Lo sợ vỡ bong bóng, Trung Quốc cấm ngành bảo hiểm lách luật đầu cơ

25/05/2016 15:22 PM | Kinh tế vĩ mô

Tổng tài sản được kiểm soát bới các doanh nghiệp bảo hiểm Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong gần 4 năm qua lên 13,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ (2,1 nghìn tỷ USD). Tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh đang có những động thái siết chặt quản lý đối với ngành kinh tế này.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, nhưng có lẽ ngành bảo hiểm nước này lại là một ngoại lệ, đặc biệt là khi nước này đang có những dấu hiệu cho xu thế già hóa dân số với tỷ lệ nghỉ hưu tăng và tỷ lệ sinh mới giảm.

Tổng tài sản được kiểm soát bới các doanh nghiệp bảo hiểm Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong gần 4 năm qua lên 13,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ (2,1 nghìn tỷ USD).

Doanh thu từ việc bán bảo các hợp đồng bảo hiểm tại Trung Quốc tính riêng trong quý I/2016 đã tăng mạnh 42% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, lực lượng lao động trong ngành này tại Trung Quốc cũng gia tăng đáng kể. Trong vòng 6 tháng vừa qua, đã có khoảng 2 triệu nhân viên tham gia ngành bán bảo hiểm. Như vậy, tổng số lao động trong ngành này tại Trung Quốc đã đạt 7,2 triệu người, tăng 120% so với đầu năm 2016.

Nói cách khác, cứ mỗi 50 lao động tại Trung Quốc thì có 1 người làm bảo hiểm.

Đây quả là một con số ấn tượng nếu so sánh với nhiều quốc gia. Ví dụ tại Mỹ, dân số nước này đã tăng 84 triệu người trong 30 năm qua nhưng số hợp đồng bào hiểm cá nhân lại đi xuống. Nguyên nhân rất đơn giản, nếu đầu tư tiền vào các quỹ đầu tư, mọi người cảm thấy đây là một khoản đầu tư lời, nhưng nếu bỏ tiền mua bảo hiểm, ai cũng cảm thấy mình như đang bị lừa đảo.


Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cá nhân tại Mỹ đi xuống.

Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cá nhân tại Mỹ đi xuống.

Tình hình tăng trưởng nhanh chóng của ngành bảo hiểm không có gì là khó hiểu khi Trung Quốc đang thật sự cần loại dịch vụ này.

Dân số của quốc gia này đang già đi nhanh chóng trong những thập niên vừa qua, trong khi hệ thống phúc lợi của Trung Quốc vẫn còn yếu kém.

Vì vậy, chính quyền Bắc Kinh hy vọng rằng các công y bảo hiểm sẽ hỗ trợ chính phủ trong việc giúp tầng lớp người cao tuổi tránh khỏi cảnh bần hàn khi nghỉ hưu.

Theo hãng tư vấn Enhance International, hiện ngân sách nhà nước mới chiếm khoảng 1/3 chi phí y tế mà người cao tuổi chi trả, còn các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chiếm chưa đến 1/10.

Như vậy, vẫn có khoảng 60% người cao tuổi phải tự bỏ tiền túi để thanh toán các chi phí y tế và đây là một gánh nặng lớn cho họ.

Mặc dù vậy, sự tăng trưởng quá nhanh trên một mô hình kinh doanh chưa thực sự được kiểm soát chặt ché đang khiến ngành bảo hiểm Trung Quốc mong manh hơn bao giờ hết.

Một số công ty bảo hiểm có tăng trưởng nóng tại Trung Quốc thậm chí đã thiết lập mức lợi nhuận đảm bảo 6% cho các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm ngắn hạn. Đây là một động thái cực kỳ nguy hiểm trong một ngành đáng lẽ phải minh bạch và cẩn trọng.

Để có thể cung cấp mức lợi nhuận hấp dẫn như vậy nhằm thu hút khách hàng mua bảo hiểm bất chấp thị trường chứng khoán đang ảm đạm, các công ty này đã tăng cường vay nợ và qua đó giảm mức lợi nhuận cận biên của mình xuống.

Những động thái này thực sự khiến nhiều chuyên gia lo lắng bởi các dịch vụ bảo hiểm ngắn hạn không thực sự giúp đỡ được khách hàng khi họ nghỉ hưu. Khi hợp đồng bảo hiểm ngắn hạn kiểu này chấm dứt, khách hàng có thể tự do rút tiền về với mức lãi suất hứa hẹn nhưng họ cũng không còn được bảo đảm gì về sức khỏe, tai nạn hay y tế.

Nói cách khác, sản phẩm bảo hiểm ngắn hạn kiểu này mang ý nghĩa đầu cơ hơn là để bảo vệ cho các khách hàng.

Trước tình hình đó, chính quyền Bắc Kinh đã cấm các công ty bảo hiểm bán các sản phẩm có kỳ hạn dưới 1 năm, đồng thời siết chặt quản lý các dịch vụ bảo hiểm có kỳ hạn dưới 3 năm.

Mới đây, chính phủ cũng đã bắt đầu ra soát các doanh nghiệp bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng nóng, như hãng Sino Life Insurance khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu của công ty này liên tục giảm.

Tập đoàn bảo hiểm Anbang cũng đang trong tầm ngắm khi khối tài sản của công ty đã tăng gấp 50 lần trong 2 năm qua. Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã từ chối thông qua khoản đầu tư 14 tỷ USD của tập đoàn bảo hiểm này vào chuỗi khách sạn Starwood.

Theo hãng bảo hiểm Ping An, thời hoàng kim của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm có lẽ đã qua khi chính quyền Bắc Kinh nhận ra những rủi ro trong tăng trưởng nóng của ngành này và có các động thái đối phó.

Giờ đây, nhân viên bán bảo hiểm sẽ phải thuyết phục khách hàng mua sản phẩm để bảo vệ bản thân hơn là để đầu tư. Mặc dù dịch vụ này sẽ đem lại an toàn nhiều hơn cho khách hàng, nhưng rõ ràng là chúng cũng sẽ khó bán hơn.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM