Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ dây chuyền

30/05/2016 14:16 PM | Kinh tế vĩ mô

Đối với thị trường các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) trị giá 3.600 tỷ USD của Trung Quốc, nguy cơ vỡ nợ dây chuyền đang tăng cao hơn bao giờ hết.

Lâu nay WMP vẫn được coi là “quả bom nổ chậm” đe dọa hệ thống tài chính Trung Quốc. Đây là các sản phẩm đầu tư lợi suất cao (tức rủi ro cũng cao) do ngân hàng phân phối để huy động vốn và sau đó thường là rót tiền vào các tài sản kém thanh khoản và rất rủi ro.

Các nhà đầu tư Trung Quốc từ lâu vẫn tìm kiếm một sản phẩm cho lợi suất hợp lý, hoặc thậm chí lợi suất không thực âm đã là tốt rồi. Họ tin rằng các sản phẩm kiểu này cũng an toàn như gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Do đó WMP ngày càng phát triển và chúng đang đầu tư vào nhau.

Tuy nhiên xu hướng này đang khiến các nhà quan sát phải lo sợ. Đầu tiên, thị trường WMP phình to có nghĩa là các khoản đầu tư đầy rủi ro của 1 WMP có thể ảnh hưởng đến các WMP khác. Trong trường hợp thua lỗ nặng, cơ cấu sở hữu chéo càng khiến nhà đầu tư hoang mang hơn. Đây chính là một trong những nguồn cơn gây ra sự hoảng loạn tột độ trên thị trường tài chính Mỹ năm 2008.

Thứ hai, xu hướng nói trên cũng thể hiện các WMP đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm những tài sản đủ tốt để có thể đạt được mục tiêu về lợi suất.

Mối lo đang ngày càng tăng lên, sau khi ít nhất 10 công ty Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu, chỉ số Shanghai Composite giảm 20% và nền kinh tế Trung Quốc không có dấu hiệu hồi phục. “Trong hệ thống tài chính vẫn dư thừa thanh khoản, nhưng lại khan hiếm tài sản có lợi suất cao để đầu tư. Rủi ro đang dần tích tụ trong một hệ thống tài chính cầu vượt quá cung”, Harrison Hu – chuyên gia kinh tế đến từ Royal Bank of Scotland chi nhánh Singapore nói.

3 năm gần đây, WMP bùng nổ trong bối cảnh các ngân hàng chạy đua huy động vốn và người gửi tiền cố gắng tìm kiếm mức lợi suất cao hơn. WMP càng được chào đón bởi nhiều nhà đầu tư nhận định loại tài sản này được bảo lãnh bởi các ngân hàng hoặc các chính quyền địa phương và do đó độ rủi ro thấp.

Tuy nhiên, theo số liệu chính thức, tính đến cuối năm 2015 số nợ xấu từ WMP đã lên đến 23,5 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 35% GDP Trung Quốc và gấp hơn 3 lần so với 3 năm trước. Trung bình 3.500 WMP được phát hành mỗi tuần trong năm 2015. 85% số WMP được nắm giữ bởi các WMP khác. Thậm chí có một số trường hợp các sản phẩm này chẳng qua là được quay vòng để các ngân hàng có thể thu phí.

Hầu hết các WMP có thời gian đáo hạn dưới 6 tháng và ngắn nhất là 1 tháng. Nghiên cứu trên 1.300 sản phẩm được niêm yết trên website Chinawealth.com.cn cho thấy mức lợi suất cao nhất lên tới 8%, so với mức lãi suất 1,5% của khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm. Trung bình các WMP đem lại mức lợi suất 3 – 5%.

Các WMP đang là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc. Tháng 4 vừa qua, thị trường này vừa có tháng thua lỗ nặng nhất trong 15 tháng, sau khi làn sóng phá sản của các doanh nghiệp nhà nước khiến nhà đầu tư hoang mang.

Matthew Phan, chuyên gia phân tích tín dụng tại CreditSights ở Singapore, cho rằng điều đáng lo ngại là các vụ vỡ nợ trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng mất cân xứng giữa kỳ hạn của các WMP và trái phiếu.

Năm 2012 điều này đã xảy ra. Hàng chục người đầu tư vào một sản phẩm được bán ra bởi 1 cựu lãnh đạo của ngân hàng Huaxia (Bắc Kinh) đã xuống đường biểu tình sau khi họ mất tiền oan vì quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân phát hành WMP mà họ đã mua rơi vào cảnh phá sản.

Đó là lần đầu tiên một sản phẩm WMP sụp đổ. Nhà đầu tư tin rằng Huaxia là nhà phân phối cũng như có quan hệ với công ty phát hành. Cuối cùng cơ quan quản lý phải vào cuộc.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM