TS. Vũ Đình Ánh: Tăng trưởng kinh tế quý I/2016 không thấp đâu! Là do năm ngoái "kê" quá cao

12/04/2016 21:39 PM | Kinh tế vĩ mô

Tăng trưởng kinh tế Quý 1 năm 2016 của Việt Nam không hề thấp. Chỉ số này chỉ thấp khi so sánh tương quan với mức tăng trưởng GDP Quý 1 năm 2015 – mức tăng trưởng mà tại thời điểm công bố chính thức, “Bộ trưởng choáng, Thống đốc giật mình, Phó Thủ tướng bất ngờ…”

Có rất nhiều chia sẻ kém tích cực về kinh tế vĩ mô của Việt Nam trước mức tăng trưởng GDP Quý 1 năm 2016 chỉ ở mức 5,46%. Các chuyên gia kinh tế, các tổ chức nước ngoài đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016.

Chỉ mới hôm qua, 11/4, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam từ 6,5% xuống còn 6,2% ngay trước thời điểm công bố chính thức báo cáo của đơn vị này.

“Tôi thì cho rằng không phải GDP Quý 1 năm 2016 tăng trưởng kém, mà do GDP quý 1 năm 2015 chúng ta đã “kê” quá cao!”, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, Viện Kinh tế Tài chính – Học viện Tài chính, nhận định.

Còn nhớ, mức tăng trưởng GDP Quý 1 năm 2015 trước đó được dự báo ở mức 5,6%. Nhưng tại kỳ họp Chính phủ, mức tăng trưởng GDP được công bố là 6,03% (sau sửa đổi thành mức 6,12%).

Mức tăng trưởng này, lãnh đạo Chính phủ lẫn các vị tư lệnh ngành đều không ngờ tới. Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Quang Vinh thừa nhận “choáng”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình “giật mình”, còn Phó Thủ tướng thời điểm đó là ông Vũ Văn Ninh cũng xác nhận “hơi bất ngờ”.

“Nếu lấy mức tăng trưởng 5,6% của Quý 1 năm ngoái để so sánh, thì mức tăng trưởng GDP Quý 1 năm nay ở mức 5,46% cũng không chênh lệch nhiều lắm”, TS. Ánh bình luận.

Cũng theo ông Ánh, tăng trưởng GDP năm ngoái đạt được mức 6,68%, thì khả năng cao năm nay cũng sẽ đạt được mức 6,7%.

Câu chuyện lạm phát – vấn đề được cho là đáng lo – theo ông Ánh, cũng tương tự như câu chuyện GDP. Nếu như GDP năm nay thấp là vì GDP năm ngoái “kê” cao quá, thì lạm phát năm nay có lên 4 - 5%, tuy là con số quá lớn so với mức lạm phát 0,63% năm ngoái, nhưng cũng không là vấn đề.

Đồng tình với ý kiến này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng lạm phát không phải câu chuyện đáng lo.

“Chỉ tiêu đánh giá lạm phát là làm sao mức tăng lạm phát thấp hơn tăng trưởng kinh tế. Như vậy là đạt yêu cầu”, ông Tuyển lý giải.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM