TP. HCM có lợi thế gì trong lĩnh vực được Tỷ phú Lý Gia Thành quan tâm đầu tư?

15/04/2022 20:16 PM | Kinh doanh

Mới đây, Tập đoàn CK Asset Holdings Limited Group (Hồng Kông) của tỷ phú Lý Gia Thành cùng với Tập đoàn Orix Corporation (Nhật Bản) đã thông qua Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm việc với Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi để tiến hành xúc tiến và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Cụ thể, Tập đoàn CK Asset Holdings Limited Group (Hồng Kông) muốn đầu tư vào mảng hạ tầng và logistics của TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, tỷ phú Lý Gia Thành đang là người giàu thứ hai tại Hồng Kông (Trung Quốc) với số tài sản lên tới 36,3 tỷ USD (dữ liệu của Forbes tính đến 15/4) và xếp thứ 36 theo danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes.

Thế mạnh của CK Asset Holdings Limited là đầu tư cơ sở hạ tầng. Tập đoàn có bề dày hơn 70 năm, hiện có tổng tài sản hơn 80 tỷ USD, vốn sở hữu hơn 50 tỷ USD và doanh thu năm 2020 đạt hơn 9 tỷ USD. Tính đến nay, Tập đoàn đã phát triển và có nhiều thành tựu đầu tư tại Hồng Kông và nhiều nơi trên thế giới.

Trên thực tế, TP. HCM là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển mảng hạ tầng và logistics. Thành phố định hướng phát triển đưa ngành logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, giúp thành phố nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế.

Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), khu vực cảng TP. HCM hiện đang đứng đầu cả nước về sản lượng container thông qua, chiếm 58,81% thị phần. Trong đó, riêng Tân Cảng Cát Lái (quận 2) chiếm đến 48% thị phần cả nước và chiếm 80,89% thị phần khu vực cảng TP. HCM.

Lợi thế này có được là nhờ Cát Lái nằm gần trung tâm TP. HCM, gần các khu công nghiệp, kho hàng của các doanh nghiệp Đồng Nai, Bình Dương. Bên cạnh đó, thành phố còn có đầy đủ các dịch vụ hậu cần gồm: kho bãi, giao nhận, vận chuyển và đặc biệt tại đây quy tụ rất nhiều hãng tàu quốc tế.

Ngành logistics được đánh giá là có vài trò rất lớn đối với nền kinh tế. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện nay cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng 5.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp.

Trong số đó, ngành logistics hiện đóng góp khoảng 8,9% trong tổng GRDP của TP. HCM, tương đương khoảng 117.000 tỷ đồng và có tới 54% doanh nghiệp logistics có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong năm 2022, UBND TP. HCM đã phê duyệt "Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, thành phố xác định, thành lập hệ thống trung tâm dịch vụ logistics ở thành phố Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.

Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất, thành phố xác định xây dựng 7 trung tâm logistics. Cụ thể gồm: Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu công nghệ cao thuộc thành phố Thủ Đức; Tân Kiên (huyện Bình Chánh); cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và huyện Củ Chi.

Theo kế hoạch, tổng diện tích của các trung tâm này dự kiến hơn 620ha. Đặc biệt, TP. HCM đang nghiên cứu xây dựng thêm nhiều trung tâm logistics xen cài trong các khu dân cư, bổ trợ cho thị trường thương mại điện tử hơn 12 triệu dân của thành phố.

Theo UBND TP. HCM, tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics của thành phố gần 96.000 tỷ đồng.

Với mục tiêu phát triển logistics thành dịch vụ mũi nhọn, bên cạnh phát triển các trung tâm quy mô lớn, TP. HCM đặc biệt quan tâm đến phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho dịch vụ này. Theo kế hoạch, đến năm 2025, TP. HCM thành lập và phát triển 1 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics để phát triển TP. HCM trở thành đầu tàu cả nước về đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Cùng với đó, TP. HCM hướng tới trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực toàn vùng, có khả năng cung cấp nhân lực cho cả nước và quốc tế. Đến năm 2025, TP. HCM sẽ góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 10%-15%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% và đến năm 2030 đạt 70%.

Ngoài ra, để mục tiêu đưa ngành logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn nhanh chóng thành công, TP. HCM sẽ đầu tư phát triển hạ tầng gồm hệ thống trung tâm logistics, hệ thống giao thông chi tiết phục vụ cho vận tải đường thủy, đường bộ, đường hàng không.

Thành phố sẽ ứng dụng công nghệ thông tin như xây dựng kho dữ liệu tập trung nhằm số hóa hoạt động vận tải hàng hóa, từ đó có cơ sở điều chỉnh quy hoạch giao thông, bố trí bãi đậu xe, khu vực trung chuyển hàng hóa, giờ ưu tiên,… Cùng với đó, thành phố sẽ xây dựng nền tảng công nghệ thông tin khai thác dữ liệu dùng chung về hoạt động logistics phục vụ cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Minh Tiến

Cùng chuyên mục
XEM