Trung Quốc: Robot trỗi dậy, công nhân ra đường

09/06/2016 13:49 PM | Kinh tế vĩ mô

Năm 2014, Trung Quốc đã mua khoảng 56.000 robot công nghiệp trong tổng số 227.000 giao dịch trên toàn thế giới, tăng 56% so với năm trước. Đến năm 2015, con số này là 66.000 robot công nghiệp.

Vào tháng 5/2016 vừa qua, truyền thông đưa tin hãng sản xuất Foxconn, nổi tiếng với việc sản xuất thiết bị cho Apple đã quyết định thay thế 60.000 công nhân của mình bằng robot tự động. Tuy nhiên, hãng sản xuất này sau đó đã phủ nhận thông tin trên.

Dẫu vậy, thông tin này đã làm dấy lên một vấn đề gây tranh cãi tại Trung Quốc, nơi nhiều công ty sản xuất như Foxconn đặt nhà máy. Hiện các quan chức lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như mảng robot tự động, nhưng điều này có thể khiến cho lượng lớn công nhân nhà máy ở đây bị mất việc và tạo nên sự bất ổn kinh tế cho toàn đất nước.

Hàng trăm nghìn người sắp thất nghiệp

Mới đây, thành phố Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông-Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch tự động hóa hoàn toàn 80% số nhà máy tại đây.

Tuyên bố trên của thủ phủ Quảng Châu cũng như kỳ vọng của chính quyền Bắc Kinh cho thấy những người lao động cổ xanh, động lực bùng nổ kinh tế một thời của Trung Quốc, đang bị “thất sủng”.

Nguyên nhân chủ yếu là lực lượng lao động tại Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng đô thị hóa, chất lượng sống đi lên và văn hóa gia đình ngày nay đang khiến tỷ lệ sinh giảm mạnh. Hiện tỷ lệ sinh bình quân tại Trung Quốc thậm chí thấp hơn cả những nền kinh tế phát triển hơn như Mỹ.

Trong khi đó, tình trạng đô thị hóa quá nhanh đang đẩy nhiều lao động trở về quê làm ăn thay vì làm công nhân trong các nhà máy. Đồng thời với đó, việc mức lương bình quân cho công nhân tăng 12% mỗi năm kể từ năm 2001 khiến chi phí nhân công tại Trung Quốc không còn lợi thế.

Việc tập trung đầu tư cho công nghệ và robot có thể sa thải hàng trăm nghìn công nhân tại Trung Quốc. Tại thành phố Côn Sơn, một trung tâm sản xuất với những nhà máy của các hãng lớn như Foxconn, đang có sự chuyển mình rõ rệt về nguồn lực lao động.

Theo chính quyền thành phố, tính đến tháng 5/2016 đã có 35 nhà máy tại đây, bao gồm Foxconn chi tổng cộng 4 tỷ Nhân dân tệ cho robot và trí thông minh nhân tạo.

Riêng đối với Foxconn, nhà máy này đã giảm được khoảng 110.000 đến 50.000 lao động nhờ những cải tiến về tự động hóa và robot. Trước kết quả đó, khoảng 600 nhà máy lớn khác tại Côn Sơn cũng đang có kế hoạch dịch chuyển nhân lực sang máy móc.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương bào chữa rằng những khu công nghiệp công nghệ cao được xây mới sẽ đáp ứng được nguồn lao động dư thừa. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng những lao dộng bị sa thải phần lớn có trình độ thấp và khó có khả năng vào làm ở các khu công nghệ cao.

Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cho thấy việc lao động bị sa thải nhiều và công nghệ được áp dụng thậm chí khiến thu nhập của tầng lớp cổ xanh bị giảm mạnh do cung tăng cầu giảm. Tình trạng này không thể kéo các nhà máy quay lại Trung Quốc khi những thị trường có chi phí nhân công thấp hơn như Đông Nam Á đang hấp dẫn họ. Hậu quả là nhiều bất ổn về kinh tế, xã hội sẽ nảy sinh.

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã cam kết sẽ đào tạo lại tầng lớp lao động nhằm đáp ứng kịp sự phát triển công nghệ, nhưng như mọi khi, lời cam kết này không khiến các chuyên gia tin tưởng nhiều.

Một bong bóng thị trường mới

Gần đây, Trung Quốc đã mở mới hơn 40 khu công nghiệp có sử dụng robot tự động được tài trợ bởi ngân sách nhà nước. Riêng tại Thẩm Quyến, trung tâm công nghệ miền Nam Trung Quốc đã có hơn 3.000 doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất robot, tăng 200 công ty so với 2 năm trước đây.

Theo Tổ chức Các nước Công nghiệp Phát triển (OECD), chi tiêu ngân sách của Trung Quốc cho các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ cũng đạt 2,1% GDP năm 2014, tăng gấp đôi so với năm 2000 và chỉ thấp hơn so với mức chi tiêu bình quân cho công nghệ của những nước giàu.


Tỷ lệ sử dụng robot trên 1.000 công nhân tại ngành sản xuất ô tô (đỏ) và các ngành khác (xanh) tại các nước.

Tỷ lệ sử dụng robot trên 1.000 công nhân tại ngành sản xuất ô tô (đỏ) và các ngành khác (xanh) tại các nước.

Tổ chức OECD cũng dự báo nhiều khả năng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho R&D vào năm 2019.

Xét về lý thuyết, việc đầu tư trên là một dấu hiệu cho thấy kỳ vọng đổi mới nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là một tín hiệu nữa cho sự đầu tư bừa bãi của Trung Quốc và thổi bùng bong bóng trên nhiều thị trường, từ bất động sản đến chứng khoán, hàng hóa khi người dân dư thừa tiền.

Không giống như những vụ bong bóng trước đây, thị trường robot Trung Quốc ban đầu được thúc đẩy bởi nhu cầu thực tế. Việc những người lao động tại các nhà máy bỏ về quê ngày càng nhiều, chi phí lao động tăng cao khiến các nhà máy dịch chuyển sản xuất và nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất của Trung Quốc đang khiến nước này trở thành thị trường lớn nhất thế giới về robot.

Năm 2014, quốc gia này đã mua khoảng 56.000 robot công nghiệp trong tổng số 227.000 giao dịch trên toàn thế giới, tăng 56% so với năm trước. Đến năm 2015, con số này là 66.000 robot công nghiệp.


Giao dịch sản phẩm robot công nghiệp tại các nước

Giao dịch sản phẩm robot công nghiệp tại các nước

Mặc dù vậy, hầu hết những robot công nghiệp mà Trung Quốc mua là nhập khẩu và điều này chẳng thúc đẩy được gì nhiều cho công nghệ nước nhà. Vì vậy, từ đầu năm đến nay chính phủ của 77 tỉnh thành toàn quốc đã cố gắng thúc đẩy ngành công nghệ.

Riêng tại Thẩm Quyến, chính quyền tại đây đã phê duyệt khoản đầu tư 76 triệu USD hàng năm nhằm hỗ trợ ngành công nghệ công nghiệp. Con số này là 55 tỷ USD cho tỉnh Quảng Đông.

Bên cạnh đó, hàng loạt những khu công nghiệp muốn sử dụng công nghệ cao hoặc dịch chuyển khỏi nguồn nhân lực đấy biến động đều được các chính quyền địa phương ưu đãi.

Dẫu vậy, theo tờ Economic Observer, những lợi ích và nguồn vốn ưu đãi mà chính phủ Trung Quốc đầu tư dường như đang đi chệch hướng, tương tự những gì đã xảy ra trên thị trường bất động sản và chứng khoán.

Theo đó, nhiều công ty sản xuất không có kinh nghiệm hoặc ứng dụng rất ít công nghệ cao nhưng vẫn được nhận những hỗ trợ trên, đơn giản vì họ có mối quan hệ hoặc chính quyền địa phương muốn đạt thành tích với các con số ấn tượng.

Thậm chí, Economic Observer cho biết một công ty được gọi là doanh nghiệp “công nghệ cao” ở Nam Kinh có 65% lợi nhuận ròng đến từ các nguồn hỗ trợ cho đầu tư robot như trên trong năm 2015.

Hậu quả của tình trạng trên vô cùng rõ ràng. Đầu tư nhiều nhưng ngành công nghệ robot của Trung Quốc chẳng phát triển được mấy khi 95% số robot được bán tại Trung Quốc là sản phẩm sản xuất bởi nước ngoài. Thậm chí những con robot được sản xuất “nội địa” cũng chủ yếu dùng các thiết bị nhập khẩu.

Có lẽ chính quyền Bắc Kinh muốn tái hiện việc sản xuất smartphone trong ngành công nghệ cao một lần nữa, nhưng sản xuất robot tự động lại là một điều hoàn toàn khác. Theo Economic Observer, phần lớn các công ty mang chữ “robot” trên thương hiệu của họ hầu như không có doanh số trong mảng sản phẩm này.

Theo nhiều chuyên gia, bong bóng robot tự động ở Trung Quốc rồi sẽ xì hơi như bao thị trường khác. Tuy nhiên, điều cần thiết hiện nay không phải là hạn chế đầu tư công nghệ mà cần chọn hướng đầu tư cẩn trọng hơn.

Trong tuần trước, Chủ tịch Trung Quôc Tập Cận Bình đã tuyên bố tham vọng biến quốc gia này thành một nước có nền công nghệ sáng tạo nhất thế giới vào năm 2020, dẫn đầu sự tiến bộ công nghệ toàn cầu năm 2030 và chiếm vị thế chủ chốt về công nghệ năm 2049, kèm với đó là một loạt các chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ trong nước.

Mặc dù vậy, việc thay đổi cả một nền công nghệ không hề đơn giản cũng như tốn rất nhiều thời gian. Việc định ra thời hạn chót và bơm nhiều tài chính sẽ chẳng thể giải quyết được vấn đề mà chỉ làm tình hình phức tạp hơn.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM