Từ tỷ giá tới đồ công nghệ: Siêu sale "hủy diệt" cuối năm nay có thể sẽ không còn... hủy diệt

08/11/2022 09:58 AM | Kinh doanh

Sale bùng nổ, giải phóng hàng tồn; Siêu sale hủy diệt; Xả hàng tồn kho; Hoàn tiền tươi, trao thóc thật; Giảm giá lịch sử... những biểu ngữ thường xuất hiện vào các dịp cuối năm của ngành hàng điện tử, điện máy, công nghệ,... năm nay có thể sẽ bớt "hoành tráng" hơn.

Mùa mua sắm cao điểm cuối năm

Thông thường những tháng từ tháng 12 đến trước Tết âm lịch là khoảng thời gian nhu cầu mua sắm của các hộ gia đình về mặt hàng điện tử, điện lạnh, công nghệ tăng cao.

Theo ông Nguyễn Lạc Huy - Giám đốc truyền thông CellphoneS, doanh số các tháng 12 và tháng 1 có thể tăng 40% đến 60% so với trung bình, thậm chí các ngày từ 20 đến 27 Tết âm lịch, doanh số có thể gấp đôi ngày thường.

Lý giải về điều này, ông Huy cho biết, có 3 lý do chính.

Đầu tiên là tâm lý khách hàng thường tập trung mua sắm cho các đợt nghỉ lễ cuối năm và đón năm mới.

Bên cạnh đó phần lớn mọi người sẽ có khoản thu nhập bất thường từ tiền thưởng cuối năm.

Nắm bắt được xu hướng này, chính các hãng công nghệ cũng tận dụng để tập trung tung ra các sản phẩm mới hoặc có các chương trình khuyến mãi lớn nhằm kích cầu.

Từ tỷ giá tới đồ công nghệ: Siêu sale "hủy diệt" cuối năm nay có thể sẽ không còn... hủy diệt - Ảnh 1.

Tổng hợp Internet

Đại diện CTCP Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) chia sẻ trong buổi gặp mặt nhà đầu tư tháng 11 cho biết: "Quý 4 là cao điểm kinh doanh của mảng điện thoại di động. Trong đó, iPhone 14 ra mắt với nhiều cải tiến đột phá nên nhu cầu tăng cao so với các mẫu trước đó".

Tháng 11 năm nay lại diễn ra World Cup, sự kiện 4 năm một lần này cũng mang lại nhiều kỳ vọng với các nhà sản xuất và phân phối mặt hàng tivi.

Đại diện Digiworld kỳ vọng rằng mùa World Cup có thể giúp các nhà phân phối tivi Xiaomi tăng lượng hàng tiêu thụ nhờ chất lượng và giá thành hợp lý của thương hiệu này.

Từ tỷ giá tới đồ công nghệ: Siêu sale "hủy diệt" cuối năm nay có thể sẽ không còn... hủy diệt - Ảnh 2.

Tivi Xiaomi

Với công ty cổ phần Thế giới di động (MWG), báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm có đưa ra các phương án cho những tháng cuối năm, trong đó nêu: " Kiểm soát chặt chẽ hàng tồn kho ở tất cả các chuỗi để đảm bảo phục vụ khách hàng đầy đủ trong dịp mua sắm cao điểm cuối năm nhưng không gây ra gánh nặng cho năm tới ".

Mặc dù đang gặp áp lực không nhỏ về việc lãi suất vay tăng cao, dẫn đến gánh nặng về chi phí tài chính nhưng MWG vẫn phải đảm bảo việc "đủ hàng" trong dịp mua sắm cuối năm khi nhu cầu được dự báo tăng cao.

Thị trường điện tử cuối năm: Mùa mua sắm đã đến nhưng tỷ giá lại tăng cao - Ảnh 2.

Cửa hàng Điện máy xanh - Thế giới di động. Nguồn: Điện máy xanh

Giữ được sản phẩm không tăng giá là một điều khó!

Theo ông Nguyễn Lạc Huy, trong những năm qua khi tỷ giá tương đối ổn định, các nhà phân phối hoặc hãng thường có dự tính khoản quỹ dự trữ để giảm giá sản phẩm nhằm kích cầu cuối năm.

Tuy nhiên với tình hình cuối 2022 và đầu 2023, khi tỷ giá tăng 9% thì nhiều bên đã phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá tương ứng trên khoản nợ tính bằng USD, kết hợp với việc tỷ giá tiếp tục tăng, giá nhập sản phẩm về Việt Nam tăng so với trước đó.

Tất cả những điều này khiến cho việc giữ giá sản phẩm không tăng trở thành bài toán khó với tất cả các nhà phân phối, bán buôn, bán lẻ trên thị trường.

Thị trường điện tử, hàng công nghệ cuối năm: Chọn giữ doanh số hay giữ lợi nhuận? - Ảnh 3.

Theo ông Huy, việc tỷ giá tăng sẽ khiến các dòng sản phẩm Apple, Samsung, Android, phụ kiện,.. tăng giá.

Theo quan sát của ông Huy, nhiều năm qua gần như hiếm khi thấy trường hợp có điều chỉnh giá các sản phẩm của hãng, ngoài các trường hợp giảm giá chủ động trước các kỳ mở bán sản phẩm mới.

Ngay cả trong giai đoạn 2017 - 2018 tỷ giá USD biến động tăng mạnh, giá USD thị trường tự do từ mốc 22.300 VND/USD có thời điểm lên 24.500 VND/USD thì giá bán sản phẩm vẫn không thay đổi.

Tuy nhiên, với tình hình mới khi FED liên tục tăng mức lãi suất lên cao, kèm theo Ngân hàng Nhà nước thả biên độ điều chỉnh tỷ giá lên mốc 5%, thị trường dự đoán tỷ giá có thể tiếp tục tăng.

Điều này được cho là nguyên nhân cho đợt điều chỉnh giá (từ nhà sản xuất đến đại lý) một số các sản phẩm. Giá đã tăng 3-5% ngay cả với các sản phẩm mới ra mắt như iPad Pro 11 M2, mặc dù cùng có giá bán 799 USD giống thế hệ cũ nhưng giá bán cho đại lý tại Việt Nam đã tăng lên khoảng 5%.

Các nhà phân phối đã thông báo tăng giá một loạt các sản phẩm Ipad/Mac/Apple Watch cũ từ ipad 10.2; iPad Air 5, phụ kiện Apple như bút, bàn phím... mức tăng giá từ 3-5% tuỳ loại sản phẩm.

"Các phụ kiện khác như miếng dán màn hình, cáp sạc, củ sạc cũng sẽ tăng khoảng 5 - 8%.  Các hãng điện thoại Android thì có thể không tăng giá nhưng sẽ cắt giảm các chương trình khuyến mãi", ông Huy nói thêm.

Thị trường điện tử cuối năm: Mùa mua sắm đã đến nhưng tỷ giá lại tăng cao - Ảnh 3.

Cửa hàng CellphoneS

Trong cuộc trao đổi với nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo của Digiworld cũng thừa nhận yếu tố tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến công ty khi mà 55% doanh thu của Digiworld hiện nay đến từ hàng nhập khẩu bằng đồng USD. Khi tỷ giá tăng, giá thành sản phẩm cũng tăng lên và phần tăng giá này được chuyển sang cho người tiêu dùng thông qua việc tăng giá bán.

"Tuy nhiên, xét trên từng sản phẩm một thì đối với sản phẩm công nghệ, việc tăng giá 1-2% sẽ không tạo ra quá nhiều ảnh hưởng như các hàng thiết yếu phục vụ cho người thu nhập thấp", ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Digiword khẳng định.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM