Trung Quốc đối đầu Trump và đây là giải pháp để đôi bên cùng có lợi
Đe doạ khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ là một giải pháp đôi bên cùng có lợi cho cả hai quốc gia.
Ở thời điểm hiện tại, tuyên bố trừng phạt Trung Quốc vì các hoạt động thương mại không công bằng của tổng thống đắc cử Donald Trump không được các nhà lãnh đạo nước này coi trọng. Một nguyên nhân là bởi nếu Trung Quốc thả nổi tự do đồng tiền của mình theo lời thúc giục của Mỹ, đồng tệ sẽ giảm giá, dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu của Mỹ.
Và nếu ông Trump thực sự áp dụng mức thuế quan 45% với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc như cam kết trước đó, Trung Quốc có rất nhiều cách để trả đũa. Có lẽ trong cuộc chiến tranh thương mại này, Mỹ sẽ là bên chịu nhiều tổn thất hơn so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa rằng chính quyền ông Trump chỉ có thể chấp nhận hiện trạng.
Trung Quốc hiện vẫn là một trong những nền kinh tế khép kín lớn nhất trên thế giới. Theo Ngân Hàng Thế Giới, Mỹ duy trì áp dụng mức thuế quan 3,4% với hàng hoá từ các quốc gia được nhận tối huệ quốc (nôm na là chế độ ưu đãi thuế). Còn mức thuế quan trung bình của Trung Quốc đối các các quốc gia được nhận tối huệ quốc là 9,9%, cao hơn Nga, Nam Phi, Myanmar và Colombia.
Ngoài thuế quan, Trung Quốc còn áp dụng nhiều rào cản thương mại trong các lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, thậm chí là cả trong một loạt các ngành công nghiệp tưởng chừng như không quan trọng như bông, thuốc lá hay luyện kim.
Bên cạnh đó, theo những phàn nàn từ phía Mỹ và phòng Thương mại Châu Âu, các công ty nước ngoài còn phải đối mặt với ngày càng nhiều rắc rối liên quan tới thực thi hợp đồng và tiếp cận tài chính tại các ngân hàng Trung Quốc.
Tình trạng này đã gây nên một làn sóng phản đối các công ty Trung Quốc tiến hành các hoạt động mua lại và sát nhập với các công ty nước ngoài theo thúc giục từ phía chính phủ.
Trong vòng một năm trở lại đây, các khoản đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào các nước khác đã tăng từ 53%, lên 134 tỷ USD. Nhiều nhà phê bình ở Mỹ, Úc, Anh và Đức đã đặt ra câu hỏi tại sao các công ty Trung Quốc lại được phép đầu tư vào đất nông nghiệp, các nhà máy năng lượng hạt nhân và các công ty công nghệ tại những quốc gia này; trong khi đó, các công ty từ những nước này lại vấp phải nhiều trở ngại khi đầu tư tương tự tại Trung Quốc.
Trong tình huống này, Tổng thống Trump có lẽ không nhất thiết phải áp dụng bất kỳ mức thuế quan cao có khả năng phản tác dụng nào. Thay vào đó, ông chỉ cần đảm bảo chính phủ Mỹ xem xét kỹ lưỡng cũng như kéo dài thời gian xem xét các thoả thuận liên quan đến người mua Trung Quốc; và do đó, Trung Quốc sẽ tìm một mục tiêu sáp nhập mới.
Các công ty Trung Quốc đang cố gắng thoát khỏi tình trạng sản xuất hàng nhái với giá trị gia tăng thấp; vì thế, họ cần phải tìm kiếm công nghệ cũng như tài năng thông qua hoạt động sáp nhập toàn cầu. Nếu thiếu những yếu tố này, các công ty này sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức hơn trong quá trình đạt tới một vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.
Có lẽ, sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc tránh tham dự vào những mối quan ngại quốc tế ở thời điểm hiện tại trước khi Mỹ, Anh và các quốc gia châu Âu đóng cửa thị trường trong nước. Nếu giảm bớt rào cản đầu tư có thể dẫn tới tình huống mất kiểm soát, Trung Quốc cũng nên mở rộng mục tiêu của mình.
Các lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, nhận ra rằng các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ mang tới nguồn vốn vô cùng cần thiết, mà còn đem tới áp lực quản lý và cạnh tranh có thể tạo ra hiệu quả cao hơn.
Trung Quốc, cụ thể là khu vực nhà nước cứng nhắc, rất cần một yếu tố kích thích nhằm tăng năng suất; và buộc các doanh nghiệp cồng kềnh phải tham gia cạnh tranh cùng bên ngoài có lẽ là biện pháp đảm bảo nhất để cải thiện cách làm kinh doanh của những doanh nghiệp này.
Điều này nghe có vẻ không khả thi. Tuy nhiên, trong lịch sử đã từng xảy ra trường hợp tương tự. Dưới nhiệm kỳ của tổng thống Reagan, Nhật Bản đã từng phải đối mặt với một làn sóng phản đối giống như Trung Quốc hiện nay.
Thay vì tìm kiếm nhiều hỗ trợ chính trị nhằm trả đũa các chính sách thương mại và đầu tư thiếu công bằng của Nhật Bản (theo cách nói của nhiều người Mỹ, bao gồm cả ông Donald Trump); Tổng thống Reagan buộc Nhật Bản phải chấp nhận nhiều biện pháp hạn chế xuất khẩu “tự nguyện” (VER) - là một biện pháp hạn chế xuất khẩu mà theo đó quốc gia nhập khẩu đòi hỏi quốc gia xuất khẩu phải hạn chế chế bớt lượng hàng xuất khẩu sang nước mình một cách tự nguyện, nếu không thì sẽ áp dụng biện pháp trả đũa kiên quyết.
Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tìm cách lách luật nhằm thành lập các công ty con tại Mỹ, và nhờ đó, tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ. Ông Reagan đảm bảo người Nhật hiểu rằng ông lúc nào cũng có thể áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ mạnh hơn nếu cần thiết; vì vậy, thoả thuận với Mỹ chính là đem lại lợi ích cho Nhật Bản và cho cả Mỹ nữa.
Tất nhiên trường hợp của Nhật Bản trước đây và Trung Quốc hiện nay không giống nhau hoàn toàn. Nhật Bản vốn là một đồng minh vững chắc của Mỹ trong lĩnh vực an ninh; do đó, các nhà lãnh đạo Nhật Bản có nhiều lý do thoả hiệp với Mỹ hơn Trung Quốc.
Đồng thời, những nhà cải cách Trung Quốc nhận thức rõ ràng rằng nền kinh tế của nước họ thu lợi nhuận từ việc mở cửa thị trường. Người tiêu dùng luôn yêu thích những sản phẩm ngoại giá rẻ như sữa bột trẻ em, những mặt hàng sẽ được bày bán công khai khi mở cửa thị trường. Đồng thời, các khu vực cần nâng cấp như chế biến thực phẩm và y tế sẽ có được chuyên môn và công nghệ tiên tiến. Mở cửa chào đón các hãng bán lẻ và các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế do tiêu dùng và dịch vụ chi phối, thay vì do sản xuất và đầu tư chi phối như hiện nay.
Xét về mặt chính trị, những thay đổi này là khá khó thực hiện tại Trung Quốc. Vì thế, thông qua đe doạ châm ngòi chiến tranh thương mại, Donald Trump có thể sẽ giúp thúc đẩy tiến hành những thay đổi này tại Trung Quốc.
Như những gì Chủ tịch Tập Cận Bình thường nói, nếu cả hai bên đủ khôn ngoan, luôn có một giải pháp đem lại lợi ích cho đôi bên.