Chưa bao giờ việc gia nhập và trụ lại Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán lại khó khăn như năm 2016

26/12/2016 14:55 PM | Kinh doanh

Những ngôi sao mới bất ngờ xuất hiện vào phút chót và "chuẩn giàu" cũng tăng thêm 50% so với cách đây 1 năm.

Hàng năm, việc trở thành một trong 10 người giàu nhất sàn chứng khoán “đơn giản” là sở hữu một lượng lớn cổ phiếu có giá trị lớn và chỉ cần đến quý 3, thị trường đã có thể ước lượng được ai sẽ là những người nằm trong danh sách. Trong các năm 2014, 2015, để lọt vào top 10, giá trị tài sản tối thiểu khoảng 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong năm 2016, việc này trở nên khó khăn hơn nhiều. Đó là bởi vì có những ngôi sao mới bất ngờ xuất hiện, và giá trị tài sản tối thiểu cũng không dừng lại ở con số “nhỏ bé” 1.500 tỷ đồng nữa.

“Chuẩn giàu” ngày một tăng

Nếu như năm 2014, 2015, giá trị tài sản khoảng 1.500 tỷ đồng là đủ để lọt vào top 10 thì năm nay, ước tính phải trên 2.300 tỷ đồng mới được xếp vào danh sách. “Chuẩn giàu” đã tăng thêm 800 tỷ đồng, tức hơn 50%.

Con số 1.500 tỷ đồng của năm trước trở thành tiêu chuẩn để xếp top 17.

Chính vì thế, ông Trần Lê Quân – Thành viên HĐQT độc lập của CTCP Thế giới di động (MWG) có khả năng rời top 10, còn ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG), ông Nguyễn Hồng Nam - Phó Tổng GĐ & Thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) hay ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT của Hoàng Anh Gia Lai (HAG), bà Nguyễn Hoàng Yến của Tập đoàn Masan… sẽ nằm trong top 20.

Cùng với việc các tỷ phú ngày một giàu có hơn thì Việt Nam cũng xuất hiện thêm một tỷ phú Dollar khác ngoài ông Phạm Nhật Vượng, đó là ông Trịnh Văn Quyết. Vì vậy, khoảng cách trong top 3 người giàu nhất càng được kéo xa. Mặc dù tài sản của ông Trần Đình Long – Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã tăng gần 50% và đứng thứ 3 trong top 3, nhưng giá trị khoản tài sản này chỉ bằng ¼ của người đứng thứ 2.

Những ngôi sao bất ngờ xuất hiện

“Nhanh và nguy hiểm” nhất chính là Novaland.

Vào phút chót của năm 2016, Novaland lên sàn HOSE với mã chứng khoán NVL , giá chào sàn 50.000 đồng. Tạm tính ở mức giá này, cổ phiếu NVL đã đưa ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT của công ty lên thẳng vị trí người giàu thứ 4 sàn chứng khoán.

Từ "tỷ phú không chính danh", ông Nhơn đã gia nhập câu lạc bộ tỷ phú của sàn chứng khoán.

Trước đó, sự xuất hiện của Faros và Tài chính Hoàng Huy cũng đã làm đảo lộn danh sách này, bởi khối lượng cổ phiếu đưa lên sàn quá lớn và giá cổ phiếu lại tăng rất nhanh.

Ngày 01/09/2016, CTCP Xây dựng Faros (tên mới là Xây dựng FLC Faros) niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán ROS và nhanh chóng trở thành hiện tượng bởi sự tăng giá phi mã. Chỉ sau hơn 1 tháng, ROS đã đưa ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn FLC trở thành người giàu thứ 2 sàn chứng khoán, rồi nhanh chóng trở thành người giàu nhất cũng không lâu sau đó.

Tương tự như trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết nhưng ở mức độ thấp hơn là ông Đỗ Hữu Hạ - Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS). Với việc đưa hơn 300 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy ( TCH ) lên niêm yết, ông Hạ đã lọt vào top 10, hiện đang đứng ở vị trí thứ 7 với giá trị tài sản vượt qua bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT của CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC). Thị giá cổ phiếu TCH là hơn 17.000 đồng - bằng 1/3 của VHC.

Đây mới chỉ xét đến các trường hợp là cá nhân, nếu theo một tiêu chí khác thì việc các doanh nghiệp “khủng long” lên sàn sẽ đưa nhiều gia đình trở thành những người giàu nhất sàn chứng khoán, ví dụ như gia đình ông Bùi Thành Nhơn (gia đình sở hữu lượng cổ phiếu trị giá hơn 1 tỷ USD), QNS của Đường Quảng Ngãi hay trường hợp tăng giá mạnh mẽ của VCS (CTCP đá Thạch anh cao cấp Vicostone) cũng sẽ khiến cho ông Hồ Xuân Năng và những người liên quan trở thành gia đình giàu có của thị trường chứng khoán.

Theo Mai Linh

Cùng chuyên mục
XEM