Sở hữu gần 500ha đất tại vị trí đắc địa ngay cửa ngõ phía nam Hà Nội, tập đoàn Gamuda đang kiếm được bao nhiêu tiền?

27/05/2017 11:21 AM | Kinh doanh

Sau khi doanh thu giảm thê thảm năm 2013, hoạt động kinh doanh của Gamuda đang dần hồi phục trở lại.

Gamuda là Tập đoàn bất động sản đến từ Malaysia với hơn 40 năm kinh nghiệm. Tập đoàn này chính là cái tên đang sở hữu dự án Gamuda City tại Hà Nội với trị giá 3,5 tỷ USD và dự án Celadon City tại TPHCM trị giá 1,16 tỷ USD.

Trong đó, Gamuda City là dự án bắt đầu được triển khai từ năm 2007. Khi đó, Gamuda được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy phép triển khai dự án công viên Yên Sở theo phương thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) và số đất đối ứng được đổi lên tới 480ha, nằm ngay cửa ngõ phía Nam của thành phố. Gamuda sẽ xây dựng 2 hạng mục là nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và công viên Yên Sở. Đổi lại Gamuda sẽ được triển khai xây dựng và kinh doanh khu đô thị Gamuda City ngay bên cạnh công viên.

Trong giai đoạn đầu tiên có quy mô 73 ha mang tên Gamuda Gardens, dự án cung cấp hơn 2.100 căn hộ, 2.000 nhà phố, 100 shophouse, 200 căn nhà liền kề và 100 căn biệt thự. Trị giá của Gamuda Gardens là 850 triệu USD.

Với một địa thế nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, tiếp giáp nhiều tuyến đường lớn của thành phố, chủ đầu tư từng kỳ vọng đây sẽ là khu đô thị tầm cỡ thế giới đầu tiên của Hà Nội. Có lẽ chính từ kỳ vọng này nên khi chào bán, dự án được “đẩy” lên với mức giá rất cao, kể cả khi thị trường BĐS đã giảm giá mạnh thì biệt thự đơn lập và song lập tại dự án Gamuda Gardens vẫn được chào bán với mức giá 43- 63 triệu đồng/m2.

Còn tại TPHCM, Gamuda bắt tay vào đầu tư dự án Celadon City vào năm 2010. Khu đô thị Celadon City đặt tại Quận Tân phú với quy mô 82ha, gồm 5 khu căn hộ cao cấp liền kề nhau, tổng số vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng, có 8.577 căn hộ.

Nắm trong tay 2 dự án tỷ đô ở 2 thành phố lớn, doanh thu hàng năm hiện trong khoảng trên dưới 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo số liệu từ Gamuda, tập đoàn này đạt doanh thu kỷ lục hơn 2.300 tỷ vào năm 2011. Tuy nhiên, 2 năm sau, Gamuda kinh doanh sa sút, doanh thu đến năm 2013 bất ngờ chỉ còn khoảng 270 tỷ đồng.

Từ năm 2014, khi đưa công viên Yên Sở vào vận hành, doanh thu của Gamuda có dấu hiệu hồi phục trở lại, đạt 1.137 tỷ đồng. Công viên Yên Sở đã nhanh chóng thu hút, trở thành điểm vui chơi, dã ngoại của nhiều gia đình dịp cuối tuần do thực trạng thủ đô ngày càng ít không gian xanh, sạch, thoáng đãng. Đến năm 2016 vừa qua, doanh thu Gamuda đã lấy lại được mốc 2.000 tỷ đồng.

Mới đây, tờ New Straits Times của Malaysia cho rằng, Gamuda Land đang khá lạc quan về tình hình thị trường bất động sản các năm tới và đặt mục tiêu doanh thu 400 triệu USD từ năm 2019 trở đi.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM