Trẻ mắc Covid-19 tăng mạnh, nhiều trẻ cấp cứu trong đêm vì co giật
Các bác sĩ cấp cứu nhi cho biết, đợt dịch này, đa số trẻ đi cấp cứu ban đêm vì co giật kèm sốt có kết quả dương tính với SARS-COV-2. Dù Covid ở trẻ em ít khi diễn biến nặng, nhưng cần kiểm soát sốt cho trẻ.
Trẻ nhiễm Covid-19 tại TP.HCM tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước khiến các BV Nhi của thành phố này đông đúc bệnh nhân tới khám.
BS.CKII Nguyễn Thanh Hải - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết bắt đầu từ tháng 3, số bệnh nhi đến khám tại bệnh viện tăng lên, kéo theo đó nhiều trẻ nghi ngờ mắc Covid-19 tăng theo. Theo đó, mỗi ngày có 400 - 500 trẻ nghi ngờ mắc Covid-19 cần sàng lọc, trong đó có khoảng 80% trẻ nhiễm Covid-19. Khoa khám bệnh bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi 24/24h.
ThS.BS Dư Tấn Quy - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết tại khu khám sàng lọc Covid-19 trong gần một tuần nay có số trẻ là F0 đến khám bệnh tăng cao.
Bệnh viện bố trí 4 bàn khám cho bệnh nhi là F0, trung bình một bàn khám cho hơn 100 bệnh nhi F0/ngày. Số lượng này tăng hơn nhiều so với những tuần trước Tết (khoảng 20-30 trẻ là F0 đến khám/tuần).
Bệnh nhi tới khám tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: Zing
Số lượng trẻ mắc Covid-19 nhập viện tại BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP.HCM đều tăng lên.
Ngay tại khoa Covid-19 của BV Nhi đồng 2, TP.HCM có hơn 200 trường hợp F0 điều trị nội trú, trong đó khoảng 130 trường hợp là trẻ em, còn lại ba mẹ trẻ cũng là F0 tham gia chăm sóc trẻ.
Trẻ nhập viện đều là trẻ sốt cao có co giật. Nhiều trẻ nhà xa ba mẹ lo lắng quá nên xin nhập viện theo dõi, có cả trẻ sơ sinh cũng nhiễm Covid-19. Số ca cần hỗ trợ hô hấp chỉ chiếm 8% các trường hợp bệnh nhân và may mắn chưa có ca nào tử vong.
Khi trẻ sốt đến khám tại các BV Nhi đồng ở TP.HCM có 30% trẻ nhiễm Covid-19 nhưng chỉ có 1% trẻ xin nhập viện vì gia đình quá lo lắng. Còn lại, trẻ đều điều trị và theo dõi tại nhà.
Nếu Omicron gây tình trạng đau rát họng ở nhiều người lớn thì ở trẻ em là triệu chứng sốt cao và co giật do sốt.
Các bác sĩ cấp cứu nhi thống kê không chính thức rằng, đợt dịch này, đa số trẻ đi cấp cứu ban đêm vì co giật kèm sốt có kết quả dương tính với SARS-COV-2. Dù Covid ở trẻ em ít khi diễn biến nặng, nhưng cần kiểm soát sốt cho trẻ.
Cần hạ sốt đúng cách giúp trẻ đỡ mệt ăn uống tốt không mất nước, nhanh hồi phục giảm nguy cơ nhập viện, dự phòng co giật do sốt giảm nguy cơ nhập viện; Đánh giá được yếu tố khác chính xác hơn (lơ mơ, li bì, mạch nhanh hoặc thở nhanh); Giảm hại gan, thận khi biết dùng đúng liều đúng cách, giảm căng thẳng, rối trí cho cha mẹ.
Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C (hoặc 38 độ C với trẻ mệt quấy hoặc có tiền sử co giật do sốt), bố mẹ hãy cho trẻ uống hạ sốt Paracetamol theo liều lượng cân nặng của trẻ, chườm ấm nách, bẹn (nếu trẻ không khó chịu khi lau nước), chờ 30 phút - 1 tiếng đo lại nhiệt độ. Nếu trẻ không hạ sốt có thể liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn.
TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết với trẻ em mắc Covid-19 tại nhà đa số biến thể Omicron chủ yếu ở đường hô hấp trên vì vậy yếu tố quan trọng nhất là trẻ uống đủ nước để tống đờm, virus ra.
Ngoài ra, dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Nếu bình thường trẻ cần 4 nhóm thực phẩm thì hiện tại tăng lên 8 nhóm ưu tiên các chất đạm từ các loại hạt, hạn chế đường từ nước ngọt, bánh kẹo vì nó làm tăng phản ứng viêm ở trẻ.
Bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin từ rau củ quả, mở cửa sổ để nắng vào nhà tạo vitamin D, bổ sung thêm sữa, thực phẩm chứa vitamin, các loại hạt giàu chất béo như hạt điều, óc chó giàu selen, omega 3 giúp trẻ tăng cường miễn dịch.
Với trẻ mắc Covid-19, sau khi âm tính khoảng 2-6 tuần, nếu có biểu hiện sốt cao trở lại trên 38°C kéo dài trên 24 giờ, phát ban, phù nề, rối loạn tiêu hóa, mệt, da tái, nhịp tim nhanh, đỏ mắt… cần cho trẻ đi khám, điều trị sớm.