Tưởng chừng đã sạch bóng Covid, Trung Quốc lại phong toả thành phố 17,5 triệu dân khiến mọi hoạt động kinh tế bị ngưng trệ

14/03/2022 09:46 AM | Xã hội

Số ca nhiễm của Trung Quốc đã tăng lên gần 3.400. Do đó, Thâm Quyến bị phong toả cùng với đó là triển khai 3 đợt xét nghiệm toàn thành phố, theo một thông báo của chính phủ.

Nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã phong tỏa 17,5 triệu dân thành phố Thâm Quyến ở miền nam nước này trong ít nhất 1 tuần. Động thái này có thể gây ra sự gián đoạn và chậm trễ cho hoạt động sản xuất ở trung tâm công nghệ và cảng quan trọng của quốc gia này.

Số ca nhiễm của Trung Quốc đã tăng lên gần 3.400. Do đó, Thâm Quyến bị phong tỏa cùng với đó là triển khai 3 đợt xét nghiệm toàn thành phố, theo một thông báo của chính phủ. Biện pháp này được áp dụng với quận trung tâm kinh doanh của Thâm Quyến và kéo dài đến 20/3.

Toàn bộ hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm đều đã dừng hoạt động. Các hoạt động kinh doanh, ngoại trừ những cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu, đều đóng cửa. Người dân sẽ được yêu cầu không được rời khỏi Thâm Quyến, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Thành phố này là nơi đặt trụ sở chính của nhiều công ty công nghệ lớn như Tencent và Huawei, cũng như cơ sở sản xuất chính của Hon Hai Precision Industry Co. - nhà sản xuất lớn của iPhone và những sản phẩm khác từ Apple.

Số ca nhiễm tăng nhanh trong thành phố được cho là có liên quan đến đợt bùng dịch ở Hong Kong - nơi có khoảng 300.000 người đang ở khu cách ly hoặc cách ly tại nhà. Một đợt bùng dịch ở Thượng Hải cũng khiến hầu hết các trường học quay trở lại học trực tuyến và hoạt động đi lại vào thành phố cũng bị hạn chế. Các dịch vụ xe khách từ các tỉnh cũng bị tạm dừng. Ngoài ra, cơ quan quản lý ngành hàng không Trung Quốc cũng đang thảo luận về việc chuyển hướng các chuyến bay đến Thâm Quyến.

Tưởng chừng đã sạch bóng Covid, Trung Quốc lại phong toả thành phố 17,5 triệu dân khiến mọi hoạt động kinh tế bị ngưng trệ - Ảnh 1.

Người dân thành phố Thâm Quyến xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm.

Những ổ dịch ngày càng lớn do biến thể Omicron đang lây lan ở các thành phố phát triển nhất Trugn Quốc. Bởi vậy, cường quốc kinh tế này đang đứng trước thách thức chưa từng có khi quyết tâm theo đuổi chiến lược zero Covid.

Trong một thời gian dài, chính sách này đã giúp Trung Quốc tránh được sự lây lan của dịch bệnh và là một trong những nền kinh tế lớn có tỷ lệ tử vong thấp nhất. Song, hiện tại, Trung Quốc đang ngày càng trở nên tách rời với thế giới khi những quốc gia, khu vực khác đang mở cửa và sống chung với dịch bệnh. Cho đến nay, biện pháp kiểm dịch này không còn phát huy hiệu quả khi chủng Omicron tiếp tục lan rộng.

Chiến lược zero Covid đã khiến hoạt động kinh tế ở những thành phố khác của Trung Quốc gặp gián đoạn. Hồi tháng 1, việc xét nghiệm diện rộng đã khiến nhà máy của Toyota và các nhà máy khác ở Thiên Tân phải dừng hoạt động trong hơn 1 tuần. Do đó, có thể thấy, cách tiếp cận này sẽ khiến Bắc Kinh khó đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 bởi chi phí của biện pháp này tăng lên, theo Nomura. Dẫu vậy, hôm thứ Sáu, quan chức y tế hàng đầu nước này - Ma Xiaowei, tiếp tục khẳng định các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt cần được duy trì.

Trường Xuân - thành phố với khoảng 9 triệu dân ở phía đông bắc Trung Quốc, đã phong tỏa hôm thứ Sáu. Người dân tại đây cũng được xét nghiệm trên diện rộng. Giống như những ngày đầu của dịch bệnh ở Vũ Hán, thành phố này và cả khu vực phía đông Thanh Đảo cũng xây dựng các bệnh viện dã chiến.

Hiện tại, dịch bệnh lây lan diện rộng ở Hong Kong đã tạo ra thách thức chưa từng có với Bắc Kinh, khi việc kiểm soát chặt chẽ ở biên giới với thành phố này và cách ly kéo dài hàng tuần không còn phù hợp với biến chủng Omicron. Hàng nghìn người đã rời trung tâm tài chính của châu Á để trở về đại lục, Thâm Quyến và Thượng Hải là một trong số thành phố nhập cảnh nhộn nhịp nhất.

Dù vẫn cam kết theo đuổi chiến dịch zero Covid, nhưng hiện đã có những dấu hiệu cho thấy các quan chức và chuyên gia y tế Trung Quốc đang cân nhắc về việc loại bỏ cách tiếp cận này và sống chung với đại dịch.

Theo Vu Lam

Cùng chuyên mục
XEM