Top rich 100: Sự nổi lên của “đại gia” thép và sự thăng trầm của đại gia bất động sản, ngân hàng
Trên sàn chứng khoán có 10 người có giá trị tài sản từ 2.500 tỷ đồng trở lên, 106 người có giá trị tài sản từ 200 tỷ đồng trở lên; có tới 50 người có mức tài sản từ 207– 500 tỷ đồng và 28 người có mức tài sản từ 500 – 1.000 tỷ đồng.
Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2016 đã kết thúc với sắc xanh của VN-Index tại 664,87, ghi nhận mức tăng gần 86 điểm so với đầu năm của chỉ số.
Một năm vô cùng sôi động của thị trường chứng khoán đã trôi qua, tài sản của nhà đầu tư đã thay đổi, và tài sản của top 100 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cũng vậy.
Trong danh sách năm nay có thể thấy rõ nét sự thăng hạng của các “đại gia” ngành thép khi các doanh nghiệp đã một năm vô cùng tốt đẹp. Ngược lại, nhiều đại gia ngân hàng, bất động sản đã bị tụt hạng trong top 100, nhưng nếu tính riêng top 20 thì người giàu trong lĩnh vực bất động sản vẫn là nhiều nhất.
Và đặc biệt, top 10 người giàu nhất đã “sạch bóng” đại gia Ngân hàng.
Tài sản tối thiểu để lọt Top 100 đã tăng lên
Nếu như năm trước, giá trị tài sản tối thiểu để lọt vào danh sách này là 192 tỷ đồng thì năm nay, “chuẩn” đã tăng thêm một chút với con số là 207 tỷ đồng. Như vậy, trên sàn chứng khoán đang có 106 người có giá trị tài sản từ 200 tỷ đồng trở lên; có tới 50 người có mức tài sản từ 207– 500 tỷ đồng và 28 người có mức tài sản từ 500 – 1.000 tỷ đồng.
Còn để lọt vào Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm nay thì giá trị tài sản tối thiểu phải lên tới gần 2.500 tỷ đồng. Còn nếu sở hữu tài sản trị giá 1.500 tỷ đồng trở lên sẽ nằm trong top 20.
Đứng ở vị trí cuối cùng trong top 20 là ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch của Tập đoàn Kinh Bắc (KBC) với giá trị tài sản là 1.193 tỷ đồng, tăng thêm hơn 100 tỷ so với cuối năm trước. Năm 2015, giá trị tài sản tối thiểu để lọt vào top 20 chỉ có 763 tỷ đồng.
Gương mặt gây nuối tiếc khi không lọt top 100
Đó là ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Nhựa và môi trường Xanh An Phát (mã chứng khoán AAA). Sở hữu gần 9,3 triệu cổ phiếu AAA, ông Dương xếp thứ 101 với giá trị tài sản là 206 tỷ đồng. Phong độ tích cực của An Phát Plastic và cổ phiếu AAA trong năm 2016 đã đưa ông Dương tăng thêm 141 bậc trong bảng xếp hạng.
Các đại gia ngành thép tăng bậc vù vù
Trong năm 2016, doanh nghiệp ngành thép và cổ phiếu ngành thép là những ngôi sáng nhất. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã giúp cho các doanh nghiệp có một kết quả kinh doanh hoành tráng và cổ phiếu thép thì tăng phi mã.
Điều này đã khiến cho vị trí xếp hạng của các lãnh đạo tại doanh nghiệp thép trong Top100 tăng rất mạnh.
Tổng giám đốc của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – ông Trần Tuấn Dương tăng 3 bậc lên vị trí số 23 và tài sản tăng lên hơn 400 tỷ đồng. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Chủ tịch của HPG cũng tăng 4 bậc và xếp vị trí thứ 24.
Chỉ có đại gia Trần Đình Long giảm 1 bậc xuống vị trí người giàu thứ 3 sàn chứng khoán dù tài sản tăng thêm đến gần 4.000 tỷ đồng.
Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tăng 12 bậc lên vị trí thứ 13 và tài sản tăng thêm hơn 1.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo tại các doanh nghiệp thép nhỏ hơn lại càng cho thấy sự tăng bậc mạnh hơn. Bà Trần Uyển Nhàn – Thành viên HĐQT độc lập Thép Nam Kim (NKG) tăng 140 bậc lên vị trí thứ 78. Bà Nguyễn Thanh Loan – Tổng giám đốc Đại Thiên Lộc (DTL) đã tăng 212 bậc lên vị trí thứ 117. Bà Nguyễn Thị Bích Liên – Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc cũng tăng 187 bậc.
Và một gương mặt khác, ông Nguyễn Mạnh Hà – Thép Tiến Lên (TLH) tăng 192 bậc lên vị trí thứ 102.
Ngoài ra, vị trí trong bảng xếp hạng của các sếp của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) như Điêu Chính Hải Triều, Đinh Anh Huân hay bà Phạm Thị Thu Hiền – vợ ông Nguyễn Đức Tài cũng tăng mạnh.
Gia đình ông Trầm Bê và nhiều đại gia bất động sản bị tụt hạng
Một trong những người bị giảm bậc mạnh nhất là bà Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Bà Yến đã rơi từ vị trí 53 trong năm trước xuống vị trí số 94.
Các thành viên của gia đình ông Trầm Bê cũng bị giảm bậc xếp hạng khi cổ phiếu STB lao dốc trong năm qua. Ông Trầm Bê giảm 32 bậc xuống vị trí thứ 70 với giá trị tài sản giảm còn hơn 300 tỷ đồng. Ông Trầm Ngân – con trai ông Bê giảm 11 bậc xuống vị trí thứ 26. Ông Trầm Khải Hòa – con trai của ông Bê giảm 37 bậc xuống vị trí thứ 72, giá trị tài sản còn hơn 300 tỷ đồng. Bà Trầm Thuyết Kiều cũng giảm 32 bậc xuống vị trí thứ 81 với giá trị tài sản giảm còn hơn 250 tỷ đồng.
Cùng bị tụt hạng do sự giảm giá của STB là ông Phan Huy Khang – giảm 41 bậc xuống vị trí thứ 98 với giá trị tài sản còn hơn 200 tỷ đồng.
Một số đại gia bất động sản như ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch HĐQT & Công bố thông tin & Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG), ông Nguyễn Xuân Quang Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) và đại gia bất động sản, nông nghiệp là ông Đoàn Nguyên Đức đều giảm trên 10 bậc.
Những gương mặt mới nổi: Vẫn là đại gia bất động sản
Không thể không nhắc đến những gương mặt mới nổi trong top người giàu năm nay, đặc biệt là trong top 10.
Đầu tiên là ông Trịnh Văn Quyết. Đầu tháng 9/2016, 430 triệu cổ phiếu của CTCP Xây dựng Faros (tên mới là FLC Faros) đã niêm yết trên HOSE rồi nhanh chóng tăng mạnh và đưa ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn FLC, cổ đông lớn của ROS trở thành tỷ phú Dollar mới trên sàn chứng khoán của Việt Nam.
Ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch của Novaland là một gương mặt hoàn toàn mới trên sàn chứng khoán. Ngày 28/12/2016, CTCP tập đoàn đầu tư địa ốc No va (Novaland) đã niêm yết trên HOSE và trở thành doanh nghiệp BĐS lớn thứ 2 trên TTCK. Việc này cũng đưa ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT của Novaland trở thành một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Và cuối cùng là ông Đỗ Hữu Hạ - Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) và CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS). Hoàng Huy nổi tiếng bởi kinh doanh xe đầu kéo và bất động sản.