Từ mã QR bé tí đến giấc mơ "AliPay" của MoMo: Cung cấp cẩm nang bán hàng 4.0, tha thiết mời các doanh nghiệp lớn nhỏ cùng gia nhập

31/12/2023 20:51 PM | Kinh doanh

Bún cá Cay Thái Hai Thuận (TPHCM) đang có 2,6 nghìn lượt theo dõi trên MoMo, mỗi tháng có hơn 100.000 voucher được thu thập, trong đó 90% là khách hàng mới – khách hàng mục tiêu doanh nghiệp này đang muốn tiếp cận. Đại diện MoMo lấy dẫn chứng từ Trung Quốc cho biết, tương tự như Alipay, các 'ông lớn' Việt Nam, trong đó có MoMo, cũng đang mở cửa cho các mini app tham gia vào hệ sinh thái.

Từ mã QR bé tí đến giấc mơ "AliPay" của MoMo: Cung cấp cẩm nang bán hàng 4.0, tha thiết mời các doanh nghiệp lớn nhỏ cùng gia nhập - Ảnh 1.

Thanh toán không tiền mặt là xu hướng số hoá nhanh nhất và chúng ta có thể nhận biết khách hàng nhanh hơn các phương thức khác, bà Nguyễn Linh Trang - Giám đốc Trung tâm Thanh toán và Dịch vụ hằng ngày của MoMo - nhận định tại sự kiện "Sóng ngầm F&B".

Doanh số tăng tới 40% chỉ từ một mã QR nhỏ

Trong khi khu vực châu Âu và Mỹ thanh toán không tiền mặt thường bắt đầu bằng thẻ, khu vực châu Á lại là QR Code. Đi đầu xu hướng thanh toán không tiền mặt là Trung Quốc với nhiều chính sách thúc đẩy hỗ trợ thanh toán qua QR Code, kế đến là Thái Lan hiện đang có 8 triệu chủ quán đang dùng QR Code (được biết đến là ThaiQR).

Từ mã QR bé tí đến giấc mơ "AliPay" của MoMo: Cung cấp cẩm nang bán hàng 4.0, tha thiết mời các doanh nghiệp lớn nhỏ cùng gia nhập - Ảnh 2.

bà Nguyễn Linh Trang - Giám đốc Trung tâm Thanh toán và Dịch vụ hằng ngày của MoMo.

Tại Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022, về giá trị và số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng đồng loạt 150% và 300%, riêng tại TPHCM thì 27% giao dịch là thanh toán không tiền mặt. Tại Hà Nội, con số này còn vượt trội hơn với cứ 100 giao dịch tại Hà Nội thì có 37 giao dịch thanh toán không tiền mặt (tức 37%). Dự báo đến năm 2025, giá trị thanh toán không tiền mặt sẽ chiếm 73% - 90%.

Thanh toán không tiền mặt giúp ích gì cho kinh tế trong giai đoạn kinh tế khó khăn? Bà Trang cho biết: "Không tiền mặt có thể biến tất cả QR Code và tất cả điện thoại thông minh của mọi người trở thành nơi có thể thanh toán bằng tín dụng. Một hạn mức tín dụng phù hợp sẽ giúp tăng sức mua, tăng cung tăng cầu, tăng mọi thứ giúp ích cho nền kinh tế".

"Trong xu hướng thanh toán không tiền mặt qua QR Code sẽ có một xu hướng tiếp theo đó là Mua trước-Trả sau (buy now-pay later). Phương thức Mua trước-Trả sau này mới tạo ra một sự tăng trưởng đột phá mới."

Từ mã QR bé tí đến giấc mơ "AliPay" của MoMo: Cung cấp cẩm nang bán hàng 4.0, tha thiết mời các doanh nghiệp lớn nhỏ cùng gia nhập - Ảnh 3.

Theo dữ liệu thống kê của MoMo đối với các doanh nghiệp nhỏ và lẻ, siêu nhỏ từ các chủ hàng bán nước, quán ăn có ứng dụng thanh toán QR Code và khách hàng của MoMo dùng phương thức trả sau thì đều nhận thấy doanh thu của họ tăng 30% - 40%, tần suất giao dịch và tỷ lệ khách hàng quay lại cũng tăng.

"Điều này cho thấy xu hướng tất cả giao dịch thanh toán tại Việt Nam đều sẽ bắt đầu từ một QR Code nhỏ được đặt tại cửa hàng. Điều này minh chứng cho việc 4.0 bắt đầu từ 1.0, số hoá và thực tế hoá dữ liệu của mình", bà Trang chia sẻ.

Quét bán kính khách hàng tiềm năng như Grab, có một lợi thế 'ăn đứt' ứng dụng nhắn tin hay mạng xã hội

Bún cá Cay Thái Hai Thuận - một trang cửa hàng trực tuyến (Business Page) trên MoMo - đang chạy 2 chương trình khuyến mãi mua 1 tặng 1 và giảm 50%. Chuỗi cửa hàng chuyên bán bún Thái và trà lá dứa lâu năm tại TPHCM này hiện mỗi tháng có hơn 100.000 voucher được thu thập, trong đó 90% là khách hàng mới – khách hàng mục tiêu doanh nghiệp này đang muốn tiếp cận.

Business Page và Phân phối voucher (Voucher Distribution) là 2 công cụ trong bộ Giải pháp bán hàng 4.0 của MoMo, đang cho thấy mức độ hiệu quả trong việc giúp các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống gia tăng thu hút với sự hiện diện trực tuyến và thúc đẩy tăng trưởng.

Từ mã QR bé tí đến giấc mơ "AliPay" của MoMo: Cung cấp cẩm nang bán hàng 4.0, tha thiết mời các doanh nghiệp lớn nhỏ cùng gia nhập - Ảnh 4.

Lấy ví dụ từ quán bún cá, đại diện MoMo cũng đưa ra lời mời các doanh nghiệp "tận dụng" hệ sinh thái 30 triệu người dùng của siêu ứng dụng này, biến 30 triệu users của MoMo thành khách hàng của mình.

Nói về hướng đi của MoMo, bà Trang lấy dẫn chứng từ thị trường Trung Quốc với các hệ sinh thái dần mở cửa cho các mini app tham gia vào hệ sinh thái như AliPay. Đồng thời khẳng định đây là xu hướng đồng hành cùng các 'ông lớn', và các 'ông lớn' đều đang mở ra để các doanh nghiệp mọi quy mô có thể đồng hành.

Theo bà Trang, lợi điểm mà các doanh nghiệp có thể khai thác khi tiếp cận hệ sinh thái của các 'ông lớn' như MoMo đó là nhận diện được khách hàng, hiểu khách hàng và tiếp cận qua hai yếu tố Hyper-local (Địa phương hoá) và Personalization (Cá nhân hoá). Với lượng người dùng lớn, MoMo ánh xạ thông tin trên một bản đồ chia làm nhiều khu vực, và họ là những khách hàng tiềm năng của chúng ta.

Từ mã QR bé tí đến giấc mơ "AliPay" của MoMo: Cung cấp cẩm nang bán hàng 4.0, tha thiết mời các doanh nghiệp lớn nhỏ cùng gia nhập - Ảnh 5.

"Doanh nghiệp có thể tiếp cận khoanh vùng khách hàng với những bán kính ban đầu từ 1km đến 3km xung quanh điểm kinh doanh và mở rộng dần. Lấy ví dụ việc đặt món ăn trên ứng dụng Grab thường theo khuynh hướng đặt món ở gần địa điểm hiện hữu của khách hàng. Đó là một ví dụ của việc ứng dụng địa phương hoá và cá nhân hoá", bà Trang nói.

Chỉ từ một mã QR nhỏ, mỗi ngày người quản lý cửa hàng có thể nắm bắt bao nhiêu người đã thực hiện giao dịch, có những khách hàng nào không quay lại trong thời gian 7 ngày vừa qua dựa trên lược sử giao dịch của họ.

"Với những khách hàng đối tác mới, MoMo xây dựng một hành trình giúp họ cân nhắc chạy các chương trình khuyến mãi nào trong 2 tuần đầu và khả năng chuyển đổi bao nhiêu phần trăm, 2 tuần kế tiếp với những phương thức chăm sóc khách hàng có thể tăng tiếp tỷ lệ đơn hàng, và phân các tập khách hàng để chăm sóc theo các kịch bản đề xuất tương ứng."

Từ mã QR bé tí đến giấc mơ "AliPay" của MoMo: Cung cấp cẩm nang bán hàng 4.0, tha thiết mời các doanh nghiệp lớn nhỏ cùng gia nhập - Ảnh 6.

"Với những thông tin hữu ích này, người quản lý có thể chủ động tương tác chăm sóc khách hàng nhanh qua hệ thống như gửi ngay voucher đến họ. Người quản lý không phải mất thời gian suy nghĩ cần lên chương trình khuyến mãi gì hay cần chăm sóc những ai thì bộ giải pháp đã tạo sẵn đề xuất trong hệ thống, và chỉ cần 1-click để thực hiện. Thậm chí chúng tôi còn chuẩn bị sẵn các kịch bản đề xuất tỷ lệ khuyến mãi phù hợp với nhiều tập khách hàng khác nhau, dự báo tỷ lệ chuyển đổi thành công", bà Trang nói.

So sánh sản phẩm của MoMo với các đối thủ, bà Trang cho biết: "Một số ứng dụng nhắn tin hiện có public traffic gần như bằng không bởi chủ cửa hàng không thể đăng thông tin lên kênh chung (public) mà chỉ có thể theo kênh riêng (private) là chat với bạn bè. Đối với mạng xã hội, kênh public traffic là các bài đăng nhưng phần lớn phải trả tiền quảng cáo để tiếp cận đông người hơn, có thể hiểu là bài được nhìn thấy nhiều hơn".

"Với hệ sinh thái MoMo, chúng tôi có rất nhiều kênh public traffic như Promotion Hub đăng tải thông tin về các chương trình khuyến mãi được tối ưu bởi AI do hơn 200 kỹ sư hàng đầu của MoMo về công nghệ AI, tối ưu thuật toán liên tục để chương trình khuyến mãi, thẻ quà tặng xuất hiện chính xác và phù hợp nhất với khách hàng. Cách thứ hai quan trọng không kém là các bạn có thể tối ưu kênh private traffic của MoMo, đó là trang thương hiệu của cửa hàng trên MoMo, đây là tài sản số của bạn trên một hệ sinh thái MoMo", bà Trang nói.

"Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội để tận dụng và đã mở cánh cửa để tha thiết mời các doanh nghiệp bất kể quy mô cùng khai thác".

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM