Không còn là chuyện đùa, CEO Nguyễn Tử Quảng một lần nữa chứng minh iPhone X bị mặt nạ rẻ tiền của BKAV vượt qua dễ dàng thế nào

28/11/2017 15:21 PM | Công nghệ

Bỏ qua những chỉ trích trước đây, BKAV tiếp tục tạo ra một chiếc mặt nạ mới đánh bại công nghệ Face ID trên iPhone X, dễ dàng mở khóa ngay trong lần thử đầu tiên.

Ngay khi BKAV họp báo công bố có thể đánh bại công nghệ Face ID trên iPhone X của Apple, xuất hiện rất nhiều lời chỉ trích cho rằng, BKAV đang làm công việc vô bổ, cũng như hành động tạo ra mặt nạ đánh bại iPhone X là không thực chất.

Rất nhiều những nghi vấn đã được giới công nghệ đặt ra sau đó.

Tuy nhiên, BKAV hoàn toàn giữ im lặng trước một loạt những ý kiến trái chiều từ phía dư luận tại Việt Nam.

Và mới đây thôi, BKAV đã một lần nữa chứng minh cho cả thế giới thấy, iPhone X đã bị mặt nạ "rẻ tiền" (khoảng 200 USD) của BKAV vượt qua dễ dàng thế nào.

Không còn là chuyện đùa, CEO Nguyễn Tử Quảng một lần nữa chứng minh iPhone X bị mặt nạ rẻ tiền của BKAV vượt qua dễ dàng thế nào

Theo BKAV, đạo cụ được hãng sử dụng để đánh bại iPhone X lần này là "mặt nạ sinh đôi nhân tạo", với các thành phần chính từ bột đá, cùng hình ảnh 2D là đôi mắt của mặt nạ.

Để đảm bảo tính công bằng, lãnh đạo BKAV đã xóa toàn bộ dữ liệu nhận dạng khuôn mặt có trên iPhone X trước đó, và thiết lập lại Face ID từ đầu.

Kết quả là ngay trong lần thử đầu tiên, "mặt nạ sinh đôi nhân tạo" của BKAV đã lập tức đánh bại Face ID trên iPhone X của Apple.

Điều này đồng nghĩa, những lập luận trước đây của CEO Nguyễn Tử Quảng liên quan tới vấn đề bảo mật Face ID là có cơ sở.

Ông Quảng từng lí giải: "Apple nói họ đã để cho AI học hơn 1 tỷ khuôn mặt người thật, cũng như các mặt nạ giả mà nghệ nhân Hollywood làm ra. Nhưng dù là trường hợp nào, nó chỉ được học hoặc là mặt thật, hoặc là mặt giả. Nghĩa là nếu nửa thật, nửa giả như mặt nạ BKAV làm thì Face ID sẽ bị đánh bại".

Từ đây, lãnh đạo BKAV đã nâng mức độ cảnh báo về tính an toàn của Face ID lên một mức mới. Theo ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của BKAV, không chỉ đối tượng VIP, mà Face ID còn tiềm ẩn rủi ro bảo mật trong những giao dịch kinh doanh bình thường.

Trước đó, lãnh đạo BKAV từng cho biết, trong an ninh mạng, đây được gọi là Proof of Concept, nghĩa là một phát hiện có ích cho cả hai bên hacker và người dùng.

Các hacker có thể lợi dụng phát hiện này để tìm ra những phương pháp tấn công mới. Trong khi đó, người dùng cũng có hiểu biết để tự bảo vệ mình. Nó giống như lỗ hổng bảo mật KRACK, mối đe dọa là có thật nhưng nó không dễ dàng để khai thác.

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM