Tốt nghiệp ĐH Văn hóa, từng muốn 'lao đầu vào xe tải' quyên sinh vì khởi nghiệp thất bại, doanh nhân này tự tin sẽ là đối trọng của tập đoàn Hòa Phát tại miền Nam

08/05/2018 11:49 AM | Kinh doanh

Vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, cách nói chuyện thú vị và tự nhiên, Đỗ Thanh Tịnh bật mí những điều này được hình thành cũng từ quá trình làm việc, kinh doanh của mình. Anh là nhà sáng lập và giám đốc của công ty TNHH Nội thất Tứ Hưng, hệ thống chuỗi nội thất giá rẻ tại Tp. Hồ Chí Minh.

Cú sốc 3 tỷ đồng và ý định quyên sinh khi khởi nghiệp thất bại

Con đường kinh doanh vốn không nằm trong kế hoạch ban đầu của doanh nhân trẻ gốc Quảng Nam này. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh năm 2003, Đỗ Thanh Tịnh xin vào làm tại một số công ty văn phòng phẩm. Sau khi tích cóp được chút vốn liếng và kinh nghiệm, anh quyết định ra khởi nghiệp bằng việc bỏ mối sách tại các cửa hàng sách báo trước cổng trường và giao báo tại nhà.

Năm 2005, cửa hàng sách Nhím Con của Tịnh khá nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh với mảng sách thiếu nhi và thị trường ngách là truyện tranh. Điều khiến của hàng thành công là thay vì chờ học sinh ra cửa hàng để mua thì thực hiện giao sách tại nhà sớm.

Sau này khi muốn muốn bản quyển sách nước ngoài, Thanh Tịnh quyết định lập công ty đặt tên là Tháng Giêng. Nhanh nhạy trong nắm bắt thị hiếu sách thiếu nhi, có lúc bộ phận giao sách lên tới 16 nhân viên. Theo thống kê của Nhà xuất bản Trẻ, năm 2006 công ty của anh đứng thứ 2 toàn miền Nam về phân phối, năm 2007 đứng vị trí thứ 3.

"Tuổi 24-25 mình nghĩ mình là người giỏi nên nhảy qua in sách thay vì trước đây chỉ là phân phối", Thanh Tịnh chia sẻ về nguyên nhân khiến công ty thất bại. In đến cuốn sách thứ 6 với 5.000 bản thì công ty cạn vốn. Với 30.000 cuốn sách nhưng chỉ bán được 12.000 cuối, Tháng Giêng phá sản với số nợ 300 triệu đồng.

Sau cú sốc đầu tiên, năm 2009 Đỗ Thanh Tịnh nhìn thấy tiềm năng từ thị trường điện máy và thành lập doanh nghiệp mới với tên gọi Tứ Hưng và mở cửa hàng tại khu vực Thủ Đức. Cũng như cách chọn thị trường ngách với truyện tranh, lần này anh chọn thị trường điện máy giá rẻ cho công nhân, sinh viên nhà trọ, bán dọc khu công nghiệp.

"Mình làm 12 cửa hàng điện máy rất được nhưng hoàn toàn không có kinh nghiệm quản trị mà chỉ hứng đâu làm đó, đụng đâu làm đó, sai đâu sửa đó. Làm nhiều nhưng cửa hàng sống có 1-2 cái, còn cửa hàng chết 7-8 cái, lấy sống nuôi chết rồi doanh nghiệp cũng chết luôn", anh Tịnh đúc rút lại lý do khiến lần khởi nghiệp thứ 2 thất bại.

Không phân tích thị trường, không biết quản trị nhân sự, quản lý dòng tiền, khởi nghiệp lần 2 thất bại, từ đỉnh cao kinh doanh, Thanh Tịnh thất bại và ôm khoản nợ 3 tỷ đồng.

Tốt nghiệp ĐH Văn hóa, từng muốn lao đầu vào xe tải quyên sinh vì khởi nghiệp thất bại, doanh nhân này tự tin sẽ là đối trọng của tập đoàn Hòa Phát tại miền Nam - Ảnh 1.

Quá tam ba bận

"Ngày xưa có câu giàu đổi bạn, sang đổi vợ, nợ đổi sim. Ngày xưa thất bại mình đổi sim liên tục. Lần đầu tiên mình muốn kiếm cái chỗ chui xuống", Đỗ Thanh Tịnh hài hước nhớ lại. Sau cú sốc 3 tỷ đến từ chuỗi điện máy, hơn 1 tuần lễ anh đi lang thang ngoài đường không muốn về nhà. Đang trên đỉnh cao rồi rơi xuống, cô đơn hụt hẫng, thậm chí tuyệt vọng, có lúc anh từng muốn tông vào xe tải để quyên sinh.

May mắn là trong thời gian ngắn sau đó, Tịnh bình tâm suy nghĩ trốn cũng không giải quyết được gì,  trốn mãi cũng không không được. Anh đứng dậy với quyết tâm càng thua càng đánh, càng làm và khi đó các chủ nợ của anh nhận ra và cho cơ hội trả chậm từ từ.

"Mình quyết định đi học, bỏ đi cái tôi lớn. Giống như hình ảnh cây lúa khi chín thì trĩu xuống, càng thành công thành đạt thì mình càng phải khiêm tốn khiêm nhường học hỏi. Mình dẹp cái tôi đi, xả hết những gì cho là giỏi, bỏ ra hết và học lại từng việc rồi khởi nghiệp lại", Thanh Tịnh chia sẻ về lần khởi nghiệp thứ 3.

Thời điểm này thương mại điện tử mới nhen nhóm tại Việt Nam cùng với không có vốn liếng trong tay, anh quyết định chọn công việc kinh doanh online. Tự mày mò nghiên cứu, đọc sách, học về lĩnh vực mới này, Tịnh nhận ra lĩnh vực hàng nội thất bình dân giá rẻ vẫn còn nhiều cơ hội phát triển.

Thanh Tịnh vẫn giữ tên doanh nghiệp Tứ Hưng với ý nghĩa hưng thịnh bốn mùa đem lại may mắn rồi lập trang web, đăng tin diễn đàn, quảng cáo trên Google,… Năm 2015 doanh số của Tứ Hưng đã đạt 10 tỷ đồng, năm 2016 tăng gấp đôi lên 20 tỷ đồng theo tiết lộ của tạp chí Doanh nhân cách đây không lâu. Theo chia sẻ của anh, hiện có quỹ đầu tư đã rót vốn khoảng 50 tỷ đồng vào doanh nghiệp của anh.

Ngoài lựa chọn sản phẩm vào phân khúc thị trường ngách còn nhiều tiềm năng, Đỗ Thanh Tịnh đặc biệt chú trọng tới chăm sóc khách hàng.

"Tôi đặt mua mỗi năm 52 cuốn sách từ một trang thương mại điện tử, nhưng họ chưa từng gọi điện cho tôi một cuộc hỏi xem tôi có hài lòng không, tôi có thích thể loại nào nữa hay không? Chăm sóc khách hàng vậy là hỏng rồi", anh đúc rút từ ngay chính từ vị trí mình là khách hàng.

Doanh nhân trẻ này cho đào tạo nhân viên bán hàng là những nhân viên tư vấn và ngược lại, những nhân viên tư vấn chăm sóc khách hàng chính là những nhà bán hàng chuyên nghiệp. Thậm chí Tứ Hưng còn cam kết giao hàng nhanh trong 60 phút, miễn phí vận chuyển nội thành Tp. Hồ Chí Minh, đổi trả miễn phí 30 ngày. Nhân viên cũng luôn gọi điện hỏi han xem khách hàng có hài lòng với sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng của bên tôi hay không? Có nhu cầu mua thêm sản phẩm khác không,…

"Một nhân viên chăm sóc khách hàng hoàn toàn có thể thực hiện ít nhất 30 cuộc gọi mỗi ngày, tính ra một tháng là gần 1.000 cuộc gọi. Chính với những chính sách chăm sóc khách hàng này mà có tới 44% khách hàng quay lại Tứ Hưng mua hàng từ lần thứ 2 trong vòng 6 tháng", Đỗ Thanh Tịnh tự hào chia sẻ.

Thậm chí doanh nhân này còn nhanh nhạy bật mí rằng Tứ Hưng còn đặt xe Grab miễn phí 2 chiều cho khách hàng muốn đến xem, mua hàng, tặng quà cho họ. "Khách hàng cần niềm tin thì mình phải cho họ niềm tin ví dụ niềm tin về chất lượng sản phẩm, cho họ tới đó xem, với tài nghệ của nhân viên mình thì không có lý do gì họ đi về tay không", anh bật mí.

Rút kinh nghiệm từ lần khởi nghiệp trước, Đỗ Thanh Tịnh cho biết khi có nguồn lực tài chính sẽ tái đầu tư mở hệ thống phân phối thay vì đi vào sản xuất. Ngoài bán cho khách hàng lẻ, anh cho biết Tứ Hưng hướng tới phát triển hệ thống khép kín, bán hàng cho doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, các dự án chung cư giá rẻ.

Doanh nhân trẻ này kỳ vọng doanh số năm nay sẽ tăng lên 100 tỷ đồng, tạo bàn đạp để trở thành thương hiệu nội thất dẫn đầu miền Nam vào năm 2025. "Phía Bắc có Hòa Phát, phía Nam có Tứ Hưng. Chúng tôi sẽ là đối trọng của họ ở phía Nam", Đỗ Thanh Tịnh chia sẻ về tầm nhìn tương lai của Tứ Hưng.  

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM