Từ chuyện Shark Khoa đầu tư bóng rổ: Môn thể thao hot nhất nước Mỹ đang hấp dẫn giới doanh nhân trẻ Việt Nam ra sao?

13/04/2018 10:30 AM | Kinh doanh

Thông thường một đội bóng rổ sẽ phải chịu khoản lỗ ròng liên tiếp trong vòng 5-7 năm. Riêng trong hai năm đầu tiên, mức lỗ có thể lên tới 5-6 tỉ đồng một năm.

"Đây là cuộc chơi vô cùng thú vị và hướng đến những giá trị lâu dài cho cộng đồng", đó là nhận xét của doanh nhân trẻ Lê Đăng Khoa về việc đầu tư kinh doanh bóng rổ. Anh vốn được biết đến nhiều qua chương trình Shark Tank Việt Nam. Khoa hiện là ông bầu sở hữu đội Danang Dragons. Đây là đội vô địch trong giải VBA đầu tiên.

Được người Pháp đưa vào Việt Nam cùng với bóng đá, nhưng vài năm gần đây bóng rổ mới được đầu tư và phát triển chuyên nghiệp. Trong khi bóng rổ mới được người Việt quan tâm 10 năm trở lại đây thì lịch sử của môn thể thao này trên thế giới đã có tuổi đời cả trăm năm.

Nghề kinh doanh bóng rổ trên thế giới

Tháng 12/1891, James Naismith (sinh năm 1861), một giáo viên giáo dục thể chất của trường huấn luyện Springphild tại bang  Massachusets (Mỹ), khi tìm cách làm cho giờ học thể chất thêm sinh động, ông đã dựa theo những trò chơi với bóng được phát triển trước đây trong lịch sử.

Ban đầu để phù hợp với điều kiện phòng tập của mình, James Naismith đã chọn quả bóng đá để có thể dễ dàng bắt, chuyền. Ông gắn 2 cái rổ mà người dân địa phương dùng để hái đào vào ban công của phòng tập. Ban công của phòng tập thể dục lúc đó có chiều cao 3,05m vì thế ngày nay độ cao này tương ứng với khoảng cách từ mặt sân tới mép trên vành rổ.

Sau một thời gian tập luyện, ông thấy rằng cái rổ hái đào rất bất tiện, vì mỗi khi bóng vào rổ thì lại phải có một người đứng ở đó lấy bóng ra. Vì vậy ông đã cho thay bằng một vòng sắt và có treo túi lưới (túi lưới đó có một cái dây buộc vào, khi bóng vào rổ chỉ cần dật cái dây đó là quả bóng sẽ tung ra). Nhưng rồi cái túi lưới đó vẫn bị bất tiện, bởi khi bóng vào rổ, vẫn phải có người kéo dây thì mới lấy được quả bóng.

Từ chuyện Shark Khoa đầu tư bóng rổ: Môn thể thao hot nhất nước Mỹ đang hấp dẫn giới doanh nhân trẻ Việt Nam ra sao? - Ảnh 1.

James Naismith người đã khai sinh ra môn bóng rổ.

Do vậy James Naismith cho cắt thủng cái túi lưới ra để khi bóng vào rổ thì rơi xuống. Như vậy là tác dụng chính của lưới chỉ là để xác định một cách chính xác xem quả bóng có vào rổ hay không mà thôi. Tên gọi của môn Bóng rổ cũng được xuất phát từ đây: từ gốc tiếng Anh là Basketball trong đó Basket – rổ, Ball – bóng.

Ngày nay giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) là một trong những giải đấu hấp dẫn nhất tại đất nước này và kinh doanh bóng rổ cũng là một nghề tiềm năng. 

Ở Mỹ số lượng người chơi bóng rổ chiếm số lượng lớn nhất với khoảng gần 25 triệu người, gần gấp đôi so với số lượng người chơi bóng đá. Lượng xem truyền hình của bóng rổ cũng cao gần gấp rưỡi so với bóng đá. 

Theo số liệu của Forbes, trung bình mỗi câu lạc bộ NBA có giá trị kỷ lục 1,65 tỷ USD năm 2018, tăng 22% so với năm ngoái. Và mỗi đội có giá trị ít nhất 1 tỷ USD cho lần chuyển nhượng đầu tiên. Giá trị nhượng quyền các câu lạc bộ tăng gấp 3 trong 5 năm gần đây.

Các chuyên gia đầu tư trong ngành cho biết bóng rổ có tiềm năng lợi nhuận hơi cả bóng đá tại Mỹ. Trong khi trung bình nhượng quyền NFL là 2,5 tỷ USD, cao hơn 52% so với 1 đội NBA nhưng trong 5 năm đã giảm đi 1 nửa giá trị.

Thủa sơ khai của kinh doanh bóng rổ Việt Nam

Trong khi NBA tại Mỹ đã có lịch sử 70 năm thì giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp của Việt Nam (VBA) mới tổ chức giải đấu thứ 2 vào năm 2017. Kinh doanh bóng rổ tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu theo mô hình chuyên nghiệp của Mỹ. Hiện giải đấu này có 6 tham gia gồm Saigon Heat, Cantho Catfish, Thang Long Wariors, Hanoi Buffaloes, Danang Dragons và Hochiminh City Wings.

Bóng rổ du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc cùng thời điểm với bóng đá. Thời kì đầu bóng rổ chỉ phát triển ở phạm vi hẹp trong một số trường học, công sở và trong hàng binh ngũ binh lính Pháp và cũng chỉ ở một số thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Huế… Các môn thể thao nói chung và môn bóng rổ nói riêng trong thời kì này nhìn chung chỉ phục vụ riêng cho giai cấp thống trị - chiến thuật thì non kém, tư tưởng thi đấu thì cay cú ăn thua.

Chính xác bóng rổ do người Trung Quốc mang sang miền Nam – Việt Nam khoảng thập niên 20 của thế kỷ XX. Lúc đó những trận đấu do người ngoại quốc (người Hoa, người Pháp là chủ yếu) tổ chức chơi với nhau. Những đội bóng rổ chính quy đầu tiên khi đó tất cả điều là của người Pháp thành lập. Cùng lúc này ở miền Bắc cũng có một đội bóng rổ tồn tại rất ngắn thuộc quản lý của quân đội. Mặc dù được cho tập huấn tại Liên Xô, nhưng không có thành tích gì hết và chỉ 2 năm tồn tại rồi bị giải thể.

Từ chuyện Shark Khoa đầu tư bóng rổ: Môn thể thao hot nhất nước Mỹ đang hấp dẫn giới doanh nhân trẻ Việt Nam ra sao? - Ảnh 2.

1 trận bóng rổ thời xưa.

Đến năm 1992, Hội bóng rổ Việt Nam được đổi tên thành Liên đoàn bóng rổ Việt Nam – Viết tắt là VBF (Vietnam Basketball Federation). Tuy nhiên phải đến năm 2011, Saigon Heat do học viện Thể thao Sài Gòn (SSA) thành lập, trở thành đội bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam trong thế kỷ 21. Tiền đề cho sự ra đời của Saigon Heat là từ XLE Group, công ty đào tạo và kinh doanh thể thao kiểu Mỹ được hai nhà đầu tư, Connor Nguyễn và Henry Nguyễn (Nguyễn Bảo Hoàng) thành lập tại Việt Nam năm 2007.

Nguồn thu lớn nhất của đội bóng rổ hiện nay đến từ hoạt động tài trợ, quảng cáo và kinh doanh thương hiệu. Tiếp đến là nguồn thu từ bán vé và mặt hàng liên quan (quần áo, đồ ăn, nước uống...). Ngoài ra, bản quyền truyền hình cũng bắt đầu đóng góp đáng kể vào doanh thu. Như Saigon Heat đã đạt thỏa thuận về bản quyền truyền hình với FPT và K+ là hai đơn vị phát sóng, trong đó FPT chịu trách nhiệm sản xuất. 

Một hoạt động kinh doanh khác là từ thương hiệu của các cầu thủ ví dụ Stefan Nguyen (Tuấn Tú) từng làm đại sứ thương hiệu cho hãng sữa Lif Kun, Việt Arnold là gương mặt đại diện cho Nike, hay Saigon Heat từng là đại sứ thương hiệu cho hãng điện thoại Huawei.

Tuy nhiên kinh doanh bóng rổ tại Việt Nam hiện nay gặp khá nhiều khó khăn. Theo doanh nhân trẻ Trần Hoàng Việt (lọt top Forbes Under 30 năm 2016), điều khó nhất trong kinh doanh thể thao là tìm kiếm các ông chủ đội bóng có cùng chung định hướng và cam kết lâu dài. Thông thường một đội bóng rổ sẽ phải chịu khoản lỗ ròng liên tiếp trong vòng 5-7 năm. Riêng trong hai năm đầu tiên, mức lỗ có thể lên tới 5-6 tỉ đồng một năm.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM