Trung Quốc chật vật vì nước bẩn, đất bẩn, không khí bẩn và ngay cả... gạo cũng bẩn

31/03/2016 09:24 AM | Kinh tế vĩ mô

Có 1/5 đất nông nghiệp Trung Quốc cho ra gạo bẩn. Tăng trưởng quá nóng trong ngành sản xuất cùng với sự thiếu định hướng từ chính phủ Trung Quốc đáng khiến ngành trồng lúa của nước này khốn khổ do hạn hán và ô nhiễm môi trường.

Theo hãng International Grains Council (IGC), sản lượng lúa của Trung Quốc sẽ chỉ tăng rất nhẹ khoảng 0,7%, từ mức 144,5 triệu tấn năm 2015 lên 125,6 triệu tấn năm 2016.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn không đáp ứng được tốc độ tăng trong nhu cầu tiêu thụ lúa gạo của người dân và điều này khiến chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ buộc phải thúc đẩy nhập khẩu thêm lúa gạo.

Hãng IGC ước tính Trung Quốc đã nhập khẩu 4,5 triệu tấn gạo trong năm 2015, cao hơn nhiều so với mức 500.000 tấn năm 2007. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng con số này có thể lên đến 5 triệu tấn do tình trạng nhập khẩu lậu gạo qua biên giới.

Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy năng suất trồng lúa. Nhưng Liên Hợp Quốc (UN) cho rằng điều này sẽ vô cùng khó khăn trước thực trạng đất nông nghiệp đang dần bị chuyển đổi thành đất dùng cho công nghiệp. Đồng thời với đó, tình trạng hạn hán và ô nhiễm đất cũng khiến sản lượng lúa gạo của nước này khó tăng mạnh thêm nữa.

Chuyên gia Elizabeth C. Economy của Council on Foreign Relations thậm chí còn đánh giá bi quan hơn, khi cho rằng tình trạng ô nhiễm tài nguyên đất cũng như ô nhiễm không khí và nước đang kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề cả về kinh tế lẫn chính trị ở Trung Quốc.

Gạo bẩn và Thiếu nước

Những nghiên cứu mới nhất cho thấy, có ít nhất khoảng 12 triệu tấn ngũ cốc của nước này bị nhiễm kim loại nặng mỗi năm. Qua đó khiến quốc gia này chịu thiệt hại hơn 3,2 tỷ cho tất cả các chi phí, từ công sức trồng trọt, thiệt hại về thương mại cho đến tiền bồi thường.

Đặc biệt, năm 2013 ngành lúa gạo Trung Quốc đã bị rúng động khi các sản phẩm lúa gạo của tình Hồ Nam, vựa lúa chính của Trung Quốc bị phát hiện có chứa hàm lượng cao chất Cadmium (Cd), một loại kim loại nặng cực độc với cơ thể người.

Cadmium là một loại kim loại nặng trong đất và chỉ với một liều lượng nhỏ cũng có thể gây hại cho cơ thể con người. Loại chất này là 1 trong 3 kim loại được coi là nguy hiểm nhất với cơ thể con người, ngoài chì và thủy ngân.

Phía UN vô cùng lo ngại với tình trạng trên của Trung Quốc, khi Hồ Nam là một tỉnh sản xuất lúa gạo chính nhưng đang bị ảnh hưởng bởi các khu công nghiệp và tình trạng ô nhiễm đất cũng như nguồn nước. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải dân số cũng đang khiến các chất thải ra sông ngòi và đất đai tăng lên, qua đó làm giảm chất lượng lúa gạo sản xuất ra.

Tình trạng hạn hán và thiếu nước cũng đang làm ngành nông nghiệp Trung Quốc khốn khổ. Báo cáo năm 2015 của UN cho thấy mực nước trong hệ thống thủy lợi của nước này đã giảm đáng kể, thấp hơn khoảng 40 mét so với thời kỳ 1960 do thay đổi thời tiết và khí hậu.

Tồi tệ hơn, Bộ Tài nguyên Môi trường Trung Quốc cũng cho biết khoảng 16,1% đất tại đây năm 2014 đã bị ô nhiễm, trong đó có đến 19,4% đất nông nghiệp đã bị nhiễm hóa chất nặng.

Cựu Thứ trưởng Wang Shiyuan của Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã cảnh báo rằng 3,33 triệu ha đất nông nghiệp Trung Quốc đã bị ô nhiễm nặng và không nên cho phép tiếp tục canh tác trên những vùng đất đó.

Trong khi đó, báo cáo của chính phủ tỉnh Quảng Đông cho thấy 28% vùng Đồng bằng Châu Giang, khu vực đô thị hóa đông đúc nhất thế giới và là trung tâm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã bị ô nhiễm nặng.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM