Chưa năm nào, ngành Nông nghiệp lại nhiều cảm xúc đến thế!
Năm 2016, nông nghiệp phải chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu dẫn đến tăng trưởng âm 0,18% nhưng cũng trong năm Bính Thân này, lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu nông sản đạt mức cao kỷ lục vượt 32 tỷ USD.
Nỗi buồn của Bộ trưởng
Trong sự kiện tổng kết ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đứng lên chủ trì hội nghị.
Trong 30 phút chia sẻ với báo chí, người đứng đầu ngành Nông nghiệp đã có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ông không cầm giấy nhưng nắm tận tường tình hình của ngành 1 năm qua, đầy đủ và chuẩn xác đến từng con số.
Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường không giấu nổi nỗi buồn khi điểm lại những sự kiện nửa đầu năm 2016. Theo đó, Bính Thân là năm kỷ lục về thiên tai: đầu năm là trận rét lịch sử 50 năm ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc; rồi đến đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tiếp đến, đợt hạn mặn lịch sử 100 năm ở ĐBSCL đã khiến 10/13 tỉnh phải công bố thảm họa thiên tai khốc liệt.
Cũng từ tháng 10 cho đến những ngày cuối năm 2016, 5 đợt lũ lịch sử liên tiếp đã xảy ra tại 8 tỉnh Nam Trung bộ và một số tỉnh Tây Nguyên. Thiệt hại ước tính vào khoảng 39.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức thiệt hại bình quân của 5 năm qua.
Vừa nhậm chức “tư lệnh” ngành NN&PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã xuống tận địa bàn vùng lũ bàn tháo gỡ khó khăn.
“Bên cạnh thiên tai, sự cố môi trường biển xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung... cũng khiến ngành nông nghiệp lao đao, khốn đốn. Cũng vì thế, lần đầu tiên trong lịch sử, tăng trưởng ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 âm 0,18%, tương đương 397.400 tỷ đồng ”, Bộ trưởng Cường dịu giọng.
Cú lội ngược dòng của ngành Nông nghiệp
Thế nhưng, trong những ngày cận kề năm mới, Bộ trưởng cũng rất tự hào về những nỗ lực không mệt mỏi của bà con nông dân cũng như sự quan tâm từ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, ban ngành...
"Trong đó, đáng nói nhất là nông nghiệp đã lấy lại được đà tăng trưởng. GDP ngành ước tính đã tăng 1,2%, giá trị sản xuất tăng 1,44%. Thậm chí, xuất khẩu còn đạt kỷ lục 32,1 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD và vẫn duy trì được 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên.
Ngành thủy sản, đặc biệt là con tôm nước lợ tốc độ phát triển vượt trội, xuất khẩu tôm cả năm ước đạt 3,2 tỷ USD. Sản lượng thịt lợn cũng cao nhất từ trước đến nay với khoảng trên 30 triệu con, trong đó đàn giống chiếm khoảng 10%...
Đột phá trong năm 2016 là lần đầu tiên mặt hàng rau quả có kim ngạch xuất khẩu vượt lúa gạo, cán đích 2,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng chứng kiến sự vào cuộc của cả xã hội, các thành phần kinh tế, đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp…".
Nói đến đây, những nếp nhăn trên khuôn mặt Bộ trưởng Cường giãn ra. Một tràng pháo tay vang lên giòn giã tán thưởng của tất cả mọi người.
Có thể cảm nhận được cảm xúc tự hào của người đứng đầu ngành nông nghiệp và tất cả mọi người trong khán phòng. Chưa có bao giờ, một buổi tổng kết ngành lại nhiều cảm xúc đến thế.
“Tôi đánh giá cao những nỗ lực, phấn đầu này. Nó không chỉ làm tiền đề cho năm 2016 sắp qua đi mà còn cho cả giai đoạn tới khi thúc đẩy nhanh hơn tái cơ cấu, hướng tới nền nông nghiệp hội nhập, bền vững…”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Những kỳ tích mà ngành Nông nghiệp đạt được trong 6 tháng cuối năm không thể thiếu dấu ấn của vị tân Bộ trưởng ngành nông nghiệp - Nguyễn Xuân Cường.
Có thể thấy sự sâu sát của người đứng đầu ngành Nông nghiệp trong cơn bão số 1 vừa qua. Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, người vừa mới nhậm chức “tư lệnh” ngành NN&PTNT đã trực tiếp xuống 4 tỉnh có hậu quả nghiêm trọng để chỉ đạo công tác khắc phục, phục hồi sản xuất. Nhờ đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão này gây ra và vụ mùa đó, nước ta đã bội thu với năng suất 60-62 tạ/ha.
Dù công nhận những kỳ tích mà ngành Nông nghiệp đặt được trong thời gian vừa qua, song Bộ trưởng vẫn trăn trở nền nông nghiệp nước nhà vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, sản xuất manh mún với tổng số 13,8 triệu hộ và 78 triệu miếng ruộng.
“Chính vì thế, việc thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới đặt ra cấp bách nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất, đem lại đời sống ấm no… của khu vực nông thôn, nơi chiếm 70% diện tích và 46% lao động”, Bộ trưởng chia sẻ.
Kết thúc cuộc phát biểu, Bộ trưởng Cường đưa ra 2 nhiệm vụ lớn cho ngành năm 2017 là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu phấn đấu của toàn ngành năm 2017 là:
-Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt 2,5-2,8%;
-Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành đạt 3,0 - 3,2%;
-Kim ngạch xuất khẩu đạt 32,0 - 32,5 tỷ USD;
-Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%;
-Tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới đạt 28-30%.