Phía sau việc Vinamilk, Vingroup soán ngôi Samsung trong Top 10 thương hiệu được yêu thích nhất ở Việt Nam
Lần đầu tiên trong Top 10 có nhiều thương hiệu trong nước hơn các thương hiệu quốc tế. Samsung cũng đã bị Vinamilk và Vingroup soán ngôi vị đầu bảng.
Bảng xếp hạng do Campaign Asia-Pacific và Nielsen phối hợp thực hiện, yêu cầu người trả lời lựa chọn thương hiệu hàng đầu có hoạt động tại Việt Nam, có danh tiếng tốt nhất và gây được tiếng vang lớn nhất với người Việt Nam. Đây là một phần của Bảng xếp hạng 1000 thương hiệu mạnh nhất châu Á.
Theo Campaign Asia-Pacific, người tiêu dùng đang lựa chọn ủng hộ các công ty đã hỗ trợ đắc lực cho xã hội trong dịch Covid-19. Các thương hiệu này vẫn tiếp tục phát triển và liên tục được truyền thông nhắc đến vì những đóng góp cho cộng đồng kể cả trong thời gian gặp khó khăn về tài chính.
Lần đầu tiên trong Top 10 có nhiều thương hiệu trong nước hơn các thương hiệu quốc tế. Samsung đã bị Vinamilk và Vingroup soán ngôi vị đầu bảng.
Trong suốt nhiều năm, các thương hiệu quốc tế đã được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá là có sản phẩm chất lượng cao hơn. Những thương hiệu này luôn đứng đầu bảng xếp hạng của Việt Nam.
Năm 2019, tỷ trọng giữa các thương hiệu quốc tế và địa phương đã cân bằng trong bảng xếp hạng. Đến năm 2020, các thương hiệu địa phương đã vượt lên trên, trong khi các thương hiệu toàn cầu lại bị tụt hạng.
Bảng xếp hạng Top 10 thương hiệu hàng đầu có hoạt động tại Việt Nam
Samsung hiện đứng ở vị trí thứ 3 sau Vinamilk và Vingroup. Apple tụt 4 bậc xuống vị trí thứ 7, trong khi Trung Quốc Oppo tụt 16 bậc để rơi khỏi top 10. Oppo mới lọt top 10 lần duy nhất vào năm ngoái.
Chandler Nguyen, Phó chủ tịch kiêm Trưởng nhóm hiệu suất Google toàn cầu tại Essence, cho biết các nhà sản xuất điện thoại thông minh địa phương như VSmart của Vingroup đang bắt đầu thu hút người tiêu dùng.
Chỉ trong 17 tháng hoạt động, VSmart đã vươn lên trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ ba cả nước, sau Samsung và Oppo, với 16,7% thị phần. VinSmart, sở hữu 12 mẫu điện thoại, tuyên bố đã bán được hơn 1,2 triệu chiếc kể từ khi ra mắt và là một trong những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh tại Việt Nam.
"Người tiêu dùng địa phương thường cho rằng các thương hiệu nước ngoài có chất lượng cao hơn, đặc biệt với hàng điện tử, nhưng họ cũng chú ý đến lòng tự hào dân tộc và ưu tiên hàng nội địa khi chất lượng và giá trị sản phẩm đã được xác định rõ ràng minh bạch", ông Chandler Nguyen lưu ý.
Các chuyên gia thương hiệu tại Việt Nam cho rằng Covid-19 là một yếu tố quyết định khiến bảng xếp hạng các thương hiệu mạnh nhất của Việt Nam có sự thay đổi. Cuộc khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 21/2 đến ngày 19/3 năm 2020.
Trong khi các thương hiệu địa phương hàng đầu nỗ lực cứu trợ, các thương hiệu quốc tế lại mờ nhạt về trách nhiệm xã hội, đồng thời tạm dừng đầu tư quảng cáo ở hầu hết các thị trường trong quý 1/2020, dẫn đến giảm tần suất xuất hiện.
"Sự sụt giảm nhẹ của Samsung trong bảng xếp hạng các thương hiệu hàng đầu năm 2020 có thể là do tần suất xuất hiện và các hoạt động quảng cáo giảm", ông Chandler Nguyen lưu ý.
Trung Nguyên tăng một bậc, trong khi Kinh Đô lần đầu tiên lọt top 10. Bia Hà Nội rơi khỏi top 10, từ vị trí thứ 9 xuống 26. Ngành bia của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và Nghị định 100, đẩy doanh số bán hàng xuống mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây.