Việt Nam, báo cáo của IDC cho biết: có tới 80% doanh nghiệp tại Việt Nam lên kế hoạch sử dụng không gian làm việc chia sẻ trong vòng từ 1 đến 3 năm tới, cao hơn mức trung bình của khu vực.
Ngoài ra, IDC cũng báo cáo rằng: 93% doanh nghiệp được khảo sát nhận thấy sự cần thiết phải điều chỉnh không gian làm việc của họ để phù hợp với kỳ vọng của thế hệ trẻ trong khu vực. 86% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam phản hồi "cực kỳ hoặc rất" coi trọng lợi ích của không gian làm việc chia sẻ đối với việc mở rộng kinh doanh của họ.
"Covid-19 đã khiến các công ty ưu tiên cân nhắc lựa chọn các không gian làm việc chia sẻ trong danh mục bất động sản. Việc khó có thể tiên đoán được chính xác sự biến động của tình hình kinh tế trong tương lai khiến các công ty cần đưa ra những quyết định nhanh chóng trong giai đoạn hiện tại. Chúng tôi không chỉ giúp các công ty giảm chi phí cố định lên tới 50%, mà còn giúp họ mở rộng quy mô nhanh gấp ba lần so với các lựa chọn truyền thống.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hoạt động trở lại sau dịch, các vấn đề về vệ sinh và sát khuẩn trong không gian cũng được chúng tôi chú trọng, nhằm đảm bảo sự an toàn cho các thành viên của chúng tôi khi gần như tất cả đã quay lại với WeWork. Chúng tôi mong muốn cùng với Việt Nam phát triển và hợp tác với nhiều doanh nghiệp hơn để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới kinh tế của đất nước", ông Ray Tan, Trưởng Bộ phận Tăng trưởng của WeWork tại khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc, tiết lộ.
WeWork Vietnam vừa giới thiệu 2 địa điểm mới của mình tại TP. HCM là Sonatus và Lim Tower 3 tại TP. HCM. Kể từ tháng 1, công ty đã chứng kiến lượng thành viên doanh nghiệp tăng tới 13%, trong đó bao gồm các doanh nghiệp lớn cho tới các cơ quan chính phủ, như Tencent's WeTV Vietnam, Snow, ProChile (Ủy ban thương mại của Bộ Ngoại giao Chile) và Decision Lab.
F-Office - tân binh của thị trường co-working Hà Nội.
"Những năm gần đây thị trường khởi nghiệp của Việt Nam rất sôi động, tôi cho rằng việc này không chỉ dừng lại ở mặt xu hướng mà nó là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Tại Hà Nội, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tăng cao về thuê văn phòng trọn gói theo dạng "ngon-bổ-rẻ" tức vừa xịn xò, sang trọng, nằm ở trung tâm, dịch vụ chuyên nghiệp và trọn gói lại với mức chi phí rất hợp lý. Đó là nguyên do khiến tôi chọn mô hình co-working để khởi nghiệp", anh Võ Nam Phong – Founder F-Office – một tân binh của thị trường co-working Hà Nội, bày tỏ.
Do ra đời trong thời Covid-19 khi mới khai trương cách đây 4 tháng, nên trong giai đoạn đầu, F-Office gặp vài khó khăn nhất định; song founder này lại rất tin tưởng vào tương lai tương sáng của startup mình sau Covid-19.
Bởi theo anh, sau dịch, nền kinh tế sẽ dần phục hồi trở lại, các doanh nghiệp, người lao động và cả chủ doanh nghiệp sẽ làm việc bằng hai, ba lần để bù đắp cho những tổn thất trước đó. Chính vì vậy, nhu cầu về văn phòng cho thuê - đặc biệt là mô hình co-working sẽ tăng cao, bởi tính tối ưu của mô hình này.
Chủ doanh nghiệp không phải tốn thời gian, chi phí cho bất cứ một khoản set-up văn phòng hay thủ tục hành chính ban đầu nào cả. Thay vào đó họ dành toàn bộ thời gian để tập trung cho công tác chuyên môn, phát triển sản phẩm của mình. Các công tác mua sắm trang thiết bị, trang trí văn phòng, tuyển dụng nhân sự hành chính (lễ tân, an ninh, tạp vụ, kỹ thuật...) và duy trì môi trường làm việc vật lý đã có F-Office lo.