Trung Quốc mới bị "sỉ nhục" bởi tổ chức phân tích chứng khoán toàn cầu

15/06/2016 16:02 PM | Kinh tế vĩ mô

Trung Quốc đang có cảm giác bị coi thường khi chứng khoán Pakistan được MSCI đưa vào hệ thống theo dõi thị trường chứng khoán mới nổi trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục lại bị đặt trong trạng thái “đang chờ xem xét”.

Mới đây, hãng phân tích Morgan Stanley Capital International (MSCI) đã quyết định hoãn đưa các cổ phiếu hạng A của chứng khoán Trung Quốc đại lục vào chỉ số theo dõi chứng khoán các thị trường mới nổi (MSCI EM Index) dù chính quyền Bắc Kinh đã tạo nhiều điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Đây đã là lần thứ 2 chứng khoán Trung Quốc đại lục bị lùi thời hạn xem xét như vậy.

Cổ phiếu hạng A của thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục là những cổ phiếu được giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ và thường chỉ được mua bởi các nhà đầu tư là người Trung Quốc đại lục trên các sàn giao dịch Thượng Hải hay Thẩm Quyến. Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được cổ phiếu hạng A nhưng phải thông qua hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt QFII.

Loại cổ phiếu này khác với cổ phiếu hạng B được giao dịch bằng cả đồng Nhân dân tệ lẫn ngoại tệ để dành cho người nước ngoài khi họ khó mua được cổ phiếu hạng A.

Hiện chỉ số chứng khoán MSCI đang theo dõi khoảng 1,5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa các loại cổ phiếu trên toàn thế giới và Trung Quốc đang rất muốn được đưa vào hệ thống theo dõi này nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo nhiều chuyên gia, quyết định trên là một đòn đánh mạnh vào những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc biến Trung Quốc thành một thị trường tài chính có vị thế đáng kể trên thế giới.

Không những vậy, việc MSCI quyết định đưa chứng khoán Pakistan vào chỉ số theo dõi chứng khoán các nước mới nổi còn sát muối vào chính quyền Bắc Kinh bởi Pakistan nổi tiếng với những xung đột chính trị và tôn giáo hơn là các nỗ lực cải cách tài chính như Trung Quốc.

Nếu những cổ phiếu hạng A của Trung Quốc không được đưa vào hệ thống chỉ số MSCI EM Index thì chỉ có những cổ phiếu đang giao dịch tại Hồng Kông và Mỹ của nước này được MSCI tính toán. Điều này đồng nghĩa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giưới chỉ chiếm khoảng 1/4 số cổ phiếu trong hệ thống đo lường chứng khoán toàn cầu. Trong khi đó, nếu MSCI quyết định thêm các cổ phiếu hạng A của Trung Quốc, tỷ lệ trên sẽ là hơn 1/3.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính khiến MSCI quyết định đưa chứng khoán Pakistan vào chỉ số MSCI EM Index thay vì Trung Quốc là sự ổn định trên thị trường.

Trên thực tế, chứng khoán Pakistan đã nằm trong MSCI Em Index kể từ năm 1994 nhưng cuộc khủng hoảng năm 2008 đã buộc thị trường này đóng cửa tạm thời, qua đó khiến MSCI loại Pakistan khỏi danh sách.

Đến năm 2009, chứng khoán Pakistan được đưa vào chỉ số MSCI FM Index dành cho các thị trường tiềm năng (cạnh biên). Đồng thời, hãng phân tích MSCI cũng cảnh báo Pakistan cần tạo điều kiện cho thị trường hoạt động tự do, không bị gián đoạn hay can thiệp nếu muốn được nâng cấp và đưa trở lại MSCI EM Index.


Chỉ số chứng khoán Thượng Hải trong 6 tháng qua giảm 17,89% và giảm 18,42% từ đầu năm đến nay.

Chỉ số chứng khoán Thượng Hải trong 6 tháng qua giảm 17,89% và giảm 18,42% từ đầu năm đến nay.

Tăng trưởng bền vững mới là số 1

Theo JP Morgan Chase, thị trường chứng khoán cần một khoảng thời gian để các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái với quan điểm rằng chắc chắn chính phủ sẽ không đóng cửa hay can thiệp thị trường trước khi được những tổ chức như MSCI thừa nhận.

Với quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường Trung Quốc cần phải được ổn định lại trước khi MSCI chấp nhận các cổ phiếu hạng A.

Cả 2 sàn chứng khoán chính của Trung Quốc đại lục là Thượng Hải và Thẩm Quyến đều có những đợt điều chỉnh lớn trong năm 2015 do các đợt bán tháo, tạm dừng đợt giao dịch tự do trong phiên hay tình trạng mua vào hỗ trợ thị trường của các quỹ hậu thuẫn bởi chính phủ.

Đầu năm 2016, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục bất ổn khi thị trường này áp dụng hệ thống dừng giao dịch tự động, cho phép thị trường đóng cửa sớm nếu có tình trạng bán tháo hoặc biến động lớn xảy ra.


Một trung tâm giao dịch môi giới chứng khoán tại Karachi-Pakistan.

Một trung tâm giao dịch môi giới chứng khoán tại Karachi-Pakistan.

Chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi Châu Á Trinh Nguyen của Natixis nhận định việc áp dụng hệ thống dừng giao dịch tự động trên khiến MSCI lo lắng các cổ phiếu hạng A của Trung Quốc đại lục chưa được giao dịch tự do và hoãn đưa chúng vào bảng chỉ số.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán KSE 100 Index của Pakistan đã tăng 14% và dẫn đầu các thị trường ở Châu Á. Rõ ràng, MSCI cần một thị trường tăng trưởng tốt và ổn định hơn là một thị trường tăng nóng và trồi sụt thất thường.


Chỉ số chứng khoán KSE 100 Index trong 1 năm qua (nguồn: Bloomberg)

Chỉ số chứng khoán KSE 100 Index trong 1 năm qua (nguồn: Bloomberg)

Chứng khoán Pakistan được đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm 2016 đến nay và chỉ số chứng khoán tại đây đã tăng lên mức kỷ lục ngay sau quyết định của MSCI phiên 15/6.

Đối với nhiều chuyên gia, quyết định của MSCI mang ý nghĩa “sỉ nhục” Trung Quốc nhưng họ không chú ý rằng Pakistan cũng đã phải có nhiều cải cách trước khi có được thành công trên.

Các nhà đầu tư chứng khoán Pakistan được tạo điều kiện để di chuyển nguồn vốn đầu tư dễ dàng, kể cả khi mua vào lẫn lúc thu hồi vốn.

Hơn nữa, sự ổn định trong kinh tế vĩ mô cũng như quản trị vi mô của doanh nghiệp cũng khiến thị trường chứng khoán nước này ít có biến động lớn. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cho biết những khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đầu tư từ Trung Quốc đã giúp nước này tránh được các cuộc khủng hoảng trong thanh toán nợ quốc tế.

Vào cuối tháng 6 này, nhiều khả năng IMF sẽ phê duyệt khoản vay tiếp theo trị giá 510 triệu USD cho Pakistan.

MSCI (Morgan Stanley Capital International) là tổ chức chuyên cung cấp các công cụ hỗ trợ nhà đầu tư có tổ chức trong việc ra quyết định đầu tư, chủ yếu là các quỹ hưu trí và các quỹ phòng ngừa rủi ro. Hãng có trụ sở tại New York và có độ nổi tiếng ngang với S&P, Dow Jones hay FTSE.

Việc xếp hạng của MSCI sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số chính của thế giới do các nhà quản lý tài sản sử dụng. Hàng năm, MSCI đều lấy ý kiến khảo sát của cộng đồng các nhà đầu tư về việc xếp hạng bằng cách đưa thêm một số TTCK tiềm năng vào danh sách cần xếp hạng lại.

Kết quả xếp hạng của MSCI có những ảnh hưởng nhất định đối với TTCK của một nước vì nó có thể ảnh hưởng đến dòng vốn mà các công ty quản lý tài sản đầu tư vào hoặc rút ra khỏi thị trường đó.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM