Trung Quốc đáp trả việc Mỹ cấm Huawei: "Đất nước này đã đứng vững được 5.000 năm nay, sao không thể tiếp tục thêm 5.000 năm nữa?"
Tại buổi nói chuyện tại Brussels, đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại EU có những lời lẽ đanh thép đáp trả phía Mỹ.
Trước sự chứng kiến của Liên minh Châu Âu (EU), đại sứ Trung Quốc tuyên bố đất nước tỷ dân sẽ có biện pháp trả đũa những chính sách mới của Mỹ nhằm vào Huawei. Những quyết định của chính quyền dưới thời ông Trump đã hạn chế khả năng bành trước của Huawei trên đất Mỹ: cấm việc sử dụng thiết bị Huawei trên danh nghĩa đảm bảo an ninh quốc gia, yêu cầu Huawei phải có được sự chấp thuận của chính phủ với mỗi đơn hàng linh kiện điện tử mua từ Mỹ.
Hệ lụy của những hành động trên: Google rút giấy phép sử dụng hệ điều hành Android của Huawei, một loạt công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ bao gồm Intel và Qualcomm dừng cung ứng linh kiện điện tử cho Huawei. Chuỗi sự việc không hay đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ tại Trung Quốc, từ những người sử dụng Internet cho tới những chính trị gia.
“Đây là hành động sai trái, và sẽ phải nhận lời đáp trả thích đáng”, đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại EU, Zhang Minh nói trong một buổi phỏng vấn tại Brussels, Bỉ.
“Họ đang phá hoại quyền và lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc, và chính phủ Trung Quốc sẽ không án binh bất động”.
Ông Zhang Minh.
Thẳng thừng gọi những chính sách của ông Trump là “có động cơ chính trị” và “lạm dụng quyền kiểm soát xuất khẩu”, ông Zhang nói thêm “chính phủ Hoa Kỳ đang cố gắng kéo đổ Huawei bằng quyền lực hành chính”.
“Trung Quốc sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc”, bên cạnh đó ông Zhang hối thúc Washington “đừng nên đi quá xa trên con đường sai trái, để tránh những diễn biến căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ”.
Trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Lu Kang chỉ nói đơn giản: “Cứ đợi mà xem”, ý nhắc tới những biện pháp đối phó mà chính quyền Trung Quốc và các công ty nội địa có thể có, những hành động Trung Quốc cho là cần thiết trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế.
Từ hôm mùng 10 tháng Năm, thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc chính thức được nâng từ 10% lên 25%. Cách đây không lâu, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tiếp tục công bố danh sách số hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 300 tỷ USD có thể bị đánh thuế 25%. Ông Zhang buộc tội chính quyền Mỹ đã ngầm phá hoại hơn một năm đàm phán, tưởng như đã đạt được thỏa thuận vừa lòng hai bên.
“Hoa Kỳ liên tục tạo ra rắc rối cản trở việc tham khảo ý kiến các bên, phá hoại những bước tiến tích cực đã đạt được trong suốt quá trình đàm phán dài hơi và khó khăn, họ tìm cách mưu lợi bất chính bằng việc những biện pháp ép thuế và hăm dọa”, ông Zhang nói.
Đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại EU tuyên bố Trung Quốc sẽ không chùn bước trước chiến lược kinh tế của Mỹ, tuy nhiên vẫn sẵn sàng ngồi lại đàm phán. Trong tình hình hiện tại, Trung Quốc, Châu Âu và nhiều nước khác vẫn ra sức bảo vệ hệ thống trao đổi hàng hóa toàn cầu, trong khi đó Mỹ liên tục tự cô lập bản thân với những chính sách đơn phương và ra sức bảo vệ nền công nghiệp nội địa một cách cực đoan.
“Trung Quốc kiên định với chính sách bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình”, ông Zhang nói. “Nếu Mỹ muốn đối đầu, chúng tôi và họ sẽ đi đến cùng, sử dụng những chính sách đúng mực, đứng đắn”.
Tinh thần bảo vệ doanh nghiệp nước nhà tại Trung Quốc ngày một lên cao, tràn ngập khắp các mạng xã hội nổi tiếng trên đất nước tỷ dân. Chính khẩu khí kiên định, toàn dân đồng lòng đã cho phép ông Zhang khẳng định vị thế Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh về truyền thống lâu đời của đất nước mình.
"Đất nước này đã đứng vững được 5.000 năm nay, sao không thể tiếp tục thêm 5.000 năm nữa?"