Từ ngày 15/3 tới, hộ kinh doanh sẽ không được phép vay vốn ngân hàng
Và muốn vay vốn, các hộ kinh doanh này sẽ phải chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc chủ hộ sẽ phải tự đứng tên vay
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chúng ta đã biết chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm có pháp nhân và cá nhân.
Do đó, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung quy định rằng khách hàng vay tại tổ chức tín dụng sẽ chỉ là pháp nhân, cá nhân được quy định tại Thông tư 39 vừa ban hành, qua đó đảm bảo sự phù hợp với Bộ luật Dân sự.
Theo đó, từ ngày 15/3, các đối tượng khác không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) sẽ không đủ tư cách để vay vốn ngân hàng.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, với trường hợp vay để phục vụ hoạt động kinh doanh, thì cá nhân đó có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ.
Như vậy, để vay vốn, các hộ kinh doanh sẽ phải chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc chủ hộ phải tự đứng tên vay.
Cũng theo Thông tư trên, tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ được thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, theo nhu cầu vay vốn và theo mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước có quy định về lãi suất cho vay tối đa.
Như vậy theo quy định trên, sẽ không có trần lãi suất cho vay cụ thể. Đây là một điểm đang thu hút sự chú ý của công chúng với nhiều bàn luận trong thời gian qua.
Ngoài ra, về lãi suất cho vay, Thông tư 39 cũng quy định, đối với một số lĩnh vực cụ thể, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.