TS. Vũ Tiến Lộc: Ai bảo chăn trâu là khổ? Chúng ta có thể giàu lên bằng nông nghiệp... chứ cứ làm gia công thì không thể giàu
“Chúng ta có thể giàu lên bằng nông nghiệp. Chứ chỉ dệt may, điện tử…, cứ làm gia công thì chúng ta không thể giàu” – TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
“Tại sao Việt Nam không thể trở thành bếp ăn của thế giới?” là gợi ý của cha đẻ thuyết cạnh tranh Michael Porter dành cho Việt Nam.
Là bếp ăn của thế giới, tức ngành có lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam không phải là dệt may – ngành mà năm 2016 tăng trưởng không đạt như kỳ vọng do các đơn hàng từng là của Việt Nam đã về tay Lào, Myanmar, Bangladesh nhờ nguồn lao động giá rẻ hơn và thuế suất ưu đãi hơn; cũng không phải điện tử - ngành mà bao lâu nay Việt Nam vẫn chỉ làm công đoạn gia công cấp thấp.
“Nông nghiệp và du lịch chính là hai lĩnh vực chủ chốt để giúp Việt Nam thực sự trở thành bếp ăn của thế giới trong tương lai”, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết trong một hội thảo mới đây.
Tuy nhiên, nếu như ngành du lịch đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2015 thì sang năm 2016, ngành nông nghiệp lại chứng kiến sự sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2016, và tính cả năm 2016 thì chỉ tăng trưởng cầm chừng ở mức 0,72%.
Nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp đang có một điểm sáng, dù chưa thực sự bùng phát.
Theo chia sẻ của ông Lộc, trong các dự án khởi nghiệp của các em học sinh - sinh viên những năm gần đây tham dự các cuộc thi khởi nghiệp do VCCI tổ chức, các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn là dự án đoạt được giải thưởng cao nhất.
Trong Cuộc thi Khởi nghiệp 2016 do VCCI tổ chức mới đây, các Startup đoạt giải cao nhất cũng là các Startup làm nông như Gà cáy con, dự án Nấm tươi cười, Cá biển sạch, hệ thống vườn treo trồng rau sạch…
“Nông nghiệp, không chỉ là công nghệ cao mà còn là nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt nông nghiệp sinh thái - cộng sinh với ngành du lịch - sẽ trở thành một lĩnh vực đặc biệt tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, TS. Lộc nhấn mạnh.
“Tôi nhớ lại câu thơ chúng tôi thuộc từ ngày còn rất trẻ: Ai bảo chăn trâu là khổ. Giờ quay trở về nông thôn, làm nông nghiệp thì chúng ta chứng minh được rằng chăn trâu không khổ, mà chăn trâu là triển vọng của đất nước”.
“Tất nhiên, với nghĩa rộng là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đặc sản, nông nghiệp sinh thái, hay nông nghiệp công nghệ cao để chinh phục thị trường toàn cầu, chứ không phải một nền nông nghiệp “con trâu đi trước cái cày đi sau”...”.