Nóng: Phát hiện loài động vật có khả năng đánh hơi "mùi" ung thư ở người, tương lai có thể tham gia công tác chuẩn đoán tại bệnh viện

12/03/2022 13:33 PM | Sống

Sau loài chó, kiến là loại động vật tiếp theo được phát hiện có khả năng phân biệt giữa tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh.

Khả năng phân biệt tế bào ung thư ở Kiến

Theo đó, nhóm chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã phát hiện loài kiến Formica fusca có khứu giác rất phát triển.

Đặc biệt, chúng có thể phân biệt các tế bào ung thư với các tế bào khỏe mạnh ở người. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết họ cần tiến hành thêm các thử nghiệm lâm sàng trước khi có thể đưa loài côn trùng này tham gia vào công tác chẩn đoán tại bệnh viện.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho 36 con kiến Formica fusca ngửi các tế bào trong môi trường phòng thí nghiệm. Đầu tiên, họ cho kiến tiếp xúc với mùi của một mẫu tế bào ung thư của người và phần thưởng đi kèm là một chút dung dịch đường.

Nóng: Phát hiện loài động vật có khả năng đánh hơi mùi ung thư ở người, tương lai có thể tham gia công tác chuẩn đoán tại bệnh viện - Ảnh 1.

Kiến có khả năng ngửi thấy ung thư

Trong bước thứ hai, các nhà nghiên cứu cho kiến tiếp xúc với hai loại mùi khác nhau, gồm một mùi hoàn toàn mới và thứ hai là mùi của các tế bào ung thư.

Sau khi thử nghiệm này thành công, các nhà nghiên cứu đã cho kiến tiếp xúc với những tế bào ung thư khác nhau. Kết quả, họ nhận thấy kiến có thể phân biệt giữa tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, cũng như là giữa hai loại ung thư khác biệt.

Sau khi huấn luyện, kiến Formica fusca đã phát hiện được các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi do các tế bào ung thư thải ra.

Trong một thông báo mới đây, CNRS cho hay trước khi được sử dụng trên quy mô lớn, họ cần phải đánh giá lại hiệu quả của phương pháp này bằng cách thử nghiệm lâm sàng trên người. Dù vậy, kết quả ban đầu thấy kiến có khả năng học phân biệt mùi rất nhanh, cùng với tiềm năng cao trở thành một phương án chẩn đoán ung thư vừa chi phí thấp vừa đem lại hiệu quả cao và ít xâm lấn.

Chó đánh hơi thấy ung thư

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học sử dụng khứu giác của động vật để xác định vị trí các tế bào ung thư.

Từ năm 2015, Tổ chức Medical Detactions Dogs, một tổ chức từ thiện làm việc với Bộ Y tế Anh và các trường đại học đã tiến hành thêm nhiều thí nghiệm về việc dùng chó để "đánh hơi" bệnh ung thư.

Trước đó, trong thí nghiệm đầu tiên, các chú chó được huấn luyện đánh hơi bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở đàn ông thông qua nước tiểu của họ. Tín hiệu rất khả quan khi những chú chó đã xác định được bệnh chính xác đến 93%. So với các xét nghiệm ung thư tuyến liền liệt trước nay như PSA, thử nghiệm này có độ chính xác cao hơn.

Nóng: Phát hiện loài động vật có khả năng đánh hơi mùi ung thư ở người, tương lai có thể tham gia công tác chuẩn đoán tại bệnh viện - Ảnh 2.

Chó là loại động vật được nhiều nhà khoa học trên thế giới công nhận về khả năng đánh hơi thấy ung thư

Dự án thử nghiệm tiến hành với 9 con chó được đào tạo trong vòng 6 tháng để phát hiện mùi ung thư. Chúng sẽ được ngửi hơn 3.000 bệnh nhân để kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt, cũng như thận và u bàng quang. Khi phát hiện ung thư, chúng được dạy phải ngồi thẳng lưng và ra dấu hiệu cảnh báo. Mỗi lần phát hiện khối u, chúng sẽ được thưởng một bánh quy.

Tiến sĩ Claire Guest, chuyên gia về hành vi động vật cũng đã chứng minh rằng các loài vật có khả năng cảm nhận được các tế bào ung thư bằng cách đánh hơi ngoài da, ngửi hơi thở hoặc mùi nước tiểu.

Nghiên cứu đầu tiên của cô đã xuất bản 5 năm trước, trong đó khẳng định có thể huấn luyện loài chó phát hiện các mẫu xét nghiệm ung thư của bệnh nhân. Nhờ đó sẽ tăng khả năng đánh hơi chính xác bệnh của chó lên tới 73%.

Vào năm 2010, các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh rằng các chú chó có thể phát hiện ung thư từ mẫu hơi thở của người bệnh. Năm 2012, tạp chí Hô hấp Châu Âu cũng đã xuất bản một nghiên cứu cho thấy chó có thể nhận biết bệnh ung thư phổi qua hơi thở.

Nóng: Phát hiện loài động vật có khả năng đánh hơi mùi ung thư ở người, tương lai có thể tham gia công tác chuẩn đoán tại bệnh viện - Ảnh 3.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM