Từ câu chuyện của TP.HCM đến việc các nước đang thu phí vào nội đô như thế nào?
Thu phí vào nội đô là chuyện không mới và đã được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng.
Chiều 11/7, HĐND TP.HCM khóa IX bế mạc kỳ họp thứ 20, thông qua 14 nghị quyết về các tờ trình quan trọng của UBND TP về các nội dung quan trọng như thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm TP, bổ sung quỹ tên đường...
Trong số các tờ trình được HĐND TP.HCM thông qua, đáng chú ý có tờ trình về xây dựng đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Đề án được xây dựng trên quan điểm phát triển giao thông công cộng phải kết hợp, đi đôi với việc hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Theo đó, TP.HCM dự kiến thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm TP.HCM trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030. HĐND TP.HCM lưu ý việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân chỉ thực hiện khi đạt các điều kiện về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, dịch vụ hỗ trợ giao thông công cộng..
Từ kế hoạch của TP.HCM, hiện các thành phố trên thế giới đang thực hiện việc thu phí vào nội đô như thế nào?
Singapore tiên phong
Số lượng phương tiện tăng nhanh, vượt xa với tốc độ mở rộng cơ sở hạ tầng, khiến tắc đường (kẹt xe) trở thành vấn nạn phổ biến trên thế giới đặc biệt là những thành phố lớn. Năm ngoái, theo tính toán, một người Mỹ mất trung bình 97 giờ vì tắc đường, khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 87 tỷ USD. Bên cạnh đó, tắc đường còn gây những hiểm họa lớn về môi trường. Trước thực trạng này, nhiều quốc gia đã thu phí vào nội đô như một cách để giải quyết vấn đề.
Singapore là quốc gia tiên phong trong việc thí điểm và thực hiện việc thu phí vào nội đô (khu CBD). Từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, chủ phương tiện vào khu CBD từ 7h30 đến 9h30 từ thứ 2 đến thứ 7 sẽ phải trả một khoản phí khoảng 3 USD/ngày hoặc 60/tháng.
Ngoài ra, người dân cũng có có thể đỗ xe ở khu vực ngoại ô thành phố với chi phí 10 USD/tháng và đón xe vào CBD với giá 0,5 USD/chiều. Việc tính phí này áp dụng cho tới khi Singapore triển khai hệ thống hệ thống thu phí đường bộ điện tử (gọi tắt là ERP) vào năm 1998.
Singapore là quốc gia tiên phong trong việc thí điểm và thực hiện việc thu phí vào nội đô
Theo đó, các phương tiện lắp đặt thiết bị thu phí (IUs) và nạp trước thẻ tiền mặt. Khi di chuyển qua hệ thống ERP, thẻ sẽ tự động bị trừ tiền mà các phương tiện không cần dừng lại hay giảm tốc độ. Một trung tâm điều khiển hoạt động 24/7 sẽ đảm bảo việc vận hành trơn tru, thu phí tùy theo mật độ, loại xe, thời gian và nút giao thông.
Thủ đô London của Anh theo chân Singapore áp dụng thu phí vào nội đô từ năm 2003 nhằm giải quyết nạn tắc đường ngày một trầm trọng. Các phương tiện khi đi vào “vùng thu phí” từ 7h đến 18h từ thứ 2 đến thứ 6 sẽ phải chịu một khoản phí lên tới 11,5 Bảng (vào năm 2003 là 5 Bảng). Cư dân sống trong khu vực này đáp ứng đủ một số điều kiện sẽ được giảm 90% tiền phí. Việc thanh toán phí được dựa trên công nghệ nhân dạng biển số xe tự động, trong đó camera sẽ quét các xe đi vào vùng thu phí và tự động tính phí cho lái xe.
Thủ đô London của Anh theo chân Singapore áp dụng thu phí vào nội đô từ năm 2003 nhằm giải quyết nạn tắc đường ngày một trầm trọng
Sau khi áp dụng thu phí vào nội đô, những con số thống kê ở London đã có những tín hiệu rất tích cực. Trong vòng một năm đầu tiên, việc ùn tắc đã giảm 30%, tốc độ trung bình của xe trong vùng thu phí đã lên 10 dặm/giờ thay vì 8,8 dặm/giờ. Trong 10 năm, khoản phí thu được đã lên tới con số 2,6 tỷ Bảng. Số tiền này sau đó được đầu tư để phát triển giao thông công cộng, cải thiện hệ thống đường sá, đầu tư cho chiến dịch khuyến khích cho người dân đi bộ và đi xe đạp.
Ngoài ra chất lượng không khí ở London cũng được cải thiện đáng kể, khi lượng khí nitơ đã giảm 12%.
Sau Singapore, các thành phố lớn khác như Stockholm (Thụy Điển), Milan (Italy) hay New York (Mỹ) cũng bắt đầu áp dụng việc thu phí này. Ở Stockholm, việc thu phí đi vào nội đô bắt đầu từ năm 2007, với mức phí dao động ở nhiều mức trong cả ngày, trong đó các khung giờ cao điểm là 7h đến 9h và 16h đến 17h30 bị đánh phí cao nhất. Vào ban đêm, thành phố này không thu phí vào nội đô.
Ở Milan (Ý) việc áp dụng Ecopass – một hình thức thu phí vào nội đô đã được áp dụng vào năm 2008. Tuy nhiên, có khác với các thành phố khác, việc thu phí ở Milan nhằm giải quyết vấn đề môi trường hơn là tắc nghẽn. Những phương tiện nào phát ra khí tải cao sẽ bị tính phí khi đi vào Khu vực giới hạn lưu lượng (ZTL). Những chiếc xe cổ, có khả năng gây ô nhiễm lớn sẽ bị cấm hoàn toàn.
Sau Singapore, các thành phố lớn khác như Stockholm (Thụy Điển), Milan (Italy) hay New York (Mỹ) cũng đã tiến hành thu phí nội độ
Vào năm 2012, Ecopass đã được mở rộng thành chương trình có tên Milan Area C. Đây là khoản phí chống tắc nghẽn dành cho tất cả các loại xe khi đi vào trung tâm thành phố. Khoản tiền thu được được thành phố đầu tư cho các dự án giảm ô nhiễm không khí, bao gồm cả việc phát triển giao thông công cộng.
Ở New York (Mỹ), kế hoạch cho việc thu phí vào nội đô mới được thông qua vào tháng 3/2019. Theo đó taxi và xe cho thuê sẽ phải trả một khoản phí là 2,75 USD khi vào khu vực Manhattan. Dự kiến, việc áp dụng chính sách này sớm nhất là vào cuối năm nay hoặc năm sau. Doanh thu từ loại phí này ước tính khoảng 1 tỷ USD/năm. Chính quyền thành phố cho hay sẽ dùng khoản tiền này đã đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông công cộng.
Kinh nghiệm từ các nước
Việc thu phí ở nội đô đã được thực hiện ở một số quốc gia với nhiều khác biệt. Từ việc nghiên cứu, các chuyên gia khuyến nghị một số vấn đề cho các quốc gia bắt đầu triển khai loại phí này.
1. Giá cho giờ cao điểm: Phí vào nội đô sẽ dao động trong cả ngày dựa trên mức độ lưu lượng. Ví dụ, phí sẽ rất cao vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều tối các ngày trong tuần và nên được hạ xuống vào cuối tuần, các giờ trưa, sáng sớm hoặc tối muộn. Đây là mô hình đang được áp dụng ở Stockholm thay cho mức phí cố định như ở London.
Tùy vào thực tế, các thành phố áp dụng việc thu phí vào nội đô với nhiều khác biệt
2. Tái đầu tư vào phương tiện công cộng: Khoản phí thu được sau khi trừ đi chi phí quản lý nên được dành đầu tư cho giao thông công cộng. Việc này có tác dụng kép trong việc giảm tắc nghẽn. Nhiều người sẽ được khuyến khi đi xe bus, metro… Qua đó, cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm mô trường.
3. Có chính sách cho những người thu nhập thấp: Có một thực tế là những người nghèo, có thu nhập thấp thường sống xa trung tâm thành phố, khó tiếp cận giao thông công cộng hoặc có đi được thì cũng rất không thuận tiện. Những người này cũng phải vào trung tâm để mưu sinh, làm việc. Việc trả loại phí này sẽ trở thành gánh nặng với họ. Ví thế chính quyền phải tính đến việc một phần khoản phí thu được sẽ nhằm hỗ trợ cộng đồng thu nhập thấp.
Xe cấp cứu nên được miễn trừ phí vào nội đô
4. Miễn trừ: Các phương tiện như xe cấp cứu và xe bus nên được miễn trừ. Ngoài ra cũng cần có những quy định rất cụ thể về những đối tượng không phải trả phí cho phù hợp.
5. Ngoài ra các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc bổ sung các chính sách để khuyến khích những người có tổng mức phí đóng hàng năm giảm, hoặc tính lũy kế, cộng với con số lạm phát để người dân phải có giải pháp thay thế việc lái xe mỗi ngày.