"Chim cánh cụt" Tencent và chặng đường từ kẻ vô danh trở thành công ty lớn nhất Trung Quốc

08/09/2016 00:00 AM | Kinh doanh

Tập đoàn Tencent đã vượt qua China Mobile để trở thành tập đoàn có giá trị thị trường lớn nhất Trung Quốc.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư (7/9/2016) trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, cổ phiếu Tencent giảm nhẹ sau khi tăng 4,2% và 3,8% vào 2 phiên đầu tuần, tổng giá trị thị trường của tập đoàn Tencent đạt hơn 2 nghìn tỷ Đôla Hồng Kông. Giá trị thị trường của tập đoàn China Mobile cũng tính đến cuối phiên ngày thứ Ba đạt 1,93 nghìn tỷ Đôla Hồng Kông.

Với mức giá trị này, tập đoàn Tencent đã chính thức nằm trong nhóm 10 tập đoàn/công ty công nghệ lớn nhất thế giới trong đó bao gồm Apple và Alphabet. Tại châu Á, Tencent là tập đoàn có giá trị thị trường lớn nhất.

Trong tháng 8, có những thời điểm giá trị thị trường của Tencent đã vượt qua cả Alibaba niêm yết trên sàn New York, Mỹ. Tại thời điểm bài viết này ghi nhận (chốt ngày 7/9/2016), giá trị thị trường của 2 công ty internet này đang tương đương nhau, ở xấp xỉ 263-264 tỷ USD.

Nhiều năm nay, Tencent đã phát triển rất mạnh mảng trò chơi trên điện thoại di động, quảng cáo trực tuyến. Sự trỗi dậy của Tencent, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cho thấy điều trái ngược trong xu thế hoạt động của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.

Doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc dù không được hưởng cơ chế ưu đãi mạnh tay như doanh nghiệp nhà nước nhưng lại đang giữ vai trò quan trọng trong việc mang đến việc làm cho người dân cũng như tạo ra nhiều sản phẩm đột phá.

Tại Trung Quốc hiện nay, trong khi nhiều tập đoàn lớn hoạt động trong những ngành nghề sản xuất kinh doanh truyền thống có kế hoạch sa thải mạnh nhân công, nhiều tập đoàn mới do tư nhân lập ra ví như Alibaba lại đang sẵn sàng tuyển dụng hàng loạt để đáp ứng cho quá trình phát triển chóng mặt của họ. Trung Quốc hiện có hàng trăm doanh nghiệp tư nhân đang phát triển mạnh, họ cung cấp sản phẩm dịch vụ trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính cho đến truyền thông.

QQ, một trong những sản phẩm thành công nhất của Tencent, có hình ảnh biểu tượng là chú chim cánh cụt. Từ một ứng dụng đơn giản ban đầu, nay người ta gọi QQ với cái tên đầy ngưỡng mộ “đế chế của chú chim cánh cụt”. 15 năm sau lần ra mắt đầu tiên, QQ hiện đã có đến 800 triệu người dùng.

Ứng dụng Wechat của Tencent cũng đã có hơn 300 triệu người dùng sau chưa đầy 2 năm. Wechat đã giúp Tencent có thêm sức mạnh trong nỗ lực thống trị thị trường Internet và ứng dụng di động Trung Quốc.

Từ khởi đầu rất khiêm tốn, đến khi Tencent niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, giá trị thị trường khi đó được tính toán khoảng 1 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu nhiều năm đạt đến 150%.

Sau khi Tencent công bố ứng dụng Wechat vào ngày 5/8/2003, cổ phiếu hãng đã tăng chóng mặt. Ngày 3/9/2013, giá trị thị trường của Tencent chính thức vượt ngưỡng 100 tỷ USD, lần đầu tiên có một doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc có giá trị thị trường vượt mức này.

Dù Tencent bắt đầu gia nhập thị trường trò chơi trực tuyến Trung Quốc vào năm 2003, chậm hơn 2 năm so với phần lớn doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, hiện nay Tencent nắm hơn nửa thị phần trò chơi trực tuyến của Trung Quốc.

QQ ban đầu chỉ là một ứng dụng nhắn tin trực tuyến miễn phí, thế nhưng với thiết kế thân thiện, giao dịch tương tác tốt với người dùng, nó đã dần thu hút được lượng người sử dụng khổng lồ. Sau QQ, Tencent đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới thế nhưng hãng không hề buông lơi mục tiêu phát triển QQ.

Tencent là một trong những tập đoàn công nghệ đã nếm trải đủ những khó khăn trong nhiều giai đoạn phát triển của thị trường Internet Trung Quốc. Ban đầu cũng chỉ đi sao chép sản phẩm của công ty công nghệ khác, tuy nhiên sau đó Tencent đã tùy biến sản phẩm để giúp tăng chất lượng dịch vụ phục vụ cho người dùng.

Nhiều năm qua, Tencent thu hút được lượng người dùng đáng mơ ước cho các sản phẩm của tập đoàn, Tencent không sử dụng một chiến lược chung cho tất cả các giai đoạn phát triển của tập đoàn. Kinh nghiệm thị trường đã dậy Tencent cần phải thận trọng khi gia nhập thị trường mới và không vội vàng đưa ra chiến lược khi còn chưa nắm rõ thị trường.

Nhà sáng lập Tencent, ông Pony Ma, đã bắt chước ICQ và tạo ra ứng dụng OICQ (sau này đổi tên thành QQ) vào năm 1998 và tùy biến cho phù hợp với người dùng Trung Quốc. Chỉ sau 2 tháng tung ra thị trường, ứng dụng đã có 200 nghìn người dùng. Đến tháng 11/1999, số lượng người dùng vượt mốc 1 triệu.

Khi đó dù Tencent có tỷ lệ người dùng cao nhưng hãng vẫn chưa biết cách làm để kiếm được tiền từ họ, cùng lúc vẫn phải tốn rất nhiều chi phí để nâng cấp hệ thống đáp ứng cho lượng người dùng tăng đột biến. Và ngay cả khi đã có đến 50 triệu người dùng, Tencent vẫn không biết làm sao để kiếm tiền từ khối lượng người dùng khổng lồ của mình.

Và Tencent bắt đầu thử nghiệm 3 mô hình kinh doanh mới dựa trên nguồn khách hàng lớn và giao diện tương tác cao với người dùng. Đến năm 2004, lợi nhuận ròng của Tencent đạt 450 triệu USD tương đương 73,71 triệu USD và niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Khi đã thành công với mảng kinh doanh chính, Tencent bắt đầu lấn sân sang các mảng khác.

Tháng 4/2004, số lượng người dùng của QQ đạt mức 300 triệu. QQ đã nhanh chóng học tập từ một số mạng xã hội Hàn Quốc để tạo ra ứng dụng ảnh ảo giúp cho người dùng Internet Trung Quốc có thể khoe ảnh đẹp nhất trên trang mạng xã hội. Kết hợp với khối lượng người dùng lớn, Tencent bắt đầu bán một số sản phẩm ảo cho người dùng, ứng dụng nhanh chóng thành công và Tencent trở thành công ty duy nhất ở Trung Quốc có thể bán hàng ảo.

Thành công với hoạt động kinh doanh hàng ảo, Tencent tính đến việc thu phí người dùng dịch vụ QQ. Cùng lúc đó, trên thị trường, với việc cung cấp dịch vụ miễn phí, Taobao đã đánh bại eBay Trung Quốc. MSN muốn gia nhập thị trường Trung Quốc còn China Mobile tung ra Fetion.

Bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường đã khiến Tencent phải tạm dừng kế hoạch thu phí người dùng mà thay vào đó cải thiện chất lượng sản phẩm hiện có tốt hơn để trạnh tranh. Tencent đưa ra mô hình Freemium, tức là tất cả người dùng Tencent đều được miễn phí sử dụng thế nhưng một số người nếu muốn hoàn toàn có thể nâng cấp trải nghiệm sử dụng QQ với khoản phí nhỏ.

Tencent tung ra nhiều dịch vụ miễn phí cho ứng dụng QQ, lập nhóm QQ, lưu trữ dữ liệu, icon QQ, trò chơi QQ, nhạc QQ, tải phần mềm QQ, trình duyệt QQ. Khi nhóm ứng dụng này phát triển lên thành ứng dụng thu hút được nhiều người dùng nhất, Tencent lại bổ sung thêm nhiều sản phẩm dịch vụ trả phí với chất lượng tốt để thu hút những người dùng chịu chi tiền. Bằng cách đó, Tencent không làm mất lòng bất kỳ người dùng nào nhưng vẫn thu được tiền.

Tuy nhiên, dù thành công trong suốt nhiều năm, Tencent bị chỉ trích là tập đoàn chuyên bán các sản phẩm sao chép. Ông Pony Ma từng tuyên bố “Sao chép không phải tội lỗi”. Với sức mạnh nhân lực, tài chính và công nghệ của mình, Tencent đã có sức mạnh hủy diệt nhiều đối thủ cạnh tranh tiềm năng từ khi họ mới chỉ còn rất non trẻ trên thị trường. Dù vậy, tính đến hiện tại Tencent cũng đã sở hữu hàng trăm bằng sáng chế.

Tỷ phú Pony Ma của Tencent hiện là người giàu thứ 39 trên thế giới, theo tính toán của Forbes. Tổng tài sản của ông ước khoảng 20 tỷ USD. Vào năm 2009 và năm 2014, tạp chí Time đã bình chọn ông vào nhóm những người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Suốt từ năm 2006, danh sách những tập đoàn có giá trị vốn hóa lớn nhất Trung Quốc chỉ toàn là những tập đoàn nhà nước như China Mobile, ngân hàng ICBC, tập đoàn PetroChina. Tencent và Alibaba từng được vào danh sách này trong khoảng thời gian ngắn vào năm 2014.

Thời gian gần đây, Tencent tăng trưởng chóng mặt. Ứng dựng WeChat và QQ của tập đoàn đã có hơn 1 tỷ người dùng. Doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn trong suốt 6 quý gần nhất luôn cao vượt kỳ vọng.Tập đoàn cũng đang có kế hoạch xây dựng chuỗi công viên giải trí kiểu như Disneyland tại Trung Quốc.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM