Tuần tới, 600 chuyên gia và doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại bàn cách giúp hàng Việt tăng cơ hội xuất khẩu trước căng thẳng Mỹ-Trung
Căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới, nhìn theo hướng tích cực, lại là cơ hội cho một số quốc gia ở giữa.
Theo đánh giá của Nomura, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo sau là Chile, Malaysia, Argentina, Hong Kong, Mexico, Hàn Quốc, Singapore, Brazil, Canada.
Đánh giá này có phần đúng nếu nhìn vào số liệu cập nhật gần đây từ Tổng cục Hải quan. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc giảm 1,4% so với cùng kỳ 2018, lượng xuất khẩu đi Mỹ lại tăng trưởng 29%, mức tăng cao nhất trong số các thị trường chính. Mỹ cũng là thị trường Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao nhất hiện nay, 22,7 tỷ USD trong khi Trung Quốc chỉ là 13,6 tỷ USD.
"Tuy nhiên trong cuộc chơi này, không nên chỉ nhìn vào những cơ hội mở ra, mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn thẳng vào những việc có thể làm để tìm đường tiến sâu vào thị trường thế giới một cách bền vững", ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ tại sự kiện họp báo về diễn đàn thảo luận sắp tới đây.
Với tên gọi, "Diễn đàn đối đầu thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU" trong ngày 18/7, diễn đàn sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề từ tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới Việt Nam nói chung, cho đến những tác động trực tiếp đến doanh nghiệp Việt, đặc biệt là hướng đi giúp các doanh nghiệp khai thác cơ hội xuất khẩu trên môi trường trực tuyến.
Diễn đàn sẽ bao gồm 3 phần:
- Phần1: Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung và tọa đàm tương tác
- Phần 2: Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định EVFTA - Những tác động từ doanh nghiệp
- Phần 3: Khai thác các cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến.
Cũng tại sự kiện họp báo lần này, ông Phạm Tấn Đạt, CEO Fado.vn đã nêu bật những lợi thế từ tranh chấp thương mại bằng xuất khẩu trực tuyến. Theo ông Đạt, các Chính phủ đánh thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu của nhau, tăng phòng vệ thương mại bằng các hàng rào kỹ thuật, hệ quả người tiêu dùng phải trả thuế cao để mua hàng hoá, nhu cầu giảm. Do đó, các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Trung tìm cách tránh phải thêm thuế bằng cách chuyển hướng thương mại, nhanh chóng nguồn cung cấp thay thế từ nước bên lề.
Với Việt Nam, CEO Fado cho rằng xuất khẩu trực tuyến là phương thức nhanh nhất giúp doanh nghiệp có được đơn hàng một cách nhanh chóng. Ví dụ, riêng nền tảng điện tử Alibaba của Trung Quốc thu hút tới 290 triệu doanh nghiệp mua hàng từ 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia mua bán trên 2 triệu cửa hàng trên nền tảng online.
Ông Nguyễn Minh Đức, CEO IM Group bổ sung thêm về những trở ngại chính khi xuất khẩu trực tuyến. Ví dụ, nguồn lực về triển khai thương mại điện tử tại doanh nghiệp không có, không có nơi đào tạo; nghiên cứu thị trường địa phương để lên chiến lược cụ thể phù hợp; rào cản về ngôn ngữ; thủ tục và giấy phép lên quan xuất khẩu trực tuyến; vận chuyển trong thương mại điện tử,…
Tuy nhiên, ông cho rằng, trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu, giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng...