Trung Quốc: Từ "thiên đường hàng hóa sao chép" đến trung tâm sáng tạo của thế giới
Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc chính là những “con rồng ẩn mình”, giúp thúc đẩy sự cải tiến công nghệ của nước này.
Xưa nay, vì thấm đẫm tư tưởng truyền thống, Trung Quốc vẫn là một quốc gia mang nặng tư tưởng coi trọng sự rập khuôn và xem nhẹ sáng tạo . Tư tưởng trên giúp phần nào giải thích tại sao Trung Quốc lại là một nước tụt hậu về mặt sáng tạo. Nhiều công ty Trung Quốc chỉ là những kẻ sao chép, không thể hoặc không muốn nghĩ ra những ý tưởng, sản phẩm và dịch vụ đi trước thế giới. Hệ thống luật pháp của Trung Quốc cũng tỏ ra thiếu hiệu quả trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài. Tình trạng trên còn trở nên tồi tệ hơn do tư duy kinh doanh dựa dẫm vào nhà nước và hệ thống giáo dục chú trọng vào học vẹt.
Đúng là thị trường Trung Quốc đang tràn ngập các sản phẩm nhái của túi Gucci, đồ chơi Peppa Pig và điện thoại Apple. Jack Ma, ông chủ của Alibaba, hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đã bị chỉ trích là dung túng cho hàng giả trên hệ thống website của mình. Tháng 6 vừa qua, ông đã phải hứng chịu một cơn bão dư luận sau khi đưa ra phát biểu gây sốc thế này: “Hàng giả ngày nay có chất lượng tốt hơn và giá cả phải chăng hơn hàng thật”. Cục sở hữu trí tuệ Bắc Kinh gần đây đã yêu cầu Apple ngừng bán một số dòng iPhone ở Bắc Kinh, sau khi có cáo buộc cho rằng hãng này đã sao chép thiết kế của một công ty Trung Quốc ít tên tuổi.
Nhưng có dấu hiệu cho thấy một Trung Quốc sáng tạo đang xuất hiện. Ở các lĩnh vực từ biến đổi gien cho đến dữ liệu lớn (big data) và mạng điện thoại di động 5G, các chuyên gia Trung Quốc hiện nằm trong hàng ngũ những người giỏi nhất thế giới. Sunway TaihuLight, siêu máy tính của Trung Quốc, được chế tạo hoàn toàn bằng các vi mạch nội địa, có tốc độ nhanh gấp 5 lần máy tính nhanh nhất nước Mỹ.
Nhiều công ty Trung Quốc cũng đang tích cực cải tiến mô hình kinh doanh. WeChat, một mạng xã hội và nền tảng thanh toán với 700 triệu người dùng tích cực mỗi tháng, đang được người dân Trung Quốc ưa chuộng hơn cả Facebook, Twitter và WhatsApp cộng lại.
Phần lớn doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tỏ ra chậm chạp, giống như nhiều công ty ở vùng công nghiệp nặng phía nam nước Mỹ. Nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty đẳng cấp thế giới đang xuất hiện ở Trung Quốc. Các học giả phương Tây đã viết hai cuốn sách về lý do và cách thức mà các doanh nghiệp tốt nhất Trung Quốc đang học cách cải tiến bản thân.
Những con rồng ẩn mình
Douglas Fuller là giáo sư của Đại học Chiết Giang - vùng duyên hải phía đông Trung Quốc trong nhiều thế kỷ đã sản sinh ra những doanh nhân tài ba nhất nước này (bao gồm Jack Ma). Trong cuốn sách mới của mình, ông đã chỉ ra khuyết điểm của chủ nghĩa tư bản nhà nước đang được áp dụng ở Trung Quốc. Bằng cách bơm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân “sân sau” và bảo vệ họ trước biến động thị trường và nguy cơ phá sản, nhà nước đã triệt tiêu động lực cải tiến công nghệ của những công ty trên.
Vậy thì ông giải thích thế nào về sự trỗi dậy của các công ty sáng tạo ở Trung Quốc? Fuller cho rằng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc chính là những “con rồng ẩn mình”, giúp thúc đẩy sự cải tiến công nghệ của nước này. Ông lập luận rằng những công ty tốt nhất chỉ được sở hữu một phần bởi Trung Quốc. Với các cấu trúc sở hữu hỗn hợp, họ có khả năng tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn và nhân tài bên ngoài đại lục.
Các start-up địa phương thường thiếu tiếp cận vốn ưu đãi so với doanh nghiệp nhà nước, và vì thế buộc phải quyên tiền từ các nhà đầu tư vốn mạo hiểm nước ngoài. Vì các nhà đầu tư nước ngoài thường đòi hỏi kỷ luật tài chính cao và quản trị doanh nghiệp tốt, những công ty này buộc phải nâng khả năng cạnh tranh của mình lên đẳng cấp thế giới. Những công ty như vậy cũng thu hút tài năng từ Hồng Kông hoặc Đài Loan, những người vừa am hiểu văn hóa Trung Quốc lại vừa nắm bắt được tiêu chuẩn toàn cầu.
Tạo ra một nhóm nhỏ các công ty ngôi sao là một chuyện, nhưng làm thế nào thị trường Trung Quốc có thể thực sự trở thành trung tâm sáng tạo của thế giới? George Yip và Bruce McKern, hai giáo sư thuộc Trường Kinh doanh Quốc tế Châu Âu Trung Quốc (CEIBS) tại Thượng Hải đã đưa ra giả thuyết táo bạo trên trong cuốn sách mới của mình. Họ chỉ ra rằng các tiến bộ công nghệ, mô hình kinh doanh mới và lượng khách hàng nội địa khổng lồ đang giúp tạo ra những công ty linh hoạt và sáng tạo nhất thế giới ở Trung Quốc.
Mặc dù những luận điểm trên còn cần phải xem xét thêm, các tác giả đã đúng khi cho rằng thị trường Trung Quốc đang giúp đẩy nhanh tốc độ sáng tạo. Người tiêu dùng Trung Quốc tỏ ra thích ứng nhanh với các xu hướng và công nghệ mới. Không giống như thị trường ở các nước đã phát triển, thị trường Trung Quốc khoan dung hơn với sai lầm, cho phép các công ty thử nghiệm, thất bại và học hỏi nhanh chóng.
Thị trường đại lục, với cả những khách hàng siêu giàu và bình dân đông đảo, là phong vũ biểu của các xu hướng toàn cầu. Sự đa dạng của một quốc gia có quy mô lớn như một lục địa buộc các công ty phải thích ứng thật nhanh với diễn biến thị trường. Yip và McKern gọi Trung Quốc là “lò ấp” các công ty đẳng cấp thế giới lớn nhất toàn cầu.
Còn những vấn đề nan giải về sở hữu trí tuệ thì sao? Các tác giả nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc đang trở nên nghiêm túc hơn với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Các tòa án sở hữu trí tuệ ở những thành phố lớn của Trung Quốc đang có đội ngũ thẩm phán và nhân sự được đào tạo bài bản. Trong khi đó, Apple đang kháng cáo chống lại phán quyết về iPhone của cục sở hữu trí truệ Bắc Kinh, và tiếp tục bán điện thoại ở Trung Quốc.
Đáng ngạc nhiên là chính quyền thành phố Thượng Hải vừa yêu cầu Han City, một trung tâm thương mại lớn chuyên bán hàng giả ở đây phải đóng cửa. Chính phủ Trung Quốc cũng đã tuyên bố “nỗ lực xây dựng hệ thống sỡ hữu trí tuệ hiệu quả, quốc gia sáng tạo và xã hội giàu mạnh”. Nếu họ làm đúng như cam kết, dẫu Khổng Tử có tái sinh cũng chẳng thể phàn nàn về hậu bối của mình.