TP.HCM: Loạt dự án ngàn tỷ “đắp chiếu” rục rịch khởi động lại

28/05/2017 22:04 PM | Kinh doanh

Nguồn tài chính mới, hoạt động mua bán và sáp nhập cùng với những chuyển biến tích cực trên thị trường địa ốc đã làm cho hàng loạt dự án bị ngưng hoạt động trong nhiều năm bỗng hồi sinh.

Vực dậy dự án ngàn tỷ

Giai đoạn thị trường địa ốc rơi vào khó khăn, tại TP.HCM có không ít chủ đầu tư đuối vốn, buộc phải ngừng thi công dự án. Nhiều dự án có vốn đầu tư lên đến cả ngàn tỷ đồng cũng lâm vào cảnh “trùm mền”, không có lối ra. Thời gian gần đây, nguồn tài chính mới cộng với sự sôi động của thị trường đại ốc làm cho các dự án phủ bụi thời gian dài bỗng hồi sinh.

Trầy trật nhất có thể kể đến dự án Kenton Node, toạ lạc trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, của Công ty XD-SX-TM Tài Nguyên. Đây từng là một trong những dự án có vốn đầu tư “khủng” nhất TP. HCM, lên đến 300 triệu USD.


Dự án Kenton Node tái khởi động sau gần 7 năm trùm mền.

Dự án Kenton Node tái khởi động sau gần 7 năm "trùm mền".

Khởi công vào năm 2009 nhưng hơn một năm sau dự án này phải ngừng thi công bởi chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, lúc này thị trường địa ốc cũng đang xuống đáy. Trong lúc tìm giải pháp vực dậy dự án, chủ đầu tư đã hoàn tiền cho hơn 100 khách hàng đã mua. Suốt một thời gian dài sau đó, dự án này vẫn án binh bất động dù có thông tin chủ đầu tư muốn chuyển đổi thành khách sạn 5 sao dành cho người nước ngoài.

Ngày 21/5 vừa qua, Công ty Tài Nguyên cho biết đã nhận được nguồn tài trợ vốn 1.060 tỷ đồng từ Ngân hàng BIDV và Maritime Bank để tái khởi động dự án Kenton Node. Sau điều chỉnh, dự án khoác “áo mới” là khu phức hợp căn hộ, khách sạn, trung tâm mua sắm, dịch vụ giải trí, nhà hát, trường học, phòng khám quốc tế…

Cũng tại khu Nam Sài Gòn, với nguồn vốn bổ sung 500 tỷ đồng từ Ngân hàng SHB, Công ty Tài Nguyên sẽ cho ra mắt dự án Evergreen nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7.

Nằm ở “khu đất vàng” giao lộ Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi, quận 1, dự án Saigon One Tower “đứng hình” gần 7 năm nay dù được xây dựng hoàn thiện đến 80%. Nếu hoàn thành, đây sẽ là toà nhà cao thứ 3 và là công trình điểm nhấn ở khu trung tâm TP.HCM.

Dự án này trước đây do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư ban đầu là 256 triệu USD. Khởi công từ năm 2007 và dự kiến hoàn thành sau 2 năm nhưng công tác thi công Saigon One Tower bị đình trệ rồi bỏ hoang từ năm 2011 cho đến nay. Vào tháng 10/2014, Thanh tra TP.HCM ra quyết định thanh tra toàn diện về việc triển khai dự án này.

Gần đây có thông tin Saigon One Tower đã về tay một tập đoàn nước ngoài là Công ty CP Phát triển BĐS Alpha King, đồng thời Tập đoàn Kiến trúc RSP (Singapore) đang lên kế hoạch xây dựng hoàn thiện dự án. Được biết dự án sẽ trở thành tổ hợp chung cư, văn phòng và thương mại cao cấp với điểm nhấn là quán bar ngoài trời lớn nhất Việt Nam. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm sau.

Sôi động hoạt động M&A

Trong bối cảnh thị trường địa ốc chưa có sự bức phá rõ rệt, thậm chí chững lại trong quý 1/2017, theo các chuyên gia BĐS, những dự án bị ngừng triển khai trong một thời gian dài rất khó tiếp cận được nguồn vốn mới. Bởi các tổ chức tài chính giờ đây không còn mạnh dạn đổ tiền vào BĐS. Khi đó, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) dự án sẽ trở nên sôi động hơn.

Giữa tháng 3/2017, An Gia Investment và quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) cho hay đã hoàn tất thương vụ mua lại 7 block dự án khu dân cư phức hợp Lacasa, quận 7 của Tập đoàn Vạn Phát Hưng. Dự án này có vốn đầu hơn hơn 3.500 tỷ đồng và bị ngưng trệ từ năm 2013.

Theo ông Lương Sĩ Khoa – Phó Chủ tịch HĐQT An Gia Investment, phần dự án mua lại sẽ triển khai theo từng giai đoạn và dự kiến sẽ mở bán vào quý 3/2017. Trước thương vụ này, An Gia Invesment cũng đã mua lại 5 dự án khác.

Gây “sóng” trên thị trường gần đây là thông tin dự án River City, dự án quy mô thiết kế 8.000 căn hộ tại quận 7, của Địa ốc Phát Đạt được bán cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Khách hàng mua căn hộ tại đây đã được Địa ốc Phát Đạt “thối” lại tiền cùng với khoản đền bù 20% giá trị hợp đồng.

Trong hai năm trở lại đây, hoạt động M&A dự án BĐS tại TP.HCM trở nên sôi động hơn. Nhờ bàn tay của các ông chủ mới, nhiều dự án trở thành hàng hót trên thị trường sau khi khoác áo mới. Một số doanh nghiệp gặt hái thành công từ các thương vụ M&A có thể kể đến như Địa ốc Hưng Thịnh, Novaland, Phú Mỹ Hưng…

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho hay, giai đoạn từ năm 2009 – 2013, khi thị trường địa ốc đóng băng, TP.HCM có khoảng 14.000 căn hộ tồn kho với 500 dự án ngừng triển khai. Đây là cơ hội cho hoạt động M&A.

Theo ông Châu, M&A dự án sẽ mang lại cái lợi cho tất cả các bên. Cụ thể, bên mua sẽ giảm được chi phí đầu tư, bên bán sẽ giải quyết vấn đề tài chính, thị trường giảm hàng tồn kho, còn người mua sớm có nhà.

Theo Anh Linh

Cùng chuyên mục
XEM