Trụ trì Làng Mai kể chuyện Tết Việt nơi xứ người và hành trình thành người tu hạnh phúc

29/01/2025 07:30 AM | Sống

Hòa trong không khí những ngày Tết đến, Xuân về, các tu sĩ dù bộn bề công việc tới đâu cũng tạm gác lại để sum vầy, hân hoan dành cho nhau lời chúc tốt đẹp nhất trong khoảnh khắc chuyển giao thiêng liêng.

Chẳng ai ngờ tại một nơi xa xôi cách Việt Nam khoảng 10.000km lại có một hệ thống tu viện nổi tiếng cũng đón giao thừa, đón Tết Âm lịch trong không khí ấm cúng với sự tham gia của hàng trăm tăng ni, phật tử đến từ khắp nơi trên thế giới.

Trước thềm năm mới, tu viện Làng Mai, vùng Dordogne, miền Nam nước Pháp lại nhộn nhịp chuẩn bị cho Tết cổ truyền: Người gói bánh chưng, bánh tét, người trang hoàng quét dọn tu viện, người viết câu đối, người chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, món ăn cổ truyền, trò chơi dân gian,... để đón một năm mới trọn vẹn theo đúng truyền thống Á Đông. Làng Mai được thành lập vào đầu năm 1982, do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập, có tên tiếng Pháp là Village des pruniers, tiếng Anh Plum Village. Tên chữ của Làng Mai là Đạo Tràng Mai Thôn.

Tết nơi đây đậm nét cổ truyền người Việt nhưng cũng rất “Làng Mai” bởi nhiều hoạt động văn hoá tâm linh thiêng liêng được giữ gìn, tiếp nối và phát triển. Trong bầu không khí sum vầy nhưng không kém phần thiêng liêng, quý thầy, quý sư cô và các vị thiền sinh cùng gửi những lời chúc tốt đẹp tới nhau, quây quần trò chuyện “ôn cố tri tân”. Tạm gác lại mọi công việc bộn bề, mọi người cùng nhau chào đón năm mới.

Nhân ngày đầu năm mới của năm Ất Tỵ 2025, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng thầy Pháp Hữu - Trụ trì Làng Mai để hiểu hơn về không khí những ngày Tết nơi đây và hành trình tu tập của một người xuất gia hạnh phúc. Trong năm vừa qua, thầy Pháp Hữu lọt top 10 khách mời và diễn giả của Diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu 2024”.

Trụ trì Làng Mai kể chuyện Tết Việt nơi xứ người và hành trình thành người tu hạnh phúc- Ảnh 1.

Bắt đầu hành trình tu tập từ khi 13 tuổi, thầy còn nhớ những ký ức đón giao thừa và ngày đầu tiên của năm mới ở Làng Mai?

Khi tôi lên 3 tuổi đã xa quê hương, theo gia đình đến Canada sinh sống. Tết cổ truyền trong ký ức là được đi hội chợ do cộng đồng người Việt Nam tổ chức. Tôi cũng được coi múa lân, coi biểu diễn văn nghệ, được lì xì, thưởng thức các món ăn truyền thống.

Nhưng khi qua Làng Mai, tôi được tiếp xúc với nguồn năng lượng ấm áp của văn hoá Việt Nam mà trước đó, tôi chưa từng cảm nhận. Tết ở đây đặc biệt và giàu cảm xúc! Vào đêm giao thừa Sư ông (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) tổ chức pháp thoại, dùng thơ văn để hướng dẫn mọi người cách buông bỏ khổ đau, tạo nên hạnh phúc.

Chúng tôi đón giao thừa theo thời gian Việt Nam. Vào thời khắc chuẩn bị bước sang năm mới, đại chúng tập trung ngồi thiền 30 phút. Đúng khoảnh khắc giao thừa, Quý thầy sẽ thỉnh chuông bát nhã và đọc lời khấn nguyện đầu năm, lạy tổ tiên, lạy tam bảo, tụng một bài kinh và ăn tối với nhau. Sau đó đêm văn nghệ diễn ra, các sư thầy, sư cô sẽ hát những bài thiền ca, đóng kịch Táo Quân. Sau này, những hình thức âm nhạc thú vị như rap, hip hop cũng được đưa vào chương trình văn nghệ, khiến các tiết mục thêm đặc sắc.

Bước sang mồng 1 Tết, mọi người tập trung để chúc thọ Sư ông. Chúng tôi tổ chức đốt pháo, múa lân. Tiếp đó, các vị tăng ni sẽ thực hành khấn nguyện đầu năm để thấy trong mỗi người đều có một “đức Phật”, một đức tin thiêng liêng, an lành và nhân cách cao cả. Đây là tập tục chỉ có ở Làng Mai, do Sư ông thiết lập với ý nghĩa để mọi người cùng tương trợ nhau trên con đường tu tập, luôn quý mến, kính trọng, coi nhau như gia đình.

Cũng vào buổi sáng mùng 1, Sư ông là nhà văn cũng là nhà thơ tổ chức bói Kiều. Mọi người quỳ xuống, để tay lên chuông, thở 3 hơi và ý thức chánh niệm về từng hơi thở. Mỗi người sẽ tự đặt những câu hỏi từ trái tim, về sự học, về hạnh phúc, về khổ đau cho mình rồi rút câu Kiều và để Sư ông giải đáp. Đây là nét văn hoá rất đẹp được tu sĩ Làng Mai tiếp tục giữ gìn và tiếp nối.

Trụ trì Làng Mai kể chuyện Tết Việt nơi xứ người và hành trình thành người tu hạnh phúc- Ảnh 2.

Lần đầu tiên được thực hành tập tục, được đọc bài khấn nguyện thiêng liêng, cảm xúc sâu thẳm bên trong thầy thế nào?

Khi đó, tôi là sư chú trẻ, được đứng dậy nghiêm trang lạy các sư cô khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi cảm thấy biết ơn những người đã bỏ cuộc đời ngoài kia để đi theo con đường tu tập, cạo tóc xuất gia và có chiến nguyện phụng sự thế gian. Đó là tâm nguyện đẹp, đáng quý trọng. Trong số các tăng ni ở đây, rất nhiều người có sự nghiệp vẻ vang ở ngoài đời, nhưng lại chọn xuất gia, bỏ lại vương vấn hồng trần.

Xuất gia thì dễ nhưng sống trọn đời người xuất gia thì vô cùng gian nan. Chúng ta có thể muốn xuất gia do tâm nguyện ban đầu mãnh liệt nhưng để duy trì đời sống xuất gia và tâm bồ đề thì cần có sự yểm trợ trong con đường đạo. Ở Làng Mai, Sư ông luôn căn dặn chúng tôi cần coi nhau như huynh đệ, như tri kỷ để tương trợ nhau trên con đường tu tập. Chính vì thế, khi vái lạy và đọc lời cầu nguyện, cảm giác trong tôi rất thiêng liêng.

Mọi người ở đây đa văn hoá, đa quốc gia. Có người theo tín ngưỡng khác, có người được đi theo con đường học vấn, có sự nghiệp lẫy lừng, lại có người xuất thân từ gia đình nghèo. Có người nhận được yêu thương, nhưng lại có người khổ đau, bị kỳ thị, ruồng rẫy. Nhưng đã về Làng Mai, mọi người đều gieo hạt giống thương yêu để cống hiến cho nhân gian.

Trụ trì Làng Mai kể chuyện Tết Việt nơi xứ người và hành trình thành người tu hạnh phúc- Ảnh 3.

Còn những ngày Tết tiếp theo ở tu viện diễn ra thế nào, thưa thầy? Mọi người có những hoạt động truyền thống như lì xì lấy may, treo câu đối đỏ, xông đất, chúc Tết không?

Ở Làng Mai, chúng tôi đề cao tình cảm giữa con người với con người. Trước Tết khoảng chục ngày, chúng tôi cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, rồi luộc bánh bằng bếp củi để còn kịp cúng Ông Công, Ông Táo. Trong thời gian đợi bánh chín, mọi người chia sẻ những điều đã qua trong năm cũ, kể chuyện ngày xưa, hát những bài ca thuở nhỏ. Suốt 12 tiếng, mọi người luân phiên canh nồi bánh, tận hưởng không khí đầm ấm, sum vầy. Chúng tôi cũng làm những món ăn chay cổ truyền, muối dưa kiệu...

Phong tục viết câu đối đỏ trang trí cũng được chuẩn bị cẩn thận trước Tết. Trước đây, Sư ông đích thân chọn lựa, viết câu đối treo trong xóm. Sau này khi Sư ông không còn, tập tục vẫn được diễn ra, sẽ có các thầy viết thư pháp trang hoàng tu viện dịp đầu năm.

Một điều đặc biệt ở Làng Mai là vào những ngày đầu năm, nội viện - nơi ở riêng tư của các tăng ni sẽ được mở cửa chào đón khách. Mọi người tới nội viện thăm hỏi, chúc Tết, trò chuyện. Chủ nhà cũng chuẩn bị trà, nước, cà phê, bánh trái, hạt dưa,... Văn hoá này được ông bà tổ tiên trao truyền lại để kết nối với nhau.

Theo thầy, các hoạt động văn hoá tâm linh trong những ngày đầu năm cần được gìn giữ và phát triển như thế nào?

Là người lớn lên ở Tây Phương, tôi thấy xã hội hiện đại có nhiều chia rẽ. Mỗi người đều đề cao cái Tôi, chủ nghĩa cá nhân, mà quên đi nền tảng cộng đồng. Vì thế, Tết ở Làng Mai như lời nhắc nhở mọi người tạm gác công việc để cùng nhau ăn mừng, trò chuyện, coi trọng sự có mặt ở hiện tại. Đó là bài học về tình người, về thứ thiêng liêng mà tiền bạc, quyền hành không thể mua được.

Trụ trì Làng Mai kể chuyện Tết Việt nơi xứ người và hành trình thành người tu hạnh phúc- Ảnh 4.

    Trụ trì Làng Mai kể chuyện Tết Việt nơi xứ người và hành trình thành người tu hạnh phúc- Ảnh 5.

Hơn 20 cái Tết ở Làng Mai cũng là ngần ấy năm thầy theo con đường tu tập với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thầy có thể chia sẻ những ấn tượng về thời gian đã qua?

Trong ký ức, gia đình tôi không phải thuần theo đạo mục nhưng thường xuyên đi chùa. Thế nhưng, tôi không có cảm giác được kết nối với chùa, nói thật là không hiểu hết được văn hoá quê hương.

Nhưng có một lần cha dẫn tôi cùng chị gái đến Làng Mai vào năm 1996 để theo một khóa tu tổ chức dịp hè, tôi nhớ như in cảm giác lạ lẫm, xen lẫn tò mò. Lúc đó, tôi mới 9 tuổi, rất thích hệ thống tu viện Làng Mai vì nơi đây không giống chùa, không phải đến chùa là tôi thấy thích rồi. (cười lớn).

Một điều thú vị mà tôi thấy là các tăng ni, phật tử ở Làng Mai đều có năng lượng thiện lành, dễ chịu. Mọi người chân thành, thân thiện khiến tôi thấy ấm áp. Quãng thời gian ngắn ngủi nhưng đã khiến một cậu bé 9 tuổi thích mê, hạnh phúc vì được chơi bóng rổ, đá banh, chơi các trò chơi dân gian,... mà không phải là chơi game, xem tivi như ở nhà.

Và đặc biệt hơn cả là tôi được gặp Sư ông - người đã trải qua nhiều thăng trầm trong đời nhưng lại luôn toả ra một nguồn năng lượng bình an, qua cách đi đứng, trò chuyện. Sư ông rất gần gũi, không hề xa cách như trước đây tôi vẫn nghĩ. Rồi sau đó, mùa hè năm 1999, 2000, 2001, tôi lại tới Làng Mai tham gia khoá tu ngắn hạn. Năm 2001 - khi tôi 13 tuổi, “hạt giống” xuất gia trỗi dậy mãnh liệt.

Nhiều người hỏi vì sao khi đó tôi nhỏ tuổi như vậy nhưng quyết định đi tu. Tôi trả lời đó là cảm giác giống như gặp được người thương, muốn sống cả đời với người đó. Tuy tôi không biết rõ về những khó khăn phía trước nhưng tôi hiểu, khó khăn đó không lớn bằng việc nếu giờ, tôi đánh mất đi người thương này.

Trụ trì Làng Mai kể chuyện Tết Việt nơi xứ người và hành trình thành người tu hạnh phúc- Ảnh 6.

Trước bước ngoặt lớn cuộc đời, cha mẹ thầy đã phản ứng ra sao về quyết định của thầy?

Trong cuộc đời, tôi chưa từng nghĩ mình là người xuất gia. Cha mẹ tôi là người lao động vất vả, tôi chỉ mong sau này có công việc ổn định, có nhiều bạc tiền, trở nên giàu có để trả công ơn nuôi dưỡng cho bậc sinh thành. Nhưng đến năm 2001, tôi sẵn sàng bỏ tất cả để đi theo con đường tu tập.

Cha, mẹ, chị gái đều ủng hộ, tôn trọng quyết định của tôi. Mẹ cũng vậy, nhưng có lẽ với một người mẹ, điều này khó khăn hơn vì tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Mẹ hụt hẫng khi nghĩ tôi không sống bên cạnh mà ở tít tận một tu viện bên Pháp, phải đi máy bay mới tới nơi. Đó là sự hy sinh cao cả, tôi rất biết ơn mẹ của mình.

Quyết định xuất gia hẳn là bước ngoặt lớn, ngoài ra, trong hành trình tu tập, thầy còn có những dấu mốc đáng nhớ nào khác?

Nếu trả lời theo hành thiền thì giây phút nào trong cuộc đời cũng là đáng nhớ, đáng trân trọng. Nhưng nếu trả lời theo cách thông thường, sẽ có một vài khoảnh khắc khó quên.

Đến giờ, trong tôi vẫn vẹn nguyên xúc động giây phút mẹ chấp thuận để tôi xuất gia. Mẹ tôi đã nói rằng: “Nếu con cảm thấy hạnh phúc khi đi tu thì mẹ sẽ ủng hộ hạnh phúc đó”. Mẹ thấy được ước mong của tôi, đó là điều thiêng liêng. Và tôi nghĩ, người mẹ nào cũng mong con mình hạnh phúc. Hay khoảnh khắc được Sư ông cạo đầu, tăng thân cũng là giây phút không thể nào quên.

Trong đời tu, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lúc tôi 18 tuổi, tôi phân vân không biết mình còn muốn đi tu, còn muốn tiếp tục con đường này hay không. Trong lúc hoang mang, rối ren, một người bạn trạc tuổi tôi khi đó tham gia khoá tu mùa hè, ra về đã nói: “Con rất hạnh phúc khi được tham dự khoá tu vì khi về lại cuộc đời ngoài kia, con gặp khó khăn, trong lòng con biết có quý sư thầy, quý sư cô là nơi để nương tựa”. Dĩ nhiên người bạn không biết câu nói đó đã khiến tôi quyết định ở lại vì tôi thấy sự có mặt của mình có ý nghĩa, có ảnh hưởng nhất định đến mọi người.

Giây phút Sư ông không còn trên cõi đời cũng là thời khắc tôi đau buồn, khóc rất nhiều. Buồn chứ vì tôi cũng là con người, tôi phải chấp nhận việc Sư ông không còn ở Làng Mai.

Trụ trì Làng Mai kể chuyện Tết Việt nơi xứ người và hành trình thành người tu hạnh phúc- Ảnh 7.

Khi tiếp quản Làng Mai cùng di sản văn hoá tâm linh đồ sộ từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thời điểm đó, thầy cảm thấy đã sẵn sàng hay còn băn khoăn, lo lắng?

Tôi đã thực tập để tiếp quản công việc từ lúc Sư ông còn khoẻ. Tôi biết đời là vô thường, một ngày nào đó Sư ông sẽ ra đi. Nhưng khi nghe tin Sư ông mất, nỗi buồn vẫn rất lớn vì đó là người đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi rất nhiều. Những ngày làm lễ cho Sư ông, trong tôi nhiều cảm xúc: Đau buồn, tiếc nuối, mang ơn vì được làm đệ tử của thầy, được tiếp tục công việc vĩ đại là phụng sự cho khổ đau.

Thế nhưng nhìn lại, đó cũng là món quà, là cơ hội để tôi đứng dậy tiếp nhận di sản tâm linh để phát triển.

Trụ trì Làng Mai kể chuyện Tết Việt nơi xứ người và hành trình thành người tu hạnh phúc- Ảnh 8.

Đồng hành với Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong các chuyến giảng dạy quốc tế với tư cách là thị giả và trợ lý, thầy đã có những bài học gì cho riêng mình?

Bài học quý nhất mà tôi học được ở Sư ông là chánh niệm và thiền tập. Cuộc đời khi nào cũng có khổ đau, hạnh phúc, bình an. Tôi từng gặp những CEO của các tập đoàn hàng đầu thế giới, họ có khổ đau và cả những niềm vui. Tôi cũng từng đến những nơi nghèo khó cùng cực, họ có niềm hạnh phúc nhưng cũng chất chứa nỗi buồn. Theo người bình thường, khổ đau và hạnh phúc được đánh giá qua tiền bạc vật chất, công việc, gia đình. Nhưng nếu nhìn sâu hơn qua lăng kính của đời sống tâm linh, phút giây hiện tại chính là hạnh phúc - thứ hạnh phúc mà tiền bạc không thể mua.

Trong nhiều chuyến đi, tôi cũng nhận ra: Không cần trong tu viện, mình mới có chánh niệm mà đi đâu cũng có thể áp dụng được.

Trụ trì Làng Mai kể chuyện Tết Việt nơi xứ người và hành trình thành người tu hạnh phúc- Ảnh 9.

Việc cam kết xây dựng cộng đồng và tiếp nối di sản của Thiền sư, đặc biệt là mang những lời dạy của Thiền sư đến với các doanh nhân, nhà hoạt động vì khí hậu, các lãnh đạo, thanh niên được thầy thực hiện như thế nào?

Tôi gặp nhiều người nổi tiếng trong giới nghệ thuật, kinh doanh hay các nhà chính trị gia, lãnh đạo,... nhưng tôi không nhìn vào chức vị, danh tiếng của họ. Tôi coi họ là những người bình thường, sẽ có khổ đau, hy vọng, ước nguyện. Tôi nhận thấy dù họ là người nổi tiếng, xuất chúng thì vẫn có một phần cảm xúc, tính cách của những đứa trẻ, có thể là 5 tuổi, 7 tuổi, 16 tuổi. Họ có vết thương lòng, cần sự chăm sóc. Họ cũng có những hy vọng, niềm vui đã đánh mất và tôi sẽ giúp họ tìm lại những điều đó.

Nhiều lúc, chúng ta đơn giản chỉ cần một người lắng nghe, trút bầu tâm sự cho nhẹ lòng. Có nhiều câu hỏi tôi nhận được, nhưng tôi cũng đâu có câu trả lời. Ở trong đời, chúng ta bị áp lực vô hình rằng phải giỏi, phải tốt, không được phép khổ đau. Nỗi áp lực ấy càng nhân lên bội phần đối với những người lãnh đạo, CEO. Nhưng đôi khi, chúng ta cần cho phép bản thân được yếu đuối, yếu kém, có những khía cạnh chưa toàn diện.

Như vậy ngay cả những người nổi tiếng, giàu có, ở vị thế rất cao vẫn khổ đau. Vậy đâu là cách hoá giải điều đó, thưa thầy?

Ở Làng Mai, chúng tôi tổ chức nhiều khóa tu, một trong những pháp môn hữu ích đó là lắng nghe và chia sẻ từ trái tim. Khi chúng ta có cảm xúc tiêu cực tức là đang thấy khổ đau. Việc không thể nói ra, chia sẻ sẽ tạo thành sự bực bội.

Cách thực tập nhanh chóng nhất là chia sẻ trăn trở, tâm tư và học cách lắng nghe bằng thân thể, chứ đừng lắng nghe bằng tâm trí. Bởi khi lắng nghe bằng tâm trí, trong đầu chúng ta bắt đầu phán xét, đánh giá mà không lắng nghe người đối diện. Chỉ khi lắng nghe bằng thân thể, chúng ta mới thực sự hiểu mọi người xung quanh. Đây là cách thực tập vĩ đại. Nhiều người chia sẻ với tôi, họ sẽ đem pháp môn này trở về với gia đình, công việc, các mối quan hệ xã hội.

Những người tới Làng Mai, tôi cũng dặn họ không cần giới thiệu danh tiếng, vị thế, chỉ cần nêu tên là đủ. Không cần phải khoe khoang mình đến từ đâu, là ai trong xã hội, bởi thực ra đó là tâm lý rất đáng sợ, họ đang muốn người đối diện thấy họ quan trọng. Tới đây là thực tập qua cộng đồng, chỉ cần kết nối với nhau bằng tình người.

Làm việc nhiều với những doanh nhân lớn, chuyên gia uy tín, các lãnh đạo, thầy thấy họ ảnh hưởng đến bản thân như thế nào?

Họ mang đến kiến thức, kinh nghiệm cuộc đời giúp tôi học hỏi được nhiều điều. Tôi là người xuất gia, sẽ không có gia đình riêng, không trải qua những khổ đau trong xã hội. Nhưng tôi cũng không cần bỏ đời tu để trải qua điều đó. Khi tôi lắng nghe câu chuyện của họ, tôi có cảm giác được sống cuộc đời của họ. Hay khi họ có niềm vui, đạt được thành tựu, tôi chia sẻ niềm vui với họ.

Hạnh phúc của bạn là hạnh phúc của tôi. Khổ đau của bạn cũng là khổ đau của tôi. Khi có tuệ giác này, đời sống tinh thần của tôi giàu có, phong phú. Tôi chưa bao giờ có cảm giác đời sống tu sĩ khô khan.

Trụ trì Làng Mai kể chuyện Tết Việt nơi xứ người và hành trình thành người tu hạnh phúc- Ảnh 10.

Thầy đã thuyết giảng tại bao nhiêu khóa, đặt chân tới bao nhiêu quốc gia trên thế giới? Đâu là sự khác biệt giữa những chuyến đi đó so với chuyến thuyết giảng tại quê hương Việt Nam, thưa thầy?

Tôi đã tới 17 quốc gia trải dài khắp các châu lục. Tôi cũng có nhiều chuyến về Việt Nam thuyết giảng bằng tiếng mẹ đẻ, thật sự tôi thấy tội cho những ai phải lắng nghe vì tiếng Việt của tôi không tốt. (cười lớn).

Nhưng khi được thuyết giảng, được trò chuyện với mọi người bằng ngôn ngữ quê hương, trong tôi dâng lên sự xúc động, tự hào. Đặc biệt khi được tiếp xúc với thế hệ trẻ, tôi rất vui vì thấy Việt Nam đổi mới, có đời sống tâm linh mãnh liệt và tôi có cơ hội để tưới tắm cho hạt giống đó.

Được biết, thầy chơi đàn rất hay, đọc rap rất cuốn, tích cực dùng MXH, xây dựng kênh podcast. Điều này đóng vai trò thế nào trong Phật pháp, thưa thầy?

Âm nhạc có thể trao truyền cảm xúc, chữa lành tâm hồn. Trong tu tập, âm nhạc được áp dụng trong những bài lễ, bài thiền,... giúp chúng ta chạm tới cảm xúc thiêng liêng, kết nối mọi người với nhau. Âm nhạc cũng là ngôn ngữ rất thú vị. Đơn cử như rap có nguồn gốc từ những người da đen đã trải qua đô hộ, phải làm nô lệ. Rap, hip hop trở thành phương tiện nói lên những khổ đau, niềm hy vọng. Sống ở thế kỷ 21, tôi muốn kết nối với thế giới, chứ không phải đi tu là buông bỏ, không tiếp xúc với ai, sống ẩn dật một mình.

Nhiều người nghĩ người xuất gia là bỏ cuộc đời của mình, đi vào núi tu học. Với tôi, quan niệm đó rất sai. Người xuất gia cũng mang đến ảnh hưởng nhất định trong xã hội như các ngành nghề bác sĩ, giáo viên, doanh nhân,... Ở Làng Mai, tôi giúp những người xuất gia nhận ra mình không hề rời khỏi cuộc sống mà đang cống hiến phần tâm linh cho cộng đồng. Chúng tôi vẫn tổ chức văn nghệ, thiền trà để ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống. Mọi thứ mới mẻ, tràn đầy sức sống!

Xin cảm ơn thầy về buổi chia sẻ ấm áp đầu năm. Kính chúc thầy an lạc trên hành trình là Người Tu Hạnh Phúc! 
BizINSPIRE

Bài viết: Ứng Hà Chi; Thiết kế: Hà Mĩ

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Nhà băng nào ngốn nhiều chi phí vận hành nhất? Đại gia Vietcombank chỉ đứng thứ 2, ACB, VIB, Sacombank ngày càng 'tiết kiệm'

Trong khi hầu hết các ngân hàng tăng mạnh chi phí hoạt động trong quý 4, vẫn có 5 ngân hàng cắt giảm chi tiêu. VIB gây chú ý khi đã cắt giảm suốt 3 quý liên tiếp.

'WeWork thứ 2' của Masayoshi Son lừa đảo, xào nấu số liệu: Câu chuyện về những nhà đầu tư khởi nghiệp chuyên đi bơm thổi, biến các startup thành 'Punycorn'

Masayoshi Son chẳng mấy quan tâm đến tình hình kinh doanh của startup và chính điều này đã tạo ra hàng loạt những “Punycorn” cứ IPO xong là mất giá sau khi các nhà đầu tư đã “an toàn rút vốn”.

Local brand kỳ cựu liên tiếp đóng cửa, thời trang TMĐT lại lên ngôi: Có thương hiệu doanh số tăng từ 64 triệu đồng lên 7 tỷ đồng sau 3 tháng lên Shopee

Giày MỘT là local brand Việt Nam mới nhất tạm biệt thị trường, sau hàng loạt cái tên kỳ cựu khác như Catsa hay Lep’. Trong khi đó, những thương hiệu thời trang tập trung vào các kênh TikTok Shop hay Shopee lại “ăn nên làm ra”. Họ đã làm như thế nào?

Lần đầu tiên trong lịch sử, Apple sắp chuyển sản xuất iPhone sang một nước ĐNÁ, đã bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng tinh vi bậc nhất

Apple đang trao đổi với các nhà cung cấp về tính khả thi của việc thiết lập dây chuyền lắp ráp iPhone mới tại quốc gia này.