Từ con mồi trở thành kẻ đi săn: Trung Quốc đang thâu tóm doanh nghiệp phương Tây với quy mô kỷ lục

17/09/2016 09:44 AM | Kinh doanh

Làn sóng thâu tóm và sáp nhập (M&A) của Trung Quốc ở phương Tây đang gia tăng với quy mô lớn chưa từng thấy. Ngày càng nhiều các công ty lớn của Mỹ và Châu Âu bị doanh nghiệp Trung Quốc mua lại.

Theo một báo cáo gần đây của Mergermarket Group, Trung Quốc đã phá kỷ lục đầu tư M&A ở nước ngoài của mình vào cuối tháng 8 năm nay.

Với 173 thương vụ trị giá 128,7 tỷ USD, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về hoạt động thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài, tính từ đầu năm đến nay. Đây là vị trí mà nếu giữ vững được đến cuối năm, Trung Quốc sẽ truất ngôi của Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2006.

“Quy mô và số lượng các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài của Trung Quốc đã liên tục tăng trong 10 năm qua”, Yiqing Wang, chuyên gia phân tích của Mergermarket Group cho biết. “Tuy nhiên, 2015 và 2016 là hai năm chứng kiến làn sóng thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay”.

Các công ty nước ngoài mà doanh nghiệp Trung Quốc muốn thâu tóm không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực truyền thống như năng lượng và tài nguyên. Doanh nghiệp Trung Quốc còn nhắm đến các công ty nước ngoài thuộc ngành công nghệ, công nghiệp, hóa chất và tiêu dùng.

Làn sóng M&A trên cũng diễn ra cùng lúc với quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế ở Trung Quốc hiện nay. Nước này đang chuyển dịch khỏi các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu để tập trung vào tiêu dùng nội địa và công nghệ cao.

Không chỉ nhiều về số lượng, các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp phương Tây của Trung Quốc trong năm nay cũng lớn về quy mô.

ChemChina đã mua lại nhà sản xuất phân bón và hạt giống Syngenta AG của Thụy Sĩ với giá 43 tỷ USD, thương vụ thâu tóm ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của một công ty Trung Quốc.

Tencent đã thâu tóm Supercell, nhà phát triển game di động của Phần Lan với giá 8,6 tỷ USD.

Haier Group trả 5,4 tỷ USD để mua lại bộ phận sản xuất thiết bị gia dụng của General Electric. Ngay cả sản giao dịch chứng khoán Chicago cũng lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Châu Âu là tâm điểm của làn sóng M&A của Trung Quốc trong năm nay. Nước này đã bỏ ra 76,5 tỷ USD để thâu tóm các công ty Châu Âu. Đức là quốc gia Châu Âu được nhà đầu tư Trung Quốc săn đón nhiều nhất. Tính đến tháng 6 năm nay, 24 công ty Đức - gần như một công ty mỗi tuần, đã bị mua lại bởi các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tuy nhiên, không nên cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc đang tháo chạy khỏi quê nhà bằng cách mua lại các công ty nước ngoài. Động cơ chính đằng sau làn sóng đầu tư trên thực ra lại có ý nghĩa ngược lại.

“Chúng tôi phát hiện thấy, phần lớn các nhà đầu tư lắm tiền của Trung Quốc đều có ý định thâu tóm công nghệ đẳng cấp thế giới của phương Tây. Họ muốn mang những công nghệ này về quê nhà và bổ sung cho năng lực phát triển sản phẩm hiện tại của mình”, Wang nói.

Xu hướng trên trùng khớp với sáng kiến “Made in China 2025” của Trung Quốc. Sáng kiến này được chính phủ đưa ra nhằm nâng cao năng lực sản xuất nội địa, cải thiện khả năng sáng tạo và tăng cường sở hữu công nghệ cao ở Trung Quốc.

Theo đó, mặc dù Trung Quốc phải bỏ ra hàng trăm tỷ USD để thâu tóm doanh nghiệp phương Tây, con số trên vẫn còn rẻ nếu xét đến lợi ích kinh tế dài hạn và khả năng mở rộng thị trường trong tương lai của nước này.

Sự thèm khát doanh nghiệp nước ngoài của Trung Quốc cũng trùng khớp với “chính sách Hướng ngoại”, một sáng kiến của chính phủ nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài. Qua đó, Trung Quốc muốn tận dụng nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào của mình để mở rộng thị trường, nâng cao ảnh hưởng chính trị và kinh tế của nước này trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước của Trung Quốc đang chững lại, đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để doanh nghiệp Trung Quốc tiến ra nước ngoài. Các chuyên gia dự đoán, xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới. “Suy cho cùng, làn sóng toàn cầu hóa của Trung Quốc mới chỉ đang bắt đầu”, Wang kết luận.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM