Từ 15/11: Tổ chức nhậu tại cơ quan, sếp trưởng có thể bị phạt đến 5.000.000 đồng

28/09/2020 11:33 AM | Xã hội

Đây là thông tin được ông Trần Ngọc Duy, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết tại hội nghị triển khai các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia diễn ra vào sáng nay 28/9.

Theo đó, tại Nghị định  số 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 28/9 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (thay thế nghị định 176) .

Trong đó, tại nghị định số 117 có một phần quy định về phòng chống tác hại rượu bia.

Trong đó, tại điều 30 quy định:

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200- 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia.

Phạt tiền từ 500- 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia.

Phạt tiền từ 1.000.000- 3.000.000 đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; Ép buộc người khác uống rượu bia.

Ngoài ra, tại Điều 34 dự thảo Nghị định cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo đó, dự thảo nghị định nêu rõ phạt tiền từ 3.000. 000 đến 5.000.000 đồng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu:

Không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia trong cơ quan, tổ chức;

Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức;

Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành;

Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống, không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết các bằng chứng khoa học đã chỉ ra tác hại của rượu bia như: gây chấn thương do tai nạn giao thông… hay một số tác hại lâu dài về sau như ung thư, tim mạch, xơ gan, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng bia rượu.

Về tác hại của rượu, bia đối với xã hội làm suy giảm nhân lực, phá vỡ mối quan hệ gia đình và xã hội…

“Do ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng, nên bia, rượu ở nước ngoài là loại hàng hoá ở hầu hết quốc gia kiểm soát chặt chẽ không khuyến khích tiêu dùng”, thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam năm 2018 cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Ước tính trung bình mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn so với người Trung Quốc và cao gấp 4 lần so với người Singapore.

Sử dụng rượu, bia là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam, được coi là phương tiện giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, việc gia tăng tiêu thụ rượu, bia như hiện nay đồng nghĩa với hao tổn nhiều về sức khỏe, tiền bạc và những hệ lụy khác do sử dụng rượu bia đem lại như: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự,...

Các bằng chứng khoa học chứng minh: rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD 10, là một trong bốn yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới đối với công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

N.Huyền

Cùng chuyên mục
XEM