Từ một công ty phải dùng server đóng bằng gỗ, startup này đã thu về 20 triệu USD/năm mà không cần nhận vốn đầu tư như thế nào?
Không giống nhiều startup ở Thung lũng Silicon, Backblaze hạn chế hết mức việc gọi vốn và "nổi như cồn" với mức định giá cao mà chỉ tập trung vào phát triển một cách bền vững.
Trong suốt 10 năm qua, startup Backblaze có trụ sở tại Thung lũng Silicon đã âm thầm hoạt động với việc cung cấp dịch vụ backup dữ liệu toàn bộ máy tính lên cloud với giá 5 USD/tháng cho mỗi máy.
Thứ năm vừa qua, CEO Backblaze Gleb Budman đã tiết lộ với Business Insider rằng công ty gần đây đã đạt doanh số 5 triệu USD/quý và đang trên lộ trình đạt 20 triệu USD/năm (ARR) nếu tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng như hiện nay.
So sánh với các startup khác tại Thung lũng Silicon, Backblaze không có nhiều điểm thực sự nổi bật. Dropbox, đối thủ cũng tròn 10 tuổi của Backblaze đã đạt mức giá trị thị trường 10 tỷ USD, bắt đầu có lãi từ giữa năm 2016 và đang có mức doanh thu hàng năm 1 tỷ USD.
Thế nhưng có một điểm mà Backblaze rất khác so với nhiều startup tỷ đô tại Thung lũng Silicon: Trong suốt thập kỷ qua, Dropbox đã gọi vốn được 600 triệu USD, chưa kể 1,1 tỷ USD huy động qua vay nợ. Ngược lại, Backblaze thì mới chỉ gọi đúng 5 triệu USD trong năm 2012 sau khi công ty đã bắt đầu có lãi.
Công ty này đã khởi đầu hết sức khiêm tốn với việc tự bỏ tiền hoạt động và sử dụng khung máy chủ làm bằng...gỗ. Hiện tại, với 45 nhân viên và 5 founder, Backblaze đã tiến một bước dài từ startup không tên tuổi cho đến một doanh nghiệp bền vững trong ngành điện toán đám mây vốn rất khốc liệt.
Server đóng bằng...gỗ của Backblaze
Chưa từng nghĩ doanh nghiệp của mình sẽ đi xa tới mức này, CEO Budman đã tiết lộ một số bí quyết xây dựng một startup tại thánh địa công nghệ của thế giới theo những hướng đi dị biệt của mình.
Vấn đề tiền bạc
Khi Budman cùng 4 nhà đồng sáng lập thành lập Backblaze vào năm 2007, họ đã cùng cam kết dành phần lớn tiền tiết kiệm cá nhân để công ty có thể tồn tại. Các nhà sáng lập cũng chấp nhận làm việc không lương trong suốt năm đầu tiên, bất kể công ty có hoạt động tốt đến đâu.
Cam kết này có hai điều kiện đi kèm vẫn còn hiệu lực đến ngày nay:
Một là, mặc dù chẳng founder nào hứng thú với việc nhận tiền đầu tư từ bên ngoài nhưng cứ 6 tháng một lần, cả nhóm sẽ họp bàn để thảo luận về khả năng gọi vốn. Trong một cuộc họp như thông lệ, họ đã quyết định huy động 5 triệu USD năm 2012.
Thứ hai, các founder quyết định trả lương cho chính mình theo mức lương của chính các founder khác trong nhóm cũng như mức phát triển của công ty. Nếu công ty có thể chi trả nhân viên 10 USD/giờ thì tất cả 5 founder sẽ hưởng lương 10 USD/giờ. Cứ như vậy, nếu công ty tăng trưởng và có thể trả nhân viên cao hơn, các thành viên sáng lập sẽ nhận được khoản lương tương ứng như vậy, cho cả đến hiện tại.
Budman cho biết, mặt trái của cam kết này là "tôi chẳng thể sống bằng mỳ ramen mãi được" , nhưng khi công ty bắt đầu có chỗ đứng, thỏa thuận khi xưa lại trở thành lợi thế. Budman chia sẻ anh từng chứng kiến nhiều startup thất bại khi các founder tranh cãi nhau chuyện ai đáng được trả bao nhiêu. Trong khi đó, với Backblaze, tất cả đều cùng hội cùng thuyền, thậm chí là chẳng bao giờ phải bàn tán với nhau về việc này.
Đòn bẩy
Hướng tiếp cận tự bỏ tiền, không cần đến nguồn đầu tư ngoài còn có những lợi ích khác, trong đó bao gồm cả việc các founder được toàn quyền làm những gì họ muốn vào bất cứ khi nào thấy cần mà không phải thương thuyết với nhà đầu tư.
Backblaze lẽ ra hoàn toàn có thể gọi vốn và được định giá khổng lồ như nhiều startup khác, thế nhưng luôn có một câu hỏi đơn giản khiến họ bỏ qua ý định đó: "Liệu chúng ta biết tiêu số tiền này một cách hiệu quả?".
Văn phòng làm việc ban đầu của Backblaze (2007)
"Chắc chắn chúng tôi sẽ có nhiều cách để tiêu tiền", Budman chia sẻ, nhưng tất cả những cách này đều không thực sự thông minh hay có vai trò chiến lược đối với công ty. Khi Backblaze huy động 5 triệu USD vào 2012, công ty đã có mục tiêu rõ ràng là xây dựng các sản phẩm mới như đám mây lưu trữ B2 - dịch vụ cloud cho lập trình viên và một phiên bản cloud đặc biệt khác cho doanh nghiệp.
Điểm yếu cốt tử của việc nhận đầu tư, theo Budman, là họ chắc chắn sẽ lấy lại tiền bằng cách nào đó - qua IPO hoặc bán lại công ty. Thế nhưng Budman lại không thực sự lo ngại về kết quả ở đây: Backblaze đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho IPO, nhưng không lên kế hoạch về nó.
Nếu ngày đó có đến, và các nhà đầu tư thúc giục họ về một thương vụ sáp nhập hay IPO nhanh chóng thì Backblaze vẫn có nhiều bên sẵn sàng mua lại cổ phiếu của họ để "dự trữ". Bởi công ty hoạt động ổn định nên họ còn rất nhiều thời gian để đưa ra quyết định đúng đắn.
"Unicorn chaser"
Một trong những điều hấp dẫn khi làm việc tại các startup đang lên ở Thung lũng Silicon là việc được hưởng cổ phần - món hời có thể thu về rất nhiều tiền khi công ty lên sàn hay bán lại với giá cao. Về cơ bản, điều này cũng giống như chơi xổ số: Đánh cược nhiều giờ làm việc để nhận lại những thứ đáng giá hơn.
Một đợt hàng ổ cứng lớn cập bến Backblaze
Đối với Bachblaze, việc đi theo những hướng tiếp cận không giống ai có thể khiến họ không mấy hấp dẫn trong mắt nhiều lập trình viên nơi đây. Thậm chí thuật ngữ "unicorn chaser" còn được một người bạn của Budman dùng để chỉ những lập trình viên chuyên đi "săn" những công ty tỷ đô với hy vọng "vớ đậm" từ cổ phần (stock option). Thay vào đó, công ty chỉ tìm kiếm những nhân sự sẵn lòng lựa chọn họ không phải vì tiền hay cổ phần mà là vì bản thân họ muốn làm việc tại đây.
Budman chia sẻ: "Chúng tôi luôn mong đợi rằng đây sẽ là công việc gắn bó với họ (các nhân viên Backblaze) cả đời." Trong suốt 10 năm hoạt động, Budman chia sẻ mới chỉ 4 lần chứng kiến nhân viên ra đi một cách tự nguyện chứ không phải do sa thải. Nhiều người đến với công ty sau khi đã từ chối lời mời từ nhiều bên đối thủ.
Anh tâm sự: "Cuối cùng thì, một công việc trong mơ không phải thứ cho bạn nhiều tiền hay bước đệm trong sự nghiệp, mà là liệu bạn có thực sự hạnh phúc khi ở đây hay không."
Tham khảo Business Insider