Ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá quá tới 30% giới hạn tái sinh, biển Đông đứng trước nguy cơ "không còn gì để bắt"

18/08/2016 14:11 PM | Kinh tế vĩ mô

Một trong những nguyên nhân khiến các ngư dân Trung Quốc ngày một manh động hơn là do nước này đang dần cạn kiệt nguồn tài nguyên biển.

Ngày 17/8 vừa qua, Indonesia cho nổ những tàu đánh bắt cá trái phép bị lực lượng an ninh nước này tịch thu, trong đó có nhiều tàu cá của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với quốc gia này nhưng những ngư dân của nước này vẫn tiếp tục xâm nhập vào các vùng biển của Indonesia cũng như các vùng biển nước khác.

Một trong những nguyên nhân khiến các ngư dân Trung Quốc ngày một manh động hơn là do nước này đang dần cạn kiệt nguồn tài nguyên biển.

Trong tuần qua, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết việc đánh bắt thủy sản quá mức cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển ở nước này và thậm chí đang lan dần sang một số lãnh hải khác, như Biển Đông. Trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc gần đây, vùng Biển Đông được đánh giá là “không còn cá” để đánh bắt.

Đây là một viễn cảnh đáng sợ với quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng có số người thuộc dạng nghèo đói đứng thứ 2 toàn cầu, sau Ấn Độ.

Đói cá

Hiện Trung Quốc đang chiếm 35% tổng số tiêu thụ thủy sản trên toàn thế giới vào năm 2015, cao gấp 3 lần tổng sản lượng tiêu thụ của Châu Âu và Trung Á gộp lại. Chính nhu cầu tăng cao với nguồn tài nguyên biển đã khiến các ngư dân nước này ngày một đi xa hơn trong quá trình đánh bắt. Bình quân mỗi năm ngành thủy sản nước này đánh bắt được khoảng 13 triệu tấn hải sản các loại trong những năm gần đây, cao hơn nhiều so với mức quy định 8-9 triệu tấn/năm của Bộ Nông nghiệp.

Dẫu vậy, chính tình hình này đã khiến vấn đề cạn kiệt nguồn cá lan càng rộng. Theo hãng tin Bloomberg, nguồn thủy sản dự trữ tại Biển Đông đã giảm 95% so với thập niên 50. Rõ ràng, Trung Quốc đang không chỉ khiến quốc gia của mình dần cạn tài nguyên biển mà đang kéo nhiều nước Châu Á khác chịu thiệt hại theo.

Trung Quốc là một trong những nước tăng trưởng nóng nhất trong vài thập niên trở lại đây và lẽ đương nhiên, cố người giàu và tầng lớp trung lưu của nước này ngày một tăng cao, kéo theo đó là chất lượng cuộc sống và nhu cầu về tiêu chuẩn ăn uống. Hệ quả là hải sản, vốn là loại thực phẩm không rẻ ở nhiều nước dần được người dân ưa chuộng hơn.

Số liệu của ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy tiêu thụ thủy sản tại Trung Quốc đã tăng bình quân 6% trong khoảng 1990-2010 và lượng tiêu thụ cá ở Trung Quốc có thể còn tăng thêm 30%, đạt 41 kg/người vào năm 2030, cao gấp đôi so với mức bình quân toàn cầu.

Mặc dù số thủy sản nuôi trồng chiếm 73,6% lượng tiêu thụ tại Trung Quốc nhưng nhu cầu ngày một tăng cao đang khiến ngư dân nước này tích cực đánh bắt nhiều hơn, xa hơn.


Đội tàu cá bán quân sự của Trung Quốc

Đội tàu cá bán quân sự của Trung Quốc

Hiện Trung Quốc là nước tiêu thụ cũng như xuất khẩu thủy sản nhiều nhất thế giới, kéo theo đó là sự bùng nổ của việc đánh bắt cá vô tội vạ.

Trong khoảng 1979-2013, số tàu đánh bắt cá của nước này đã tăng từ 55.225 lên 694.905 chiếc, còn số người làm việc trong ngành thủy sản đã tăng từ 2,4 triệu người lên 14 triệu người. Tính đến cuối năm 2014, số phương tiện đánh bắt cá của nước này ước tính đạt 1,04 triệu chiếc và được coi là nước có nhiều tàu đánh bắt cá nhất thế giới.

Thu nhập của các ngư dân Trung Quốc cũng dã tăng từ 15 USD/tháng lên 2.000 USD/tháng. Ngày nay, ngành đánh bắt thủy sản của Trung Quốc thu về hơn 260 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% GDP của nước này.

Việc các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá quá nhiều đã phải trả cái giá khủng khiếp về môi trường. Hiện sông Dương Tử, nới cung cấp 60% nguồn tài nguyên thủy sản nước ngọt của nước này đã có ít hơn 1/4 số cá so với năm 1954. Tồi tệ hơn, gần 170 loài thủy sản tại dòng sông này đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Thậm chí chính quyền Bắc Kinh cũng đã phải thừa nhận rằng ngư dân Trung Quốc thường xuyên đánh bắt vượt quá ít nhất 30% giới hạn tái sinh trong “lãnh hải” nước này. Nếu dạo quanh những khu chợ thủy sản tại Trung Quốc, khách hàng có thể bắt gặp những con cá hay hải sản với kích cỡ nhỏ dưới tiêu chuẩn, vốn không nên đánh bắt để duy trì nguồn lợi biển.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc dường như không mấy tích cực trong việc bảo toàn nguồn lợi biển cũng như tình trạng ngư dân nước này xâm phạm lãnh hải quốc gia khác để đánh bắt cá. Riêng trong năm 2013, nước này đã chi 6,5 tỷ USD hỗ trợ cho ngành đánh bắt cá.

Phần lớn số tiền trên được đầu tư giảm giá nhiên liệu cho ngư dân, qua đó giúp họ đi đi đánh bắt được xa hơn tại các vùng biển của nước khác như Indonesia. Tồi tệ hơn, nhiều tàu đánh cá thậm chí còn được huấn luyện cơ bản về quân sự, được quân đội tiếp tế muối, đá hay định vị GPS trong các cuộc đánh bắt xa bờ như vậy.

Chính quyền Bắc Kinh cũng từng ban hành lệnh cấm đánh bắt cá theo mù ở Biển Đông vào năm 1999 hay năm 2002 tại sông Dương Tử, nhưng những ngư dân cần phải kiếm sống còn chính phủ địa phương lại kiểm soát quá lỏng lẻo khiến các quy định này bị bỏ qua.

Biển Đông

Mặc dù Biển Đông chỉ chiếm 2,5% diện tích bề mặt trái đất nhưng nguồn lợi thủy sản tại đây lại thuộc hàng nhiều nhất thế giới với hơn 3.000 loài khác nhau cũng như chiếm tới 12% tổng sản lượng đánh bắt trên toàn cầu.

Việc đánh bắt cá trên vùng Biển Đông đóng vai trò khá quan trọng với nhiều nước trong khu vực này. Hiện Philippine có khoảng 1,5 triệu ngư dân và ngành đánh bắt thủy sản đóng góp 2,7% GDP cho nước này, trong đó đánh bắt cá từ Biển Đông chiếm tới 3/4 sản lượng.

Thủy sản chiếm tới 35,3% tổng lượng tiêu thụ thực phẩm động vật tại Việt Nam và con số này đạt 42,6% và 57,3% tương ứng tại Philippine và Indonesia.

Với nguồn lợi thủy sản to lớn như vậy cũng như vai trò quan trọng với kinh tế, cuộc sống người dân nhiều nước, không có gì là khó hiểu khi Trung Quốc trở thành tâm điểm tranh cãi trong các tranh chấp lãnh hải tại khu vực này.

Bất chấp những phản đối từ các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục khai thác tài nguyên thủy sản tại đây một cách vô tội vạ trước nhu cầu tăng cao của người dân trong nước cũng như nhằm đạt các mục tiêu về địa chính trị.

“Việc đánh bắt ngày càng nguy hiểm khi nhiều tàu cá của nước khác cũng đang đánh bắt tại Biển Đông. Tuy nhiên vị thế của Trung Quốc đang lớn và tôi tin rằng chính phủ sẽ bảo vệ ngư dân chúng tôi”, anh Huang Jing, một chủ tàu cá tại Baimajing-Trung Quốc nói.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM