Trong khi con gái Bầu Đức bắt đáy HAG thành công rực rỡ, công tử nhà Hòa Phát lỗ nặng khi đu đỉnh HPG

25/01/2022 10:13 AM | Kinh doanh

Cùng chi tiền mua cổ phiếu của công ty do bố điều hành, nhưng Đoàn Hoàng Anh sau nửa năm đang "gồng lãi" khoảng 55 tỷ đồng trong khi Trần Vũ Minh "gồng lỗ" 50 tỷ đồng.

Cách đây khoảng nửa năm, có một sự trùng hợp khi con gái Bầu Đức là Đoàn Hoàng Anh và con trai của tỷ phú Trần Đình Long là Trần Vũ Minh cùng mua cổ phiếu của công ty do bố mình đang điều hành.

Cụ thể, Đoàn Hoàng Anh đã mua tổng cộng 8 triệu cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai trong vùng giá khoảng 5.000-5.200 đồng/cổ phiếu. Tạm ước tính số tiền mà Đoàn Hoàng Anh chi ra là hơn 40 tỷ đồng.

Trong khi đó, Trần Vũ Minh mua 5 triệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với mức giá khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị khoảng 250 tỷ đồng.

Trong khi con gái Bầu Đức bắt đáy HAG thành công rực rỡ, công tử nhà Hòa Phát lỗ nặng khi đu đỉnh HPG - Ảnh 1.

Thế nhưng, kết quả sau gần nửa năm lại khác biệt hoàn toàn. Cổ phiếu HAG tăng giá mạnh mẽ, từ 5.000 đồng có lúc lên trên 16.000 đồng. Thời gian gần đây, đà giảm chung của thị trường đã khiến HAG hiện chỉ còn dưới 12.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, với mức giá này, Đoàn Hoàng Anh vẫn đang có lãi hơn 130%, tương đương khoảng 55 tỷ đồng.

Ngược lại, cũng sau gần nửa năm, Trần Vũ Minh lại đang chịu lỗ hơn 20%. Giá cổ phiếu Hòa Phát mặc dù có lúc lên 58.000 đồng/cổ phiếu, nhưng từ tháng 11/2021 tới nay rơi vào "downtrend", hiện chỉ còn khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu.

Mức lỗ 10 giá khiến khoản đầu tư của Trần Vũ Minh bốc hơi khoảng 50 tỷ đồng.

Trong khi con gái Bầu Đức bắt đáy HAG thành công rực rỡ, công tử nhà Hòa Phát lỗ nặng khi đu đỉnh HPG - Ảnh 2.

Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai đã công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận 120 tỷ đồng, chấm dứt 2 năm thua lỗ lên tiếp và đặt mục tiêu lãi 1.120 tỷ đồng năm 2022. Định hướng của Hoàng Anh Gia Lai là tăng cường các biện pháp tái cơ cấu tài chính, phấn đấu giảm số dư nợ phải trả ngân hàng xuống còn 5.000 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai sẽ đẩy mạnh triển khai chiến lược kinh doanh tập trung vào 2 ngành hàng chủ yếu là chuối và chăn nuôi heo. Đây là 2 ngành hàng có thị trường rộng lớn tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chuối loại thải từ ngành trồng trọt (khoảng 200.000 tấn/năm) sẽ được dùng làm thức ăn chăn nuôi heo, giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng thịt heo.

Về phía Hòa Phát, tập đoàn này thời gian gần đây cho thấy nhiều tham vọng với lĩnh vực bất động sản khi muốn làm sân golf và đô thị sinh thái quy mô gần 390ha tại Hải Dương, đồng thời muốn thực hiện một số dự án bất động sản tại Khánh Hòa.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM