TSMC chính thức dừng sản xuất chip cho Huawei, nguy cơ xảy 'chiến tranh lạnh 2.0' giữa Mỹ và Trung Quốc

18/05/2020 15:56 PM | Kinh doanh

TSMC rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” giữa căng thẳng Washington - Bắc Kinh.

TSMC - Công ty sản xuất chip bán dẫn Đài Loan, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã tạm dừng các đơn đặt hàng mới từ Huawei Technologies. Đây được coi là hành động nhằm đáp ứng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ của Hoa Kỳ để hạn chế việc tiếp cận nguồn cung cấp chip bán dẫn quan trọng của công ty Trung Quốc.

Nguồn tin cho biết: "TSMC đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới từ Huawei sau khi các thay đổi mới được đưa ra nhằm tuân thủ đầy đủ quy định kiểm soát xuất khẩu mới nhất từ phía Mỹ. Những sản phẩm đã được sản xuất và những đơn đặt hàng mà TSMC đã nhận trước khi có lệnh cấm mới không bị ảnh hưởng và có thể tiếp tục tiến hành giao hàng đến giữa tháng 9."

Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố vào thứ sáu vừa rồi rằng tất cả các nhà sản xuất chip công nghệ không phải của Mỹ nhưng có sử dụng các thành phần linh kiện, bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ hoặc phần mềm thiết kế của Mỹ để sản xuất chip điện tử đều phải xin giấy phép trước khi chuyển chip cho Huawei.

Các chuyên gia trong ngành nhận định: "Đó là một quyết định khó khăn đối với TSMC vì Huawei là khách hàng lớn số 2 của công ty, nhưng nhà sản xuất chip bán dẫn buộc phải tuân theo các quy tắc của Hoa Kỳ". Huawei là khách hàng lớn thứ hai của TSMC chỉ sau Apple, chiếm 15-20% doanh thu hàng năm. Huawei cũng chiếm tới 20% doanh thu của SMIC, theo ước tính của Bernstein Research.

TSMC chính thức dừng sản xuất chip cho Huawei, nguy cơ xảy chiến tranh lạnh 2.0 giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1.

TSMC - Công ty sản xuất chip bán dẫn Đài Loan, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã tạm dừng các đơn đặt hàng mới từ Huawei Technologies.

Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai, phụ thuộc rất nhiều vào TSMC để sản xuất, thiết kế chip điện tử tiên tiến của mình - bao gồm tất cả các bộ xử lý di động được sử dụng trong điện thoại thông minh hàng đầu của Huawei.

Công ty TSMC Đài Loan, nơi sản xuất bộ xử lý trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn cho Huawei, trước nay được coi là huyết mạch sống còn của tập đoàn Trung Quốc trong quá trình chống lại áp lực của Mỹ kể từ khi Washington đưa nó vào danh sách đen thương mại tháng 5 năm ngoái. Chính mối quan hệ mật thiết này với Huawei đã đẩy công ty của Đài Loan rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” giữa căng thẳng Washington-Bắc Kinh.

Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn của Mỹ đã được công bố cùng ngày khi TSMC tiết lộ kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona, Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo coi đây là động thái "củng cố an ninh quốc gia Mỹ vào thời điểm Trung Quốc đang cố gắng thống trị công nghệ tiên tiến và kiểm soát các ngành công nghiệp quan trọng."

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm chủ nhật cho biết họ phản đối mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ của Hoa Kỳ và cho biết những hạn chế như vậy gây ra mối đe dọa lớn cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ Thương mại Trung Quốc yêu cầu Washington thu hồi các hạn chế mới và cảnh báo Bắc Kinh sẽ có những đòn đáp trả cần thiết nếu cần thiết.

TSMC chính thức dừng sản xuất chip cho Huawei, nguy cơ xảy chiến tranh lạnh 2.0 giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 2.

Bộ Thương mại Trung Quốc yêu cầu Washington thu hồi các hạn chế mới và cảnh báo Bắc Kinh sẽ có những đòn đáp trả cần thiết nếu cần thiết.

TSMC cho biết họ không tiết lộ chi tiết đơn đặt hàng của khách hàng và luôn tuân thủ luật pháp cũng như các quy định hiện hành. Công ty hiện đang nghiên cứu đánh giá tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới.

Cổ phiếu TSMC tại Đài Loan đã giảm hơn 2% trong phiên giao dịch sáng thứ hai, trong khi điểm chuẩn giảm xuống dưới 1%. Huawei trong khi đó cho biết họ sẽ đưa vấn đề này và cách giải quyết lệnh cấm của Hoa Kỳ tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh các nhà phân tích hàng năm vào chiều thứ hai.

Các hạn chế mới được thiết kế đặc biệt để nhắm vào các nhà cung cấp sản xuất chip bán dẫn hợp đồng cho Huawei. Những công ty bị ảnh hưởng thường nhận thiết kế chip bán dẫn từ bộ phận thiết kế của công ty HiSilicon Technologies và đưa chúng vào sản xuất.

Ngoài TSMC, công ty sản xuất chất bán dẫn quốc tế, nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu của Trung Quốc, lệnh cấm cũng áp đặt lên công ty sản xuất chip tần số vô tuyến Win Semiconductors. Win đóng vai trò quan trọng đối với Huawei, giúp công ty này cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Mỹ như Skyworks hay Qorvo, một chuyên gia pháp lý cho biết.

Harry Clark, chuyên gia luật thương mại có trụ sở tại Washington và giám đốc điều hành của công ty luật Hoa Kỳ Orrick, nói rằng các nhà sản xuất hợp đồng chip bên ngoài Hoa Kỳ sẽ phải xin giấy phép cho bất kỳ lô hàng nào sau 15/5. Nếu vi phạm những điều luật như vậy, công ty có thể phải chịu những hình phạt đáng kể do các cơ quan quản lý áp đặt.

Theo báo cáo của Nikkei Asian Review, Huawei đã chuẩn bị sẵn kịch bản cho những động thái như vậy của Hoa Kỳ kể từ cuối năm ngoái. Tập đoàn này đã tìm cách dự trữ chip điện tử liên quan và các thiết bị mạng, đặc biệt là thành phần cho các thiết bị viễn thông quan trọng và kinh doanh của nhà mạng.

TSMC chính thức dừng sản xuất chip cho Huawei, nguy cơ xảy chiến tranh lạnh 2.0 giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 3.

Nguy cơ xảy ra ‘chiến tranh lạnh 2.0’ đang gia tăng.

Công ty cũng đã tìm kiếm một loạt các nhà sản xuất thay thế khác, ví dụ như yêu cầu nhà sản xuất chip châu Âu STMicroelectronics, một nhà cung cấp lâu năm, cho phép tham gia cùng thiết kế và sản xuất chip điện tử. Tuy nhiên, những nỗ lực đó có thể không giải quyết được ngay lập tức tất cả các vấn đề cung cấp chip quan trọng của họ. Thiếu hụt đi nguồn cung quan trọng, Huawei khó có thể tiếp tục tung ra các công nghệ đẳng cấp thế giới.

"Luật đề xuất có khả năng ngăn chặn tiến bộ công nghệ của Huawei và dập tắt tham vọng chiếm lĩnh thị trường 5G của Trung Quốc", các nhà phân tích của Jefferies Equity Research cho biết. "Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ trả đũa nếu điều này xảy ra. Nguy cơ xảy ra ‘chiến tranh lạnh 2.0’ đang gia tăng."

Duy Thắng

Cùng chuyên mục
XEM