Trong khi tổng thống Trump đang 'quyết chiến' với Trung Quốc, bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Mỹ giờ ra sao?
Những sự thật cùng các con số thuộc nhiều khía cạnh sẽ cho bạn cái nhìn rõ ràng hơn về nền kinh tế Mỹ.
Trong hơn một thế kỷ qua, Hoa Kỳ luôn duy trì vị thế cường quốc kinh tế số 1 thế giới của mình. Từ GDP đến sàn giao dịch chứng khoán hùng mạnh, đây là thị trường mà phần còn lại của toàn cầu luôn hướng đến, ngay cả khi nền kinh tế này rơi vào tình trạng ảm đạm.
Nhưng sau cuộc Đại suy thoái, kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và tương lai cũng trở nên thiếu chắc chắn. Đặc biệt là khi Tổng thống Donald Trump vẫn tỏ ra quyết liệt trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, điều được cho là sẽ gây tổn thương đến nền kinh tế số 1 thế giới nói riêng và toàn cầu nói chung.
Trước khi nói đến những thiệt hại trong tương lai, tờ Business Insider đã tổng hợp những số liệu có thể mang đến cái nhìn rõ nét ở nhiều khía cạnh về thực tế kinh tế Mỹ hiện nay:
1. Lập thành tích chuỗi năm tăng trưởng dài thứ 2 thế giới
Tháng Năm vừa qua đánh dấu chuỗi 8 năm tăng trưởng liên tiếp của nền kinh tế Hoa Kỳ, đưa cường quốc này trở thành quốc gia có số năm tăng trưởng liên tiếp dài thứ 2 thế giới.
Dù sự tăng trưởng có phần chậm lại sau cuộc Đại suy thoái nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại thì đây vẫn là điều đáng ghi nhận.
Nếu tiếp tục đà này đến tháng Bảy, đây sẽ là chuỗi tăng trưởng kéo dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, vượt qua giai đoạn từ năm 1991 đến 2001. Hiện tại, Mỹ vẫn còn chặng đường dài và nhiều điều phải làm nếu như muốn vượt mặt Úc, quốc gia đã trải qua năm thứ 27 tăng trưởng kinh tế liên tiếp vào năm ngoái.
2. Nhưng Mỹ cũng đang đau đầu khi 13 năm liên tiếp tăng trưởng GDP thực dưới 3%
Nếu như chuỗi 7 năm tăng trưởng là điều đáng mừng thì Mỹ cũng phải "đau đầu" chấp nhận sự thật rằng tăng trưởng GDP thực trong 13 năm qua vẫn chưa đạt mức 3%.
Năm 2018, nền kinh tế số 1 thế giới để tuột khỏi tay cột mốc này khi tăng trưởng GDP thực tế đạt ngưỡng 2,9%. Sau khi chạm ngưỡng 3,5% vào năm 2005, chỉ số tăng trưởng GDP thực của Mỹ vẫn chưa thể đạt tới 3%.
Năm 1934, GDP thực của Mỹ từng chứng kiến thời kỳ đỉnh cao khi tăng trưởng đến 10,8%.
3. Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 20 triệu việc làm
Với sự tăng trưởng kinh tế kéo dài trong cả thập kỷ qua, các chỉ số then chốt cũng cho thấy dấu hiệu tích cực. Mạnh mẽ nhất là tăng trưởng tiền lương, đạt 3,4% trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,8%.
Tuy nhiên, một số số liệu thống kê lại khắc họa 1 bức tranh ảm đạm hơn. Số lượng lao động bán thời gian mong muốn làm việc toàn thời gian tăng lên, trong khi một số chủ lao động lớn, như các nhà bán lẻ và công ty xây dựng lớn, đã cắt giảm nhu cầu.
4. Thiếu ngủ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ hàng tỷ USD
Theo Quazt, có đến 1/3 dân số Hoa Kỳ không ngủ đủ giấc, khiến quốc gia này mất đi 411 tỷ USD và 1,2 triệu ngày làm việc mỗi năm.
Việc thiếu ngủ đến từ nhiều yếu tố khác nhau, có thể do làm việc quá sức, thói quen có hại cho sức khỏe kém hay thậm chí là từ ánh sáng xanh độc hại từ thiết bị điện tử.
5. Khoảng cách giàu nghèo giữa tầng lớp trung lưu và thượng lưu là 100.000 USD
Năm 2011, 51% người Mỹ được xếp vào tầng lớp trung lưu và con số này tăng nhẹ lên 52% sau 5 năm.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo giữa tầng lớp trung lưu và thượng lưu đã tăng lên đáng kể. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình trung lưu tăng từ 74.000 USD lên 78.000 USD nhưng tầng lớp thượng lưu lại có thu nhập trung bình là 189.000 USD, tăng 17.000 USD.
6. Thế hệ Z có thể chi tiêu đến 143 tỷ USD trong năm tới
Thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến 2012), sẽ chiếm khoảng 40% tổng số người tiêu dùng Mỹ vào năm tới. Những đối tượng này dự kiến sẽ đóng góp tới 143 tỷ USD chi tiêu trực tiếp.
Điều này sẽ khiến nhiều nhà bán lẻ đau đầu khi họ phải tìm lời giải cho bài toán thay đổi thói quen tiêu dùng của cả một thế hệ, gắn với internet cùng các thiết bị di động.
7. Nếu là một quốc gia, bang California sẽ trở thành nước có GDP cao thứ 5 thế giới
Hoa Kỳ là cường quốc số 1 thế giới, bao gồm 50 tiểu bang với các nền kinh tế đa dạng, khác nhau. Một số đó có nền kinh tế đủ lớn, tương đương với nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt là California.
Nếu "tiểu bang vàng" (Golden State) trở thành một quốc gia riêng, nền kinh tế này sẽ đứng thứ 5 trên thế giới, vượt qua GDP của Vương quốc Anh năm ngoái. Với giá trị GDP đạt 2,474 tỷ USD, California chỉ đứng sau Đức, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Texas và New York cũng rất lớn, GDP lần lượt xếp thứ 11 và 13 trên toàn thế giới.
8. Dẫn đầu trong chi tiêu cho quốc phòng
Một trong những hạng mục mà Mỹ không lo mất vị trí đầu bảng là chi tiêu quốc phòng. Số tiền mà cường quốc kinhh tế số 1 thế giới dành cho quốc phòng nhiều hơn cả 7 quốc gia đứng liền sau cộng lại.
Con số này đạt 610 tỷ USD hàng năm, vượt xa 578 tỷ USD tổng chi tiêu của Trung Quốc, Nga, Ả Rập Saudi, Ấn Độ, Pháp, Vương quốc Anh và Nhật Bản.
9. Nợ quốc gia của Mỹ đang ở mức cao nhất mọi thời đại
Tính đến tháng Hai, nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại, 22 tỷ USD. Với dự đoán từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội rằng thâm hụt hàng năm trung bình của nước này là 1,2 nghìn tỷ USD (khoảng 4,4% GDP hàng năm), số nợ sẽ chưa có dấu hiệu giảm.
Trước đó, nợ quốc gia của Mỹ cũng từng tăng vọt 2 lần, ngay sau Thế chiến II và trong cuộc khủng hoảng tài chính.