Trường nghề 'khát' sinh viên dù hàng nghìn cử nhân ĐH làm xe ôm, chạy bàn

01/07/2020 19:40 PM | Xã hội

Mùa tuyển sinh 2020 lại bắt đầu nhưng các trường nghề vẫn rất khó khăn trong việc chiêu mộ sinh viên, ngay cả với trường có cơ sở vật chất hiện đại, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao như Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), tình hình tuyển sinh tại những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiều khởi sắc nhưng không phải tất cả các trường nghề đều đã vượt qua khó khăn nguồn tuyển sinh.

Dù đã tham gia sớm các ngày hội tư vấn tuyển sinh cùng với nhiều trường ĐH, CĐ, nhưng nhiều trường nghề có lượng học viên chỉ đạt 10-30% chỉ tiêu trong suốt mùa tuyển sinh. Nhiều trường phải mở các khóa đào tạo ngắn hạn để hoạt động cầm chừng.

Trường nghề khát sinh viên dù hàng nghìn cử nhân ĐH làm xe ôm, chạy bàn - Ảnh 1.
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội thực hành với máy móc hiện đại.

"Năm 2019, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã cải tạo lại các hạng mục của nhà trường, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp,… để tìm kiếm những cơ hội học tập, cơ hội việc làm tốt nhất cho người học nhưng cố lắm nhà trường cũng chỉ tuyển đủ chỉ tiêu đề ra", ông Nguyễn Yên Thắng – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ.

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội được đầu tư rất đồng bộ, trang thiết bị hiện đại, các phòng học đều được tích hợp nhiều chức năng với mức đầu tư ban đầu hơn 400 tỷ đồng. Trường đào tạo một số ngành nghề trọng điểm như điện tử công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ và sửa chữa ô tô, kỹ thuật máy lạnh… Sinh viên một số ngành trọng điểm được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, tức là sinh viên được cấp 2 bằng của Việt Nam và nước ngoài.

Hiện nay nhà trường có những chương trình đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Cụ thể, với ngành cơ khí chế tạo hay sửa chữa ô tô, học phí của sinh viên sẽ do phía doanh nghiệp chi trả. Thậm chí, suốt 3 năm học sinh viên còn được nhận lương, nhận các chế độ lễ tết như người lao động.

Quá trình thực hành sẽ diễn ra tại nhà máy của doanh nghiệp, doanh nghiệp có xe đưa đón sinh viên từ trường đến địa điểm thực hành… Ra trường sinh viên sẽ được cấp bằng kỹ sư thực hành và được nhận ngay vào doanh nghiệp với mức lương từ 9-15 triệu đồng/tháng.

"Có những doanh nghiệp liên tục đến trường nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp về làm. Đó là những nhân lực chất lượng cao đã qua đào tạo, nhưng nhà trường phải thường xuyên từ chối vì không đủ số lượng sinh viên cung ứng cho doanh nghiệp. Tiềm năng là thế nhưng mùa tuyển sinh năm nào nhà trường cũng lâm vào tình trạng "khát" sinh viên.

Thế nhưng cũng có một nghịch lý là năm nào cũng vài nghìn cử nhân đại học thất nghiệp về đi chạy xe ôm, bán quần áo thuê, làm nhân viên chạy bàn duy trì cuộc sống. Có lẽ, chỉ khi nào người Việt bỏ được tâm lý "sính bằng đại học" thì lúc đó tuyển sinh trường nghề mới khởi sắc và mới hạn chế được lượng cử nhân đại học thất nghiệp", ông Nguyễn Yên Thắng cho biết.

Trường nghề khát sinh viên dù hàng nghìn cử nhân ĐH làm xe ôm, chạy bàn - Ảnh 2.
Sinh viên Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội có tỉ lệ việc làm cao sau khi ra trường.

Ông Nguyễn Yên Thắng cho biết thêm: "Năm 2020, công tác tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn hơn trước do không chủ động được thời gian tuyển sinh, bởi thời gian kết thúc năm học muộn hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thêm vào đó, các trường nghề rất khó khăn trong việc khi tiếp cận với dữ liệu học sinh".

Ông Thắng chia sẻ, để tư vấn hướng nghiệp từ sớm cho sinh viên nhà trường phải đến tận các trường THCS, THPT nhưng không phải đến trường nào cũng được chào đón.

"Có những thầy cô sau khi đi tư vấn hướng nghiệp về khóc với tôi và xin được từ chối công việc này vì quá trình về các trường phổ thông chúng tôi có "quà ra mắt" nhỏ quá nên hiệu trưởng lạnh nhạt, không tạo điều kiện hoặc có nơi thậm tệ hơn là cấm cửa.  "Quà ra mắt" to cho hiệu trưởng thì nhà trường lại không có kinh phí", ông Thắng kể lại.

Trong bối cảnh này, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội vẫn miệt mài đưa ra nhiều giải pháp như chủ động xây dựng thương hiệu từ chương trình đào tạo, xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp, tìm đầu ra cho người học với hi vọng học sinh sẽ tìm đến nhà trường.

Hoàng Thanh

Cùng chuyên mục
XEM