Đằng sau thương vụ mua bán đất đai giữa Trung Quốc và Georgia
Trung Quốc có lòng tốt muốn giúp đỡ Georgia? Trung Quốc bắt tay Georgia vì sáng kiến Một vành đai, Một con đường hay vì lý do nào khác khi xây dựng một thành phố 100% Trung Quốc ở Georgia cũng như tăng cường mối quan hệ với nước này?
Theo tờ Forbes, thành phố Hualing Tbilisi Sea New giống như một "mảnh vá" đô thị hiện đại được Trung Quốc đặt vào một vùng nông thôn ở Georgia. Những ngọn đồi xanh đột ngột bị thay thế bằng các khối nhà chung cư 10 tầng giống hệt nhau cùng với mạng lưới đường xá xung quanh.
Bên ngoài các tòa nhà được trang trí theo cùng phong cách với phần dưới ốp bằng gạch màu nâu thẫm, các khung cửa sổ được trang trí chỉn chu và hàng chục ban công hình chữ nhật nhỏ. Theo Forbes, đó là quang cảnh rất quen thuộc trong các thành phố Trung Quốc. Forbes cho rằng, thành phố mới này ở Georgia 100% là Trung Quốc.
Thành phố mới có đủ các cơ quan chức năng, dịch vụ như bệnh viện, trường học, nhà hàng, đồn cảnh sát, trung tâm chữa cháy các trung tâm mua sắm, khách sạn và một trung tâm thương mại bán buôn và bán lẻ lớn nhất ở vùng Caucasus.
Nằm ở trung tâm thành phố là khách sạn 5 sao Hotels and Preference. Khách sạn này giống như một khối thủy tinh khổng lồ màu xanh dương, có tới 250 phòng và có phòng khiêu vũ lớn nhất ở Georgia.
Tập đoàn tư nhân Trung Quốc Hualing là đơn vị đã xây dựng thành phố này. Nhưng tại sao một tập đoàn từ tỉnh Tân Cương xa xôi, phía tây Trung Quốc lại có hứng thú xây dựng một thành phố ở Tbilisi cách xa đến 3459 km?
Chuyện kể rằng Mi Enhua, người sáng lập kiêm chủ tịch của Hualing Group, đã “phải lòng” Georgia sau khi ông đến thăm nước này hồi năm 2007 đến mức ông muốn giúp tái thiết Georgia.
Bên cạnh thành phố Hualing Tbilisi Sea New, Hualing Group đã "bơm" nửa tỷ USD vào Georgia để thực hiện một loạt các dự án quy mô lớn trong đó bao gồm cả Khu công nghiệp Kutaisi, nhiều khách sạn sang trọng khác nhau, một nhà máy khai thác gỗ lớn, một doanh nghiệp xuất khẩu rượu vang, một chương trình trồng chè lớn, và sở hữu 90% cổ phần của ngân hàng Basisbank.
Tuy nhiên, Hualing Group dường như còn có tình yêu với nhiều quốc gia khác nữa khi có nhiều dự án lớn khác ở cả châu Âu và Mỹ.
Nguồn gốc của Hualing Tbilisi Sea New là kết quả của một thỏa thuận "thú vị" giữa chính phủ Georgia và Hualing. Georgia kêu gọi Hualing đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Thế vận hội Thanh niên năm 2015. Đổi lại việc xây dựng làng thế vận hội cho các vận động viên tham gia thế vận hội, Hualing sẽ được phép bán tài sản đó sau khi thế vận hội kết thúc cũng như sử dụng 420 hecta đất xung quanh để xây dựng thành phố mới.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ là chỗ ở cho 4000 vận động viên hồi năm ngoái, những khu phức hợp này đã nhanh chóng trở lại tập đoàn Hualing. Hualing đã bán chúng với giá 650 USD một mét vuông. 80% trong số bất động sản đó đã được bán nhanh chóng. Ba tháng sau khi thế vận hội kết thúc, dân cư bắt đầu chuyển vào sinh sống.
Bên trong thành phố còn có Hualing Tbilisi Sea Plaza, rộng tới 120.000 mét vuông. Đây sẽ trung tâm thương mại lớn nhất ở vùng Caucasus khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2016. Trung tâm này có một khu mua sắm khổng lồ,một khu vực nhà kho, hàng trăm văn phòng cho các nhà xuất/nhập khẩu.
Georgia nằm ở phần phía bắc của khu vực Caucasus, một phần cơ bản của con đường tơ lụa cổ xưa. Tuy nhiên, theo The Diplomat, lý do để Trung Quốc quan tâm tới Georgia không phải vì vị trí địa lý chiến lược của nước này mà là để che dấu sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Nền kinh tế của Trung Quốc đang phát triển ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua.
Trong khi đó, Bắc Kinh đang cần tiền để thực hiện các dự án thuộc sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR) ở nhiều nước khác nhau. Đa số các dự án đều dài hạn, do vậy Trung Quốc sẽ không thể đạt được bất cứ lợi ích vật chất nào trong thời gian ngắn. Với tình hình kinh tế hiện tại, Trung Quốc phải cắt giảm chi tiêu nhưng không thể bỏ được OBOR bởi đó là một kế hoạch quan trọng, mang tính biểu tượng của Trung Quốc hiện tại. Đó cũng là một trong những kế hoạch cốt lõi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Để kết nối với Châu Âu, Trung Quốc sẽ phải chi tiêu rất nhiều tiền vào các cơ sở hạ tầng tại Belarus và Hungary. Cân nhắc tình hình kinh tế, Bắc Kinh bắt đầu tìm kiếm một lựa chọn thay thế ít tốn kém hơn và Georgia là sự lựa chọn đó.
Vậy người dân địa phương đã phản ứng ra sao với việc một công ty Trung Quốc xây dựng thành phố mới ở Georgia.
Forbes dẫn lời Botchorishvili, một người đang làm việc cho Hualing cho hay, ban đầu nhiều người đã biểu tình và nói rằng Trung Quốc đang xâm lược Georgia, nhưng họ đã dịu đi sau đó khi biết rằng Hualing đã cam kết với chính phủ về việc đảm bảo ít nhất 70% lực lượng lao động dài hạn phải là người dân địa phương.