Từng không khách hàng nào nhòm ngó, startup trẻ trở thành đối tác thiết kế cho hàng loạt các thương hiệu lớn: Viettel, Vingroup, LG, BIDV, VietnamAirlines
“Làm trong ngành thiết kế - sáng tạo, startup nếu không tiếp cận được những khách hàng lớn có ngân sách tốt - sẽ khó tồn tại và phát triển. Ngược lại phía các khách hàng lớn, ngân sách cao thì không đặt niềm tin và sự lựa chọn vào các starup nhỏ chưa có thương hiệu trên thị trường, dù thiết kế của bạn có hay và sáng tạo đến mấy. Vì thế, startup sáng tạo cứ mãi lâm vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát”.
Vài năm trở lại đây tại Việt Nam, startup - khởi nghiệp là hướng đi được người trẻ lựa chọn nhiều hơn cả. Phong trào khởi nghiệp xuất hiện trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, từ khởi nghiệp công nghệ, dịch vụ, tài chính, nhà hàng….cho đến thủ công mỹ nghệ
Tuy nhiên, nếu để chọn ra một lĩnh vực có nhiều màu sắc vừa mang âm hưởng bay bổng sáng tạo, kết hợp những bài toán chiến lược tối ưu, và hơn hết là còn nhiều đất diễn cho các bạn trẻ Việt Nam, đó ắt hẳn là ngành thiết kế - sáng tạo.
“Ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam có quy mô lớn, tiềm năng và vẫn đang trong những giai đoạn khởi đầu. Doanh nghiệp startup ngành thiết kế - sáng tạo khá nhiều, nhưng có quy mô còn nhỏ, những thương hiệu có tên tuổi đa phần là các doanh nghiệp đa quốc gia hoặc những thương hiệu uy tín đã thành lập nhiều năm trên thị trường. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp”, Tùng Juno – CEO RIO Creative Vietnam chia sẻ.
Nói cách khác, nguồn cung chất lượng cao của ngành thiết kế - sáng tạo tại Việt Nam luôn yếu hơn cầu. Do đó, ngành này vẫn cần nhiều bạn trẻ khai phá, dám bước ra khởi nghiệp. Nhưng đổi lại, thiết kế - sáng tạo cũng có những đặc thù nhất định.
CEO sinh năm 1989 cho hay, đặc thù ngành là mô hình B2B, nên doanh nghiệp nhỏ, ít tiếng nói sẽ khó có cơ hội được tiếp cận tập khách hàng lớn. Thêm vào đó, startup đa phần là người trẻ, thiếu quan hệ và kinh nghiệm, việc tìm cho ra nguồn khách hàng trong thời gian đầu lại càng khó khăn hơn.
“Làm trong ngành thiết kế - sáng tạo, star up nếu không tiếp cận được những khách hàng lớn có ngân sách tốt sẽ khó tồn tại và phát triển. Ngược lại phía các khách hàng lớn, ngân sách cao thì không đặt niềm tin và sự lựa chọn vào các starup nhỏ chưa có thương hiệu trên thị trường, dù thiết kế của bạn có hay và sáng tạo đến mấy. Vì thế, startup sáng tạo cứ mãi lâm vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát”.
Năm 2011, chính Tùng Juno cũng phải đối mặt với vòng luẩn quẩn không lối thoát đấy và thất bại
Theo học ngành thiết kế đồ họa tại Arena từ năm 2009, Tùng đã sớm ấp ủ ước mơ kinh doanh riêng của bản thân. Chàng trai sinh năm 1989 tham gia rất nhiều những cuộc thi danh giá như Vietnam Young Lion 2010, Khởi nghiệp Kawai 2010, Khởi nghiệp quốc gia VCCI 2011, và đều đạt thành tích cao.
Tới cuối năm 2010, Tùng Juno quyết định khởi nghiệp với một dự án agency thiết kế. Nhưng kết quả là thất bại hoàn toàn chỉ sau 1 năm thành lập.
Thất bại khi đó theo anh nói vui là do “ảo tưởng sức mạnh”. Nguồn lực non trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh, nên khi có khó khăn ập tới, startup lập tức tan rã. Hậu quả tuy không nặng nề, nhưng 8 tháng sau đó, Tùng phải cật lực đi làm thuê để trả nợ.
Startup thiết kế - sáng tạo RIO Creative
Tới năm 2012, Tùng Juno quyết định một lần nữa khởi nghiệp với ngành thiết kế - sáng tạo, lập ra startup RIO Creative với nhân sự chủ yếu là các designer trẻ:
“Khi đó, tôi quyết định thử sức một lần nữa vì cho rằng, thị trường sáng tạo tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Nhìn một cách tổng thể, bất kì doanh nghiệp nào cũng cần thiết kế. DN sản xuất thì cần bao bì, nhãn mác, DN thương mại thì cần website giới thiệu, catalog. Hầu như tất cả các hoạt động marketing truyền thông của doanh nghiệp đều liên quan tới thiết kế”.
Ban đầu, RIO Creative tập trung vào mũi nhọn agency cung ứng dịch vụ thiết kế, nhưng khách hàng khi đó rất nhỏ, chủ yếu là các chú shop kinh doanh, startup nhỏ lẻ, có ngân sách thấp
“Công ty nhỏ nên chúng tôi làm với giá bất chấp, nghĩa là làm với mọi giá để có được những khách hàng đầu tiên. Đây vừa là điểm yếu, nhưng cũng vừa là thế mạnh của RIO Creative. Bởi khi không có gì trong tay, chúng ta sẽ làm hết sức quyết liệt. Và chỉ có 1 cách duy nhất chứng minh năng lực của mình, đó là cho ra những sản phẩm chất lượng - giải quyết được vấn đề cho DN”.
Chính nhờ vào tinh thần đó đã mang lại những thành công “nho nhỏ” ban đầu, RIO Creative đã mở rộng được tập khách hàng cho mình. Không chỉ là thiết kế những ấn phẩm nhỏ mà công ty còn thiết kế website, landing page và nhiều hệ thống nhận diện thương hiệu
“Chúng tôi trân trọng từng khách hàng đến với RIO Creative. Dù là DN quy mô vừa và nhỏ, hay các công ty đa quốc gia, chúng tôi đều chung một tôn chỉ: hết mình, nhiệt tình, sáng tạo, và tôn trọng lẫn nhau”.
Chân dung CEO Tùng Juno của startup RIO Creative
Giai đoạn khó khăn ban đầu qua đi, RIO Creative của Tùng Juno tiến tới một giai đoạn mới: cần những bước chuyển mình, tiếp cận tập khách hàng lớn hơn. Nhưng lúc này, bài toán nan giải khi xưa lại lặp lại: công ty nhỏ làm cách nào để tiếp cận những con cá lớn?
Bước ngoặt bức phá từ chiến lược hệ sinh thái
Tùng Juno khẳng định, trong ngành thiết kế - sáng tạo, startup khó trụ vững được trên thị trường nếu chỉ nhờ thiết kế. Để tạo ra được sự bứt phá cho riêng mình, DN cần tạo ra được sự khác biệt thay vì chỉ tập trung đi theo một thị trường nhiều cạnh tranh và không thể tiếp cận được nhóm khách hàng tạo ra lợi nhuận.
Từ đó, Tùng tập trung vào việc thấu hiểu những giá trị mà thị trường còn đang tìm kiếm, để tạo ra lợi thế cạnh tranh tiên phong khác biệt và mô hình hệ sinh thái ra đời. CEO RIO Creative tư duy: “Nếu khách hàng không tự tìm đến với tôi, tại sao tôi không đi tìm họ”.
Vậy là sau agency thiết kế, Tùng Juno mở ra mảng đào tạo - RIO Class. Ý tưởng ra đời của RIO Class đó là đào tạo kiến thức về thiết kế cho các chủ DN, các nhân sự cấp cao thuộc các tập đoàn, các nhân sự thuộc phòng Marketing, Quảng cáo...
Xuất phát từ kinh nghiệm làm agency, anh nhận ra, luôn có một “khoảng cách” vô hình trong vấn đề giao tiếp giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ thiết kế. “Khoảng cách” này tạo ra vô vàn mâu thuẫn, và hơn hết khiến tiến độ công việc giữa các bên chậm lại, không như ý.
Như đánh trúng vào tâm lý của DN, RIO Class nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các tập đoàn lớn như: Bảo Việt, Viettel, Vingroup, Vietnam Airline, BIDV, LG... Đến nay, sau gần 4 năm, RIO Class đã có hơn 140 lớp học được triển khai, đào tạo hơn 4.500 học viên.
Thông qua lớp học, các nhân sự này bắt đầu tin tưởng dịch vụ mà RIO cung cấp. Có sản phẩm để chứng minh, RIO Creative bắt đầu tiếp cận được nhiều nhóm các khách hàng lớn, thương hiệu đa quốc gia. Theo đà phát triển, RIO triển khai một chuỗi 3 agency ở cả TP. HCM và Hà Nội, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường khác nhau.
Với tầm nhìn bao quát, Tùng Juno tiếp tục lấn sân sang mảng xuất bản sách và tạp chí chuyên ngành. RIO tung ra Ấn phẩm Marketing – Design Gam7, là ấn phẩm đầu tiên được RIO xuất bản, khai thác các chủ đề chuyên sâu về thiết kế - marketing, ứng dụng thiết kế vào tạp chí in, với nhóm độc giả là cộng đồng marketer, designer tại Việt Nam, đã thu về kết quả ấn tượng 10.000 bản trong 1 số mỗi quý. Cùng các đầu sách RIO Book, thiết kế ứng dụng cho Marketing được tái bản nhiều lần.
Không chỉ tập trung vào mở rộng và phát triển thị trường, RIO Creative còn tiên phong kết nối cộng đồng người làm sáng tạo tại Việt Nam với Festival thiết kế sáng tạo Viet Nam Halography, được tổ chức thường niên từ 2015 đến nay, quy tụ từ 4.000 – 6.000 designer cùng nhiều chuyên gia hàng đầu trong mỗi mùa tổ chức.
Tại RIO, một hệ sinh thái thiết kế - sáng tạo đang dần được hình thành
“Chúng tôi gọi đây là hệ sinh thái RIO. Các mảng được RIO thành lập đều tương hỗ nhau rất chặt chẽ. Mảng agency sẽ hỗ trợ kiến thức, xu hướng thiết kế cho mảng đào tạo. Mảng đào tạo sau đó lại đem về những khách hàng tiềm năng. Mảng xuất bản thì giúp RIO xây dựng cộng đồng, thương hiệu và uy tín. Mặt khác, giúp bạn đọc biết về hệ sinh thái các công ty con và lĩnh vực hoạt động của RIO.
Song song đó là các hoạt động kết nối cộng đồng design, giúp đẩy mạnh tiếng nói ngành thiết kế sáng tạo. Nhờ đó, chúng tôi đã giải quyết được bài toán tổng thể từ chăm sóc nguồn khách hàng đến xây dựng, kết nối nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng thương hiệu uy tín cho kế hoạch phát triển bền vững trong lĩnh vực thiết kế - sáng tạo”, Tùng Juno tự hào chia sẻ.
Tất nhiên, bản thân CEO này không phủ nhận, dù các mảng kinh doanh của RIO đang hoạt động tốt, nhưng vẫn có một rào cản lớn, đó là: con người. Bởi ngành sáng tạo thường đòi hỏi các nhân sự trẻ, và khi hết tuổi “sáng tạo” thường sẽ phải chuyển sang các vai trò mới. Đồng nghĩa, các startup hoạt động trong ngành thiết kế luôn khát nhân sự, do tốc độ thay đổi và cần thích nghi với thị trường liên tục.
Đứng trước bài toán chung của ngành, CEO sinh năm 1989 cho rằng, trước hết bản thân doanh nghiệp luôn phải giữ được sự năng động, sẵn sàng đổi mới. Nếu giữ được điều này, bản thân doanh nghiệp sẽ không bị già đi. Kết hợp với việc chuyển giao, kế thừa, nhân sự có kinh nghiệm sẽ phát huy được năng lực của mình ở cương vị mới, hỗ trợ cho lứa trẻ kế cận sau này.
CEO RIO Creative khẳng định, cơ hội dành cho thị trường thiết kế - sáng tạo tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Với một thị trường có dân số trẻ, tốc độ hội nhập cao, cùng xu hướng lựa chọn sản phẩm từ người tiêu dùng đang ngày một khó tính, điều này tạo nên áp lực cho những doanh nghiệp nội địa, không chỉ đầu tư vào chất lượng sản phẩm dịch vụ mà còn là bài toán Marketing, hình ảnh thương hiệu, bao bì sản phẩm chất lượng cao, bắt kịp xu hướng. Từ đó, gia tăng nhu cầu cấp thiết tìm kiếm những doanh nghiệp trong ngành thiết kế sáng tạo, đem đến những giải pháp tối ưu hiệu quả và đây chính là sân chơi đầy tiềm năng cho các startup trẻ khai phá