"Trung Quốc đang tức giận với hầu hết mọi quốc gia vào lúc này"
Trung Quốc kỳ vọng củng cố vị thế qua Hội nghị G20, nhưng e ngại các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và chủ nghĩa bảo hộ.
Trung Quốc đang hy vọng sẽ củng cố vị thế của mình như một cường quốc toàn cầu trong vai trò chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này. Song nước này cũng nghi ngờ rằng phương Tây và các đồng minh sẽ cố gắng phủ nhận vai trò của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Vì thế một trong những ưu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra, và một điểm mốc quan trọng là tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Theo các nhà ngoại giao, Bắc Kinh mong muốn qua Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức ngày 4-5/9 tại Hàng Châu, đặt ra một chiến lược rộng lớn cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng các cuộc hội đàm có thể sẽ bị phủ bóng đen bởi những tranh cãi, từ tranh chấp lãnh thổ cho đến hoạt động bảo hộ.
"Nhìn từ góc độ Trung Quốc, họ cảm tưởng như người Mỹ đang cố gắng bao vây họ", một phái viên cấp cao phương Tây cho biết, khi mô tả các cuộc trao đổi với quan chức Trung Quốc trước G20. Các cuộc trao đổi bị bao trùm bởi vấn đề Biển Đông và việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.
Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Hay đã ra phán quyết, bác những tuyên bố của Trung Quốc về “chủ quyền lịch sử” đối với đường chín đoạn trên Biển Đông.
Trung Quốc đã nói rõ rằng họ không muốn những vấn đề nêu trên “phủ bóng đen” lên Hội nghị Thượng đỉnh G20, hội nghị có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc bình luận rằng, Hội nghị G20 là cơ hội để Trung Quốc thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc hình thành quy tắc quản trị toàn cầu và dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng toàn cầu bền vững. Tờ Nhân dân nhật báo nói rằng điều này sẽ khiến cho hội nghị G20 này là một trong những hội nghị hiệu quả nhất.
Nhưng một bài báo đăng trên tờ Study Times của Trung Quốc giữa tháng Tám nêu rằng, các nước phương Tây đang cố gắng nhằm loại trừ một Trung Quốc đang “trỗi dậy” và từ chối tiếng nói của nước này với các cơ chế như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu.
Tức giận với Anh, Australia
Ở nước ngoài, Trung Quốc đã tức giận với những vấn đề do Anh và Australia nêu lên về chiến lược đầu tư của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng những vấn đề đó là do chủ nghĩa bảo hộ và đầu óc hoang tưởng của các nước này.
Chính phủ Australia đã chặn việc bán gói thầu điện lực trị giá 10 tỷ đô la Úc cho các nhà thầu Trung Quốc (tương đương 7,7 tỷ USD), trong khi nước Anh đã quyết định trì hoãn một dự án đầu tư hạt nhân từ Trung Quốc trị giá 24 tỷ USD.
Một nhà ngoại giao phương Tây trú tại Bắc Kinh cho biết: .
Chắc chắn một điều là, Trung Quốc rất mong muốn G20 diễn ra suôn sẻ, một nhà ngoại giao phương Tây khác cho biết.
"Điều này rất quan trọng, đó là niềm tự hào quốc gia", nhà ngoại giao cho biết, người này chỉ ra rằng, không có gì là bất thường khi hội nghị G20 thường bàn về nhiều vấn đề khác, chứ không phải chỉ vấn đề kinh tế.
"Đó sẽ là một ‘bãi mìn’ đối với Trung Quốc".