Tư duy kinh doanh 8:2 của cô gái bán bánh thu nhập 100 triệu đồng/tháng: Người làm chủ lấy 2 phần là đủ, phải chấp nhận hi sinh về tiền bạc mới đi lâu dài được với nhau
"Hầu hết các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay không dám nhận phần thiệt tài chính về mình", cô chủ của tiệm bánh Angel's Smile Trần Thị Kim Oanh chia sẻ tư duy kinh doanh của bản thân.
Khi dân sư phạm làm kinh doanh…
Tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non, đi dạy được 2 năm, Trần Thị Kim Oanh, sinh năm 1988 quyết định ra mở cửa hàng bánh kem vào cuối năm 2015 (27 tuổi). Theo cô gái này, vì thích nấu ăn từ bé nên ý định mở cửa hàng bánh cũng xuất phát từ niềm đam mê ấp ủ bấy lâu…
"Công việc dạy học khá ổn, nhưng gần như mình không có thời gian để vui chơi giải trí. Chọn theo bánh vì bánh luôn mang lại hứng thú và vui vẻ với mình sau giờ làm. Có khi mải mê tìm hiểu và làm bánh đến tận sáng hôm sau, ôm tài liệu đi dạy học tiếp mà chẳng thấy mệt mỏi", Oanh chia sẻ về quyết định rẻ sang nghề kinh doanh bánh kem như thế.
Thời gian đầu đến với cửa hàng bánh, khó khăn lớn nhất với Oanh là tính toán với các con số. Vốn là dân sư phạm nên Oanh hoàn toàn mù tịt về vấn đề này. Cô gái này bắt đầu đọc các bài viết về quản lý, trò chuyện với anh chị, bạn bè đi trước.
Từ một viên chức quen với việc có thu nhập ổn định, nay lại sống trong tâm trạng của một người kinh doanh, không biết ngày mai thế nào...
"Ở một môi trường mà mọi người tự giác ý thức công việc được giao, chủ động thực hiện, mình suy niệm như vậy là tốt. Thế nhưng, không phải. Khi áp dụng vào môi trường nhân viên bánh, mình thất bại hoàn toàn. Mình phải học cách xây dựng quy định, nội quy, cách chấm công... từ chính nhu cầu của nhân viên kết hợp với kinh nghiệm của anh chị chủ cửa hàng khác. Đặc biệt, về các con số thì cực kỳ đau đầu", Oanh chia sẻ.
Cô gái 8X bắt đầu ghi chép chi tiết từng khoản thu - chi, thời điểm đông khách vắng khách ra sao, rồi ghi chú cả những yêu cầu của khách, rảnh rang lại ra mang ra tổng hợp.
Oanh kể, "thời gian đầu, các nhà cung cấp nguyên liệu khá khó khăn với mình bởi cửa hàng rất mới, chưa biết khả năng sống còn thế nào. Họ yêu cầu doanh số mới giao hàng, trong khi cửa hàng lại chưa đạt yêu cầu về mức tiêu thụ nên đơn thân mình chạy xe đi chở từng thùng nguyên liệu. Thời điểm đó cực lắm..."
Chừng một năm sau, khi cửa hàng đi vào hoạt động ổn định, lượng khách hàng cả sỉ, lẻ tăng lên, doanh thu cửa hàng cũng tăng đều đặn hàng tháng gấp 8-10 lần so với giai đoạn đầu. Từ đó, nhà cung cấp ghi nhận và đều đặn vận chuyển, cung cấp nguyên liệu cho cửa hàng hoạt động.
"Từ một viên chức quen với việc có thu nhập ổn định, nay lại sống trong tâm trạng của một người kinh doanh, không biết ngày mai thế nào. Điều ấy khiến tâm trạng mình bị đè nặng ghê gớm", cô gái 8X giãi bày.
Sai lầm khi nghĩ bản thân tiết giảm chi tiêu sẽ đủ chi phí cho cửa hàng. Nhưng thực chất, nếu mình đi giao lưu, đi tìm hiểu, du lịch kết hợp với học hỏi thì mình mới có cách nhìn khách quan và học được nhiều điều hơn
Từ đó, bao nhiêu tiền tiết kiệm đều đổ dồn cửa hàng. Khi kẹt vốn lại xoay vòng, rất áp lực. Thậm chí Oanh cho hay, thời điểm đó còn cắt giảm nhiều thứ, kể cả nhu cầu cá nhân: không tiệc tùng, du lịch, chỉ chăm chăm lo cho đứa con tinh thần.
"Sau này thấy mình thật sai lầm. Sai lầm khi nghĩ bản thân tiết giảm chi tiêu sẽ đủ chi phí cho cửa hàng. Nhưng thực chất, nếu mình đi giao lưu, đi tìm hiểu, du lịch kết hợp với học hỏi thì mình mới có cách nhìn khách quan và học được nhiều điều hơn. Càng bó hẹp mình là tự giết chết sự phát triển của bản thân", Trần Thị Kim Oanh cho hay.
Sau nhiều cố gắng, hiện Oanh sở hữu cửa hàng bánh kem với doanh thu hơn 200 triệu đồng/tháng, chủ yếu tập trung vào khâu sản xuất và phân phối bánh. Được biết, năm đầu tiên mở cửa hàng (2015), một ngày thu về khoảng 200 – 700 ngàn đồng.
Hiện tại, cửa hàng bánh đạt doanh thu trung bình từ 5-7 triệu đồng/ngày. Nếu rơi vào đợt cao điểm như trung thu, Tết thiếu nhi… doanh thu có thể lên đến 8-9 triệu đồng/ngày. Trừ các chi phí cho cửa hàng, hàng tháng cô gái trẻ này thu về hơn 100 triệu đồng.
"Từ giai đoạn chật vật trả lương cho nhân viên, đến nay mình có thể có dư để phát triển thêm 1 cửa hàng khác. Số tiền dư ra mình lại tiếp tục tái đầu tư", cô gái 8X chia sẻ.
Bí quyết để khách hàng nhớ đến mình là "mưa dầm thấm lâu", không Telesales làm phiền khách
"Khách đến mua bánh đều điền đầy đủ thông tin vào cái phiếu nho nhỏ để đánh giá về cửa hàng. Theo sau đó, mình luôn kèm trân trọng món quà vì họ đã dành thời gian cho mình. Từ thông tin đó, mình lân la kết bạn facebook, tìm hiểu người thân, người yêu và các dịp sinh nhật gần nhất trong danh sách để trò chuyện, gợi ý và chúc mừng khi đến sinh nhật của khách. Cứ thế, dần dần họ quen mình, nhớ đến mình", cô gái 8X chia sẻ cách tiếp cận khách hàng của mình.
Đặc biệt, cô gái 8X không chọn cách gọi điện thoại tiếp cận khách bởi vì theo Oanh bản thân mình cũng bị phiền từ những cuộc điện thoại không đúng nhu cầu. Điều này ắt sẽ không mang lại kết quả như ý muốn.
Những người đặt bánh là những người cầu toàn hoặc đây là dịp, là người mà họ rất quan tâm. Vậy nên, Oanh luôn nhắc nhân viên hãy chăm chút cho chiếc bánh bằng cái tâm tình họ gửi vào, tuyệt đối không sai sót
Oanh có thói quen lưu giữ tất cả đơn hàng khách đặt bánh từ năm này qua năm khác và chăm sóc đều đặn những khách ấy. Cụ thể, nhắn tin hỏi thăm, quan tâm và chúc mừng họ ở những dịp lễ đặc biệt.
Khách hàng mua bánh có một thói quen khá thú vị là họ đã quen ở đâu sẽ mua hoài ở đó. Họ mua cho tất cả những dịp quan trọng
"Khách rất vui nếu mình nhớ đến họ, quan tâm và lo lắng cho họ. Thêm nữa, mình luôn nhắc nhở nhân viên, những người đặt bánh là những người cầu toàn hoặc đây là dịp, là người mà họ rất quan tâm. Vậy nên hãy chăm chút cho chiếc bánh bằng cái tâm tình họ gửi vào, tuyệt đối không sai sót", Oanh chia sẻ.
Thời gian đầu mở cửa hàng cô gái 8X đã chạy deal 4 tháng khuyến mãi để tiếp cận khách hàng trên các trang mua bán. Đồng thời trực tiếp đứng ra bán hàng cùng nhân viên, chào mời và tư vấn trực tiếp với khách.
Oanh nói: "Khách hàng mua bánh có một thói quen khá thú vị là họ đã quen ở đâu sẽ mua hoài ở đó. Họ mua cho tất cả những dịp quan trọng. Vì thế, mình luôn xem khách hàng như người thân, sẵn sàng tư vấn và cho họ những offer tốt nhất, tiết kiệm nhất. Dù ngay thời điểm đó họ không chọn sản phẩm của mình nhưng vẫn vui vẻ tư vấn. Dần dà họ sẽ tin tưởng và nhớ đến mình vào các dịp sau".
Hiện tại nguồn khách hàng của cô giá trẻ khá đa dạng, từ khách lẻ, các nhà hàng, quán cafe đến nguồn khách từ bán online cũng tăng lên đáng kể. Sản phẩm được chia thành các dòng chủ đạo: bánh kem phong cách Á, bánh kem phong cách Âu, bánh mì Á, bánh mì Âu và các loại bánh khô.
Đó là bí quyết của cô gái trẻ đam mê làm bánh. Theo Kim Oanh, nếu mình cho đi thì mình sẽ nhận được sự hòa hợp trong mối quan hệ với nhân viên, khách hàng. Có như thế mình mới an yên với đam mê và tiếp tục nghiên cứu cho ra các sản phẩm mới.
Tư duy kinh doanh 8:2 - Người làm chủ lấy 2 phần là đủ, phải biết chấp nhận phần thiệt về mình mới đi được đường dài với nhau
Ngay cả khi đặt tên cửa hàng là Angel's Smile cô gái này cũng luôn tâm niệm, phải tạo ra được điều gì đó tốt đẹp, yêu thương giữa con người với nhau. "Angel's Smile nghĩa là nụ cười thiên thần. Mình mê trẻ em lắm, mỗi khi nhìn bọn trẻ chị đều thấy vui. Mình muốn những chiếc bánh làm ra đều đặt cái tâm vào đó, như cách người mẹ dành cho con vậy", Oanh tâm sự.
Khi bắt đầu kinh doanh không nên tư duy làm chủ mà phải tư duy là làm công cho chính mình. Tự mình bắt tay vào làm những việc nhỏ nhất
Ngoài đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất và phân phối bánh – công việc mà như cách cô gái 8X này chia sẻ đó là niềm đam mê chưa bao giờ nguôi và cảm thấy mệt thì Trần Thị Kim Oanh còn đặt mục tiêu là truyền cảm hứng cho những ai cùng đam mê. Đặc biệt, cô gái trẻ này dự tính sẽ mở một trung tâm dạy nghề hỗ trợ cho những ai có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Oanh, những ai có đam mê cộng thêm chút khéo tay đều có thể tiếp cận với nghề này. Tuy nhiên, cô cũng khuyên các bạn trẻ nếu muốn dấn thân vào nghề này cũng như khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh hãy cân nhắc những vấn đề sau:
Thứ nhất, sự hi sinh: Hầu hết các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay không dám nhận phần thiệt tài chính về mình. Tiền bạc là quan trọng nhưng để nó chi phối tất cả các mối quan hệ của mình thì không nên. Quan điểm kinh doanh: 8:2. Người làm chủ chỉ cần lấy 2 phần là biết đủ, phải chấp nhận hi sinh về tiền bạc để nhường những thiết yếu cho nhân viên thì mới đi lâu dài với nhau được.
Thứ hai là tư duy kinh doanh: Khi bắt đầu kinh doanh không nên tư duy làm chủ mà phải tư duy là làm công cho chính mình. Có như vậy, các bạn trẻ mới thúc đẩy bản thân tự cố gắng vươn lên, tự chịu trách nhiệm. Nếu cộng sự không đủ sức bền để đi với mình thì mình phải đủ sức bật để đi tiếp, cố gắng tự vươn lên làm cho bằng được.
Thứ ba, lập kế hoạch: Cần làm những gì? thời điểm nào? làm cùng với ai? Phải đặt mục tiêu và lộ trình công việc, thúc đẩy các mối quan hệ phát triển. Những việc phát sinh ngoài kế hoạch phải biết chấp nhận và vượt qua bằng thái độ lạc quan, vui vẻ.