Trước tỷ phú Phạm Nhật Vượng, có 2 "đại gia" Việt đình đám cũng từng nuôi giấc mơ ô tô và đây là kết quả
Chế tạo ô tô là giấc mơ không dành cho kẻ ít tiền. Dù giấc mơ ấy có đẹp đẽ, to lớn đến đâu thì người trong cuộc, khi hết tiền, cũng buộc phải tỉnh lại.
Thông tin Vingroup khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại xã đảo Đồng Bài, Hải Phòng vẫn là tin tức được quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại.
Sự kiện này được dư luận trong nước cũng như quốc tế đặc biệt quan tâm. Giấc mơ ô tô vốn không phải là một giấc mơ "đại chúng" của các doanh nhân đất Việt, và càng trở nên xa xỉ hơn, tốn nhiều mồ hôi, nước mắt hơn với những ai dám mơ, như những gì Vinaxuki hay Thaco Trường Hải đã trải qua.
Vinaxuki và giấc mơ của “lão gàn” Bùi Ngọc Huyên
Vinaxuki (còn gọi là Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên) được thành lập vào tháng 4/2014, do ông Bùi Ngọc Huyên làm chủ tịch. Những năm đầu hoạt động, Vinaxuki chỉ nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất một số chủng loại xe tải, không đòi hỏi nhiều yêu cầu về công nghệ nên lãi cao.
Tại thời điểm hoàng kim, nhà máy sản xuất của Vinaxuki chạy hết công suất để xuất xưởng khoảng 60 xe mỗi ngày mà vẫn không đủ giao cho đại lý. Những sản phẩm lúc đó đã có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 40%, nhờ vậy hạ thấp được giá thành và tăng khả năng cạnh tranh so với xe nhập khẩu,
Tuy nhiên, muốn bắt kịp các nước trong khu vực nên ông Huyên nuôi giấc mơ sẽ chế tạo ra chiếc xe hơi "made in Vietnam". Năm 2008, Vinaxuki âm thầm tung ra thị trường mẫu xe 4 chỗ có cái tên khá phức tạp: Hafei HFJ. Vì không có nhiều khác biệt so với các mẫu xe đương thời, các bộ phận cấu thành lại không đồng nhất, gây khó khăn cho việc thay thế sửa chữa nên Hafei HFJ nhanh chóng biến mất như cái cách nó xuất hiện.
Mẫu xe Hafei HFJ của Vinaxuki.
Không từ bỏ, tại Vietnam Motor Show 2012, Vinaxuki tiếp tục cho trưng bày mẫu xe 4 chỗ VG, mà ở thời kỳ đó vẫn chưa được hoàn thiện, để lấy ý kiến người dùng. Ông Bùi Ngọc Huyên cũng liên tục khẳng định với báo giới Vinaxuki làm được xe hơi và VG sẽ là một chiếc xe “made in Viet Nam”.
Như nhiều chuyên gia nhận định, sản xuất xe hơi chỉ dành cho những kẻ trường vốn. Việc bước chân lĩnh vực này tiêu tốn của Vinaxuki nguồn vốn rất lớn trong khi sản phẩm mới chưa thể đem lại doanh thu.
Ông Huyên đã đem nhiều tài sản như nhà máy, quyền sử dụng đất cho đến các dây chuyền lắp ráp,... đi cầm cố ngân hàng để có nguồn vốn hoạt động. Tiền cạn, Vinaxuki phải bán nhà máy sản xuất để trả nợ còn chiếc xe “Made in Vietnam” vẫn chưa hoàn thiện.
Chủ tịch Trường Hải Trần Bá Dương nói "không" với sản xuất ô tô con thương hiệu Việt
Thành lập từ năm 1997, đến nay Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) đã có kinh nghiệm 20 năm trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Năm 2014, 2015 Trường Hải là doanh nghiệp đứng đầu thị trường trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô (theo bảng xếp hạng của hiệp hội Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA).
Có kinh nghiệm, có chỗ đứng nhưng khác với Vinaxuki, Trường Hải chưa bao giờ “nuôi mộng” sản xuất một dòng ô tô du lịch của riêng mình.
Đến nay công ty mới cho ra đời hai thương hiệu riêng là Thaco tải (với tỷ lệ nội địa hóa 40%) và Thaco bus (tỷ lệ nội địa hóa đạt 60%). Trong mảng xe con, Trường Hải tập trung hợp tác cùng các thương hiệu ngoại để sản xuất, phân phối dòng xe Kia, Mazda và Peugeot (tỷ lệ nội địa hóa 18%).
Mẫu xe bus của Thaco.
Nếu nói về năng lực, ông Trần Bá Dương, chủ tịch Trường Hải cho biết họ hoàn toàn có thể sản xuất xe con thương hiệu Việt với tỷ lệ nội địa hóa trên 40%. Công ty cũng đã phát triển công nghiệp phụ trợ để cho ra đời các sản phẩm đơn giản như thùng xe, thùng xe, thép, chassis, ghế, giường nằm, cản xe, kính xe, nhíp xe tải, dây điện…
Thế nhưng, Trường Hải chưa bao giờ nghĩ đến “giấc mộng” ô tô con, vì như ông Dương đã từng giải thích với truyền thông, dù sản xuất thì “chắc chắn những chiếc xe đó của tôi sẽ không bán được, khi các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế, chất lượng khó lòng mà cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế, vốn đã có cả trăm năm phát triển mạnh mẽ”.
Ông lấy dẫn chứng cho thấy Thái Lan là một trung tâm ô tô của châu Á, được ví như Detroit của Đông Nam Á, nhưng không có thương hiệu ô tô Thái Lan nào. Công nghiệp ô tô Thái Lan cũng chỉ toàn sản xuất, lắp ráp xe Toyota, Ford, Honda hay Mazda. Còn với thương hiệu Angkor của Campuchia, họ chỉ mua linh kiện từ Trung Quốc về rồi lắp ráp, sau đó gắn thương hiệu vào.
“Mỗi chiếc xe xuất xưởng có tỷ lệ linh kiện cao do chúng ta sản xuất, thế là thành công. Một chiếc xe sản xuất tại Việt Nam mà đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên là đạt yêu cầu, đâu nhất thiết cứ phải là ô tô thương hiệu Việt.”.
Từ tầm nhìn này, Trường Hải giữ vững mục tiêu tiếp tục phát triển cộng nghiệp phụ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tiến tời xuất khẩu ngược sang các nước trong khu vực ASEAN. Họ không nuôi mộng ô tô “made in Vietnam”, và cũng không chịu kết cục buồn như Vinaxuki.
Vingroup sẽ viết tiếp giấc mơ dang dở?
Câu chuyện thất bại của Vinaxuki hay hướng đi khôn khéo của Trường Hải khiến không ít người nghĩ rằng giấc mơ về một thương hiệu ô tô Việt, giá Việt đã quá xa vời. Nhưng một lần nữa, giấc mơ ấy trở nên gần hơn khi Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn số 5 Việt Nam, quyết định bước chân vào lĩnh vực sản xuất ô tô bằng việc thành lập tổ hợp sản xuất Vinfast.
Quyết định táo bạo này có sự hỗ trợ vững chắc về vốn nhờ khoản vay cam kết 800 triệu USD từ ngân hàng đầu tư Credit Suisse AG của Thụy Sỹ. Lãnh đạo tập đoàn cũng cho biết đã ký hợp đồng hợp tác đã ký hợp đồng hợp tác với những “ông lớn” chuyên về dây chuyển sản xuất, hệ thống động cơ xăng như Boston Consulting Group, Magna Steyr, AVL (nổi tiếng về động cơ ô tô của Áo), Durr (nổi tiếng về đầu máy và công trình nhà máy của Đức)…studio thiết kế xe hàng đầu thế giới của Ý như Pininfarina, Zagat, Torino Design…
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia công nghệ của các hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như BMW (Đức), General Motors (Mỹ), Bosch (Đức)… đã đồng ý về làm việc cho Vinfast.
Từ những cơ sở trên, người Việt có quyền tin tưởng vào sự thành công của Vinfast, như cách tập đoàn này đã từng thành công với 6 mảng kinh doanh trước đây: bất động sản (Vinhome), du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl), giáo dục (Vinschool), y tế (Vinmex), nông nghiệp (VinEco), bán lẻ (Vinmart).
“Người hùng thất thế” Bùi Ngọc Huyên, trong một chia sẻ gần đây với báo chí, đã thay lời của rất nhiều người Việt: “Tôi tin họ sẽ thắng lợi thôi và nên ủng hộ Việt Nam làm những việc như thế".