Trung Quốc nhân bản thành công 'Tôn Ngộ Không': Kịch bản khỉ trỗi dậy thay thế con người liệu có thành hiện thực?

18/01/2024 14:30 PM | Xã hội

Sau siêu lợn và siêu bò, Trung Quốc đang tiến tới những loài động vật có cấu tạo gần giống với con người trong công nghệ nhân bản.

Trung Quốc nhân bản thành công 'Tôn Ngộ Không': Kịch bản khỉ trỗi dậy thay thế con người liệu có thành hiện thực? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa trong bộ phim "Sự trỗi dậy của hành tinh khỉ" (Rise of the Planet of the Apes)

Câu chuyện chú khỉ Tôn Ngộ Không sinh ra từ tảng đá trong truyện Tây Du Ký có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Thế nhưng theo hãng tin CNN, các nhà khoa học Trung Quốc có lẽ đang cố gắng hiện thực hóa chi tiết thú vị này bằng cách nhân bản khỉ trong phòng thí nghiệm thay vì từ một con khỉ cái.

Ngày 16/7/2020, chú khỉ Retro thuộc giống Rhesus đã được Trung Quốc nhân bản thành công và đang sống khỏe mạnh cho đến hiện tại. Đây được coi là thành công thứ 3 của Trung Quốc khi nhân bản loài khỉ nhằm tiến tới những thí nghiệm với các loài có cấu tạo gần gũi với con người.

Việc sản sinh những chú khỉ nhân tạo sẽ giúp Trung Quốc thực hiện các nghiên cứu y tế, ví dụ như vaccine lên cơ thể động vật có cấu tạo gần giống con người trước khi đưa vào thử nghiệm trên chính nhân loại.

Tuy nhiên, vấn đề này đang vấp phải tranh cãi dữ dội về đạo đức cũng như từ các nhà bảo vệ động vật.

Trung Quốc nhân bản thành công 'Tôn Ngộ Không': Kịch bản khỉ trỗi dậy thay thế con người liệu có thành hiện thực? - Ảnh 2.

Chú khỉ Retro

Năm 2011, bộ phim "Sự trỗi dậy của hành tinh khỉ" (Rise of the Planet of the Apes) đã làm bùng nổ các rạp chiếu, đồng thời dấy lên ý thức về các thí nghiệm trên loài động vật này.

Trong bộ phim, một công ty nghiên cứu thuốc chữa bệnh Alzheimer đã thử nghiệm lên những con tinh tinh, qua đó khiến chúng biến đổi và có được sự đột biến thông minh như con người.

Tồi tệ thay là sự đột biến này có khả năng lây lan như virus và tạo nên đại dịch khiến con người tử vong. Hậu quả là loài khỉ trỗi dậy như một giống nòi thông minh mới, cạnh tranh quyền thống trị trái đất với những nhân loại còn sót lại sau đại dịch.

Bước tiến đột phá

Quay trở lại câu chuyện, Retro là chú khỉ được nhân bản thành công thứ 3 của giới khoa học Trung Quốc. Một nhóm các nhà nghiên cứu nước này vào năm 2018 cũng đã tuyên bố nhân bản thành công 2 con khỉ Cynomolgus và chúng vẫn sống cho đến tận ngày nay.

"Chúng tôi đã nhân bản thành công loài khỉ Rhesus đầu tiên và sống khỏe mạnh được cho đến hiện nay. Đây là một bước tiến tưởng chừng như không thể thực hiện được dù hiệu quả của phương pháp này vẫn chưa thể so sánh được với tỷ lệ thụ tinh thông thường. Bởi vậy cho đến hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhân bản được ca thứ 2 của giống khỉ Rhesus", chuyên gia họ Lu của Phòng thí nghiệm quốc gia về phát triển phân tử và di truyền thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc cho hay.

Theo CNN, động vật có vú đầu tiên được nhân bản là chú cừu Dolly đã được tạo ra vào năm 1996 bằng cách sử dụng kỹ thuật chuyển nhân tế bào SCNY. Cụ thể, các nhà khoa học đã tái tạo một quả trứng chưa được thụ tinh bằng cách kết hợp nhân tế bào Somatic (không phải từ trứng hay tinh trùng) với một nhân bản tế bào trứng đã loại bỏ nhân.

Kể từ đó đến nay, các nhà khoa học đã ứng dụng kỹ thuật nhân bản này lên nhiều động vật có vú khác như lợn, bò, ngựa, chó...nhưng tỷ lệ thành công rất thấp hoặc mẫu vật tử vong trong những năm đầu.

Trung Quốc nhân bản thành công 'Tôn Ngộ Không': Kịch bản khỉ trỗi dậy thay thế con người liệu có thành hiện thực? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa trong bộ phim "Sự trỗi dậy của hành tinh khỉ" (Rise of the Planet of the Apes)

Với chú khỉ Retro, các chuyên gia Trung Quốc đã áp dụng kỹ thuật cải tiến từ SCNT trong nghiên cứu với loài Rhesus.

Sau hàng trăm thất bại với công nghệ SCNT cũ, nhóm khoa học Trung Quốc đã áp dụng công nghệ mới lên 113 phôi tái tạo và chỉ duy nhất 1 mẫu thành công sinh ra Retro.

"Trọng tâm chính của chúng tôi trong tương lai là nâng cao tỷ lệ thành công của phương pháp này", chuyên gia Lu cho biết.

Trước đó, hai con khỉ được nhân bản thành công là Zhong Zhong và Hua Hua đã 6 tuổi hiện vẫn đang sống khỏe mạnh cùng bầy đàn và chưa có bất kỳ rủi ro tiềm tàng nào về tuổi thọ của chúng.

Dù Zhong Zhong và Hua Hua là những chú khỉ nhân bản đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1999 nhưng phương pháp tạo ra chúng đơn giản hơn công nghệ tiên tiến tạo ra Retro. Bởi vậy sự thành công của Retro được đánh giá là đem lại nhiều ý nghĩa hơn cho nền công nghệ sinh học nước này.

Bài học "Hành tinh khỉ"

Theo CNN, sự thành công của Retro cho thấy một hướng đi mới trong việc tạo nên các cá thể dùng cho thí nghiệm, tương tự như loài chuột thí nghiệm đang được dùng phổ biến hiện nay. Vì cấu tạo của chuột không gần gũi với con người nên nhiều thí nghiệm được cho là không đủ hiệu quả để đánh giá toàn diện nếu áp dụng lên nhân loại.

Do đó, những cá thể thí nghiệm như khỉ thường được ưa chuộng hơn để cho độ chính xác cao. Tuy nhiên vấn đề này lại vướng mắc đến chi phí cũng như luật bảo vệ động vật, chưa kể số lượng loài khỉ cũng khó sinh sản được nhiều, nhanh như chuột thí nghiệm.

Báo cáo của Viện hàn lâm khoa học Mỹ vào tháng 5/2023 cho thấy việc nghiên cứu các loài linh trưởng gần gũi về cấu tạo với con người đóng vai trò then chốt trong những tiến bộ y tế, ví dụ như phát triển vaccine chống đại dịch Covid-19.

Trung Quốc nhân bản thành công 'Tôn Ngộ Không': Kịch bản khỉ trỗi dậy thay thế con người liệu có thành hiện thực? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa trong bộ phim "Sự trỗi dậy của hành tinh khỉ" (Rise of the Planet of the Apes)

Mặc dù vậy, việc dùng khỉ nhân bản để thí nghiệm đang làm dấy lên làn sóng tranh cãi về mặt đạo đức.

"Chúng tôi bày tỏ sự lo ngại về đạo đức xung quanh việc áp dụng công nghệ nhân bản cho động vật. Các kỹ thuật này đòi hỏi những bước gây đau đớn, khó chịu cho cá thể, đồng thời có tỷ lệ thất bại và tử vong cực cao", Hiệp hội chống hành vi tàn ác với động vật (SPCA) của Anh nêu rõ.

Mặc dù thành công của Retro cho thấy khả năng nhân bản con người trong tương lai, nhưng tỷ lệ thành công quá thấp cũng như tranh cãi về mặt đạo đức đang khiến cộng đồng khoa học chia rẽ về việc có nên tiếp tục hay không.

Những bước đột phá của công nghệ sinh học Trung Quốc cho thấy khả năng hiện thực hóa các câu chuyện như Tôn Ngộ Không, nhưng cũng khiến nhiều người lo lắng về một viễn cảnh tương lai như bộ phim "Sự trỗi dậy của hành tinh khỉ".

Liệu tương lai nhân loại sau này có bị ảnh hưởng bởi các công nghệ nhân bản, hay chịu tổn thương về công nghệ này vẫn còn là một dấu hỏi?

*Nguồn: CNN

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM