TP HCM gọi vốn hàng tỉ USD vào hạ tầng giao thông
85 dự án hạ tầng giao thông, 36 dự án cơ sở hạ tầng với tổng nhu cầu vốn hơn 40 tỉ USD đang được TP HCM mời gọi đầu tư.
Nhu cầu vốn về các dự án hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng của TP đang rất lớn. TP HCM vừa công bố danh sách 210 dự án kêu gọi nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia.
Hàng loạt dự án lớn
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong quá trình chuyển mình trở thành một siêu đô thị, TP đang đối mặt với nhiều thách thức của quá trình phát triển như ngập nước, kẹt xe… Đây không chỉ là những trở ngại mà còn là rào cản tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của TP, mà một trong những nguyên nhân là thiếu nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng.
Giai đoạn 2016-2020 TP cần khoảng 40 tỉ USD để đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, TP đã liên tục mời gọi nhà đầu tư đến và rót vốn triển khai các dự án. Riêng trong lĩnh vực hạ tầng giao thông có 85 dự án, tổng nhu cầu vốn là 923.630 tỉ đồng (tương đương 41,98 tỉ USD), bao gồm: 55 dự án cầu - đường bộ, 7 dự án giao thông đường thủy, 8 dự án đường sắt nội đô, 15 dự án đường bộ nội bộ.
Cụ thể, TP cần huy động nguồn vốn rất lớn để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm (metro) gồm dự án xây dựng tuyến Metro số 2 (giai đoạn 2) đoạn từ Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Bến xe Tây Ninh - Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi đi qua quận 1, 2, 12, huyện Củ Chi và Hóc Môn; tổng vốn 833 triệu USD, hình thức đầu tư hợp tác công tư PPP (BOT, BOT kết hợp BT). Dự án xây dựng tuyến Metro số 3A Bến Thành - ga Tân Kiên trên địa bàn quận 1, 3, 5, 6, huyện Bình Chánh. Tổng vốn đầu tư 3,02 tỉ USD với hình thức đầu tư PPP. Dự án xây dựng tuyến Metro số 3B Ngã 6 Cộng Hòa - Hiệp Bình Chánh đi qua quận 1, 3, Bình Thạnh và Thủ Đức. Hình thức đầu tư từ vốn ODA, PPP. Dự án này đã được đưa vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, thời kỳ 2013-2015, tổng vốn đầu tư 1,88 tỉ USD.
Dự án xây dựng tuyến Metro số 4 Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước đi qua quận 1, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè được mời gọi đầu tư theo hình thức PPP với tổng vốn 3,53 tỉ USD. Xây dựng tuyến Metro số 4B ga Công viên Gia Định - ga Lăng Cha Cả ở quận Gò Vấp, Tân Bình theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư 1,05 tỉ USD. Xây dựng tuyến Metro số 5 giai đoạn 2 từ Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới và ga Đa Phước tổng vốn cần hơn 1,6 tỉ USD. Xây dựng tuyến Metro số 6 Bà Quẹo - Vòng xoay Phú Lâm, đi qua quận 6, Tân Bình và Tân Phú, hình thức đầu tư ODA, PPP với tổng số vốn cần để triển khai là hơn 1,33 tỉ USD.
Các dự án xây dựng metro do Ban Quản lý đường sắt đô thị làm đầu mối triển khai. Cơ quan này cũng phụ trách các dự án xây dựng tuyến tàu điện một ray (Monorail) số 2, 3. Cụ thể, TP đang mời gọi đầu tư xây dựng tuyến Monorail số 2 đi qua quận Bình Thạnh, 7, 2 và Thủ Đức; hình thức đầu tư PPP với tổng nhu cầu vốn 715 triệu USD. Dự án đầu tư xây dựng tuyến Monorail số 3 từ Ngã tư Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh - ga Tân Chánh Hiệp qua quận Gò Vấp, quận 12 với tổng vốn 400 triệu USD.
Đồng thời, nhu cầu gọi vốn cho các dự án đường sắt nội đô cũng được TP đẩy mạnh khi tổng vốn đầu tư của mỗi dự án lên tới hàng tỉ USD. Hiện có 8 dự án đường sắt đô thị và tuyến xe điện mặt đất được Sở Giao thông Vận tải TP HCM mời gọi đầu tư. Cụ thể, tuyến xe điện mặt đất số 1 qua quận Bình Tân, quận 6, 5, 1 dài 12,8 km, tổng vốn 568 triệu USD; tuyến xe điện mặt đất số 2 qua quận 2, 7, huyện Bình Chánh dài 27,2 km với tổng vốn 715 triệu USD…
Huy động nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng
Theo UBND TP, việc triển khai các tuyến Metro, tuyến xe điện mặt đất, Monorail nhằm phù hợp với quy hoạch chung của TP, kết nối hệ thống giao thông công cộng khác trên địa bàn và các dịch vụ thương mại, cung cấp dịch vụ vận tải công cộng lưu lượng lớn an toàn, thân thiện với môi trường.
Việc TP mời gọi 210 dự án trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hàng loạt dự án về hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng là cơ hội kinh doanh, làm ăn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản quan tâm, mong muốn tham gia vào các dự án trong số 85 dự án hạ tầng giao thông, 36 dự án cơ sở hạ tầng đô thị, 29 dự án chỉnh trang đô thị và 9 dự án dịch vụ thương mại.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, cho biết rất quan tâm đến các dự án quy hoạch khu đô thị sáng tạo. Dù trong thời gian qua, DN này chưa phát triển dự án khu đô thị hay nhà ở tại TP nhưng với kinh nghiệm phát triển bất động sản, đặc biệt là phát triển đại dự án TP thông minh Bắc Hà Nội, nhà đầu tư này mong muốn sẽ có cơ hội đầu tư phát triển khu đô thị sáng tạo của TP trong thời gian tới.
Ông Harold Chen, Phó Chủ tịch Tập đoàn Alpha King, bày tỏ mong muốn nghiên cứu đầu tư vào xây dựng tuyến đường trên cao số 1 và số 2 (có tổng mức đầu tư là 703 triệu USD và 997 triệu USD). Tuyến đường trên cao số 1 sẽ tạo thêm hành lang dọc theo trục Bắc Nam nhằm giảm áp lực giao thông khu vực trung tâm, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm TP. Trong khi tuyến đường trên cao số 2 sẽ xây dựng trục hướng tâm trên cao theo hướng từ khu vực trung tâm về hướng Tây TP. Nhà đầu tư bày tỏ sớm nhận được sự chấp thuận của các vị lãnh đạo TP cho phép nghiên cứu 2 dự án này. "Với tốc độ phát triển nhanh của TP, Tập đoàn Alpha King muốn tham gia vào quá trình phát triển dự án, cải thiện và nâng tầm cơ sở hạ tầng của TP với hệ thống giao thông hiện đại. TP cần duy trì động lực kinh tế mạnh mẽ, hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng, thu hút nhân tài, đặc biệt có kế hoạch đô thị hóa và cơ sở hạ tầng thật tốt" - ông Harold Chen kiến nghị.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TP, làm hết sức để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.
Phải làm dự án điểm để tạo cú hích
Tại cuộc họp kinh tế - xã hội mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự sốt ruột khi nhiều dự án trên địa bàn đang chững lại. Mấy năm qua, TP chưa có thêm công trình lớn, tầm cỡ nào. Dù lãnh đạo TP đã thảo luận, làm việc, chỉ ra điểm vướng… nhưng các dự án không chuyển động, thậm chí một số còn nằm trên giấy.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Nguyễn Thành Phong, do việc chỉ đạo giữa các sở, ngành rời rạc, không tập trung nên không tạo được sự chuyển động. Do đó, lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị phải tập trung tháo gỡ các dự án chậm tiến độ; tập trung chỉ đạo một vài dự án trọng điểm để tạo cú hích cho nhà đầu tư. Dự án nào vướng mắc trong thủ tục thuộc thẩm quyền của trung ương và phải xin ý kiến cũng cần đeo bám quyết liệt chứ không dừng lại ở việc gửi văn bản xong rồi "bình thản ngồi chờ".
P.Anh
Nhiều bãi đậu xe ngầm chờ nhà đầu tư
Trong danh mục dự án mời gọi đầu tư năm 2019, TP cũng giới thiệu đến nhà đầu tư các dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm ở khu vực trung tâm TP nhằm góp phần giải quyết bài toán chỗ đậu xe; tăng cường năng lực giao thông tĩnh trong khu vực trung tâm TP và tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.
Dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Tao Đàn (quận 1) với tổng mức đầu tư 44 triệu USD; dự án bãi đậu xe ngầm tại sân vận động Hoa Lư (cùng trên địa bàn quận 1) cần nguồn vốn 144 triệu USD. Bên cạnh đó, dự án xây dựng nhà ga hành khách xe buýt tại Bến xe Chợ Lớn (quận 5) với tổng chi phí 50 triệu USD và dự án bãi đậu xe buýt Tân Phú cần vốn 3 triệu USD cũng đang chờ nhà đầu tư.
T.Phương