Trung Quốc xây khách sạn 13 tầng dành cho... lợn vì sợ bị nhiễm virus: Có dịch vụ thú y tại chỗ, bữa ăn được chuẩn bị cẩn thận

02/08/2021 16:13 PM | Kinh doanh

Xây khách sạn là cách Trung Quốc bảo vệ những con lợn – nguồn cung cấp thịt chính tại quốc gia này khỏi các loại virus.

13 tầng là chiều cao của một tòa nhà mới xây ở miền nam Trung Quốc, nơi hơn 10.000 con lợn được nuôi trong những chiếc chuồng giống căn hộ chung cư mini với lối ra vào được kiểm soát chặt chẽ, camera an ninh, dịch vụ thú y tại chỗ và các bữa ăn được chuẩn bị cẩn thận.

Đây là cách Trung Quốc bảo vệ những con lợn – nguồn cung cấp thịt chính tại quốc gia này khỏi các loại virus. 2 năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã xóa sổ một nửa số lượng lợn của Trung Quốc.

Được gọi là "khách sạn dành cho lợn", các trang trại thẳng đứng khổng lồ này được xây dựng bởi nhiều công ty, trong đó có Muyuan Foods và New Hope Group. Họ áp dụng biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mà các nhà cung ứng ở những quốc gia khác sử dụng để ngăn chặn dịch bệnh chết chóc.

Trung Quốc xây khách sạn 13 tầng dành cho... lợn vì sợ bị nhiễm virus: Có dịch vụ thú y tại chỗ, bữa ăn được chuẩn bị cẩn thận - Ảnh 1.

Rupert Claxton, giám đốc công ty tư vấn Gira nhận định rằng Trung Quốc đang sao chép những phương pháp tốt nhất ở châu Âu và Mỹ để thu hẹp khoảng cách về an ninh sinh học. "Trong 20 năm, họ đã làm được điều mà Mỹ phải mất 100 năm mới thực hiện được", ông nhận xét.

Năm 2018, dịch tả lợn châu Phi – khiến những con lợn tương tự đại dịch Ebola ở người, đã bùng phát dữ dội ở Trung Quốc. Chỉ trong 1 năm, khoảng một nửa đàn lợn hơn 400 triệu con của Trung Quốc đã bị xóa sổ. Con số này lớn hơn tổng sản lượng hàng năm của Mỹ và Brazil cộng lại, dẫn đến việc giá cả tăng vọt và Trung Quốc phải nhập khẩu lượng thịt lợn chưa từng có.

An ninh lương thực được Trung Quốc coi là ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 8 năm, chính phủ nước này đã phải mở kho dự trữ thịt đông lạnh khẩn cấp để hạ nhiệt thị trường. Đồng thời, họ đã tung ra các chính sách nông nghiệp mới để chuyển dịch sang sản xuất quy mô lớn, thay thế cho trang trại nuôi lợn truyền thống.

Hiện tại, sản lượng lợn trong nước đã phục hồi nhanh hơn dự báo do các "siêu trang trại" mở rộng quy mô và công suất quá nhanh. Giá thịt lợn bán buôn giảm mạnh đến nỗi chính phủ lại mua vào kho dự trữ.

Tuy nhiên, mối đe dọa từ virus vẫn tồn tại. Từ đầu năm đến nay, 11 ổ dịch đã được ghi nhận, khiến hơn 2.000 con lợn bị tiêu hủy. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết chủng mới gây ra triệu chứng ban đầu nhẹ hơn và có thời gian ủ bệnh lâu hơn. Điều này làm cho công tác phát hiện và xử lý dịch bệnh bị ảnh hưởng.

Ở các nước phát triển, ngành chăn nuôi lợn do các trang trại lớn trong tay một số công ty thống trị. Thực trạng trên đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua ở Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan – những quốc gia có tiêu chuẩn về an ninh sinh học tốt nhất thế giới và chưa ghi nhận đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi nào trong vài năm trở lại đây.

Những khu phức hợp nuôi lợn siêu lớn và hiện đại ngày nay là trụ cột quan trọng trong an ninh lương thực của Trung Quốc. Tính đến năm 2020, 57% sản lượng lợn của nước này đến từ các trang trại cung cấp hơn 500 con mỗi năm. Trước dịch tả lợn, tỷ lệ trên chỉ là 1%.

Mới đây, tập đoàn New Hope đã hoàn thiện 3 tòa nhà 5 tầng trên diện tích bằng 20 sân bóng đá, ở quận Pinggu (phía đông Bắc Kinh). Cơ sở này dự kiến đạt công suất tối đa là 120.000 con lợn/năm và trở thành cơ sở lớn nhất tại khu vực Bắc Kinh.

Nhà máy được trang bị robot theo dõi nhiệt độ, máy lọc không khí, hệ thống cho ăn và khử trùng tự động. Nhân viên được yêu cầu tắm và thay quần áo trước khi ra vào nhà máy – giống các nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học. Thiết bị đeo tay cũng phải để lại ở bên ngoài. Thậm chí, một số siêu trang trại còn xây ký túc xá để hạn chế nhân viên tiếp xúc với bên ngoài.

Trung Quốc xây khách sạn 13 tầng dành cho... lợn vì sợ bị nhiễm virus: Có dịch vụ thú y tại chỗ, bữa ăn được chuẩn bị cẩn thận - Ảnh 2.

Mở rộng trang trại theo chiều dọc là lựa chọn phổ biến ở những quốc gia thiếu không gian. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã làm giảm diện tích đất dành cho nông nghiệp. Ngoài ra, quy định về môi trường cũng khiến hoạt động chăn nuôi ngày càng trở nên khó khăn ở các vùng đô thị.

New Hope cho biết trang trại cao tầng có thể cắt giảm 1/3 diện tích sử dụng đất so với trang trại truyền thống. Nước thải từ nhà máy ở Pinggu sẽ được xử lý và dùng để tưới cho các vườn cây ăn quả gần đó trong khi chất thải rắn được xử lý thành phân bón.

Sự gia tăng của các trang trại nuôi lợn quy mô lớn cũng phản ánh sự thay đổi trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc. Nếu như cách đây vài chục năm, nước này tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo thì giờ đây sự phát triển kinh tế nhanh chóng và thu nhập cải thiện đồng nghĩa với việc 1,4 tỷ người Trung Quốc đang tiêu thị nhiều thịt, trứng và các loại đạm động vật khác nhiều hơn.

Nguồn: Bloomberg

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM